6.1. Sửa đổi Điều 67 Luật phá sản năm 2004 quy định về việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản khi có người vắng mặt tại Hội nghị chủ nợ.
- Kể từ khi thụ lý đơn và quyết định mở thủ tục phá sản doanh nghiệp đến khi triệu tập Hội nghị chủ nợ thì việc phá sản đã được tiến hành gần như hoàn tất để có thể xác định doanh nghiệp có bị phá sản hay không tức là có ra Quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản hay không. Việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản chỉ nên xem xét trong trường hợp người đưa đơn xin mở thủ tục phá sản doanh nghiệp rút đơn (mà không có người nào khác đưa đơn xin mở thủ tục phá sản nữa) trước khi Hội nghị chủ nợ được triệu tập. Những trường hợp khác Tòa án yêu cầu họ cử đại diện, hoặc Tòa án chỉ định người tham gia, nếu đến Hội nghị chủ nợ họ vắng mặt thì quyền quyết định đình chỉ hay mở thủ tục thanh lý tài sản không do Hội nghị chủ nợ quyết định. Như vậy đỡ lãng phí thì giờ công sức và tiền bạc rất nhiều.
- Sau khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, hoặc ra quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản, doanh nghiệp, HTX chứng minh được mình không lâm vào tình trạng phá sản thì như thế nào? Vì vậy, cần bổ sung đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản trong trường hợp “doanh nghiệp, HTX chứng minh được mình không lâm vào tình trạng phá sản”.
6.2. Sửa đổi quy định về tạm đình chỉ thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Việc quy định, theo đó, cần phải tạm đình chỉ thi hành tất cả các bản án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là cứng nhắc, không bảo đảm lợi ích chính đáng của một số chủ nợ có liên quan đến việc giải quyết phá sản.
Theo khoản 1 Điều 27 thì kể từ thời điểm Toà án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản, tất cả các bản án mà theo đó doanh nghiệp mắc nợ có nghĩa vụ thi hành đều bị tạm đình chỉ. Quy định như vậy, về cơ bản là đúng nhưng còn cứng nhắc, không hợp lý trong một số trường hợp, không phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam cũng như thông lệ của pháp luật nhiều nước trên thế giới. Xuất phát từ địa vị pháp lý, khả năng kinh tế cũng như nhu cầu phải có sự ứng xử một cách đặc biệt đối với một số chủ nợ nên Luật Phá sản của nhiều nước đều có quy định, theo đó, đối với một số bản án, nhất là các bản án mà người được thi hành là các cá nhân bị doanh nghiệp mắc nợ gây thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, danh dự; các bản án, theo đó, Toà án yêu cầu doanh nghiệp mắc nợ phải trả lại tài sản cho người khác do tài sản này đã bị doanh nghiệp mắc nợ chiếm hữu một cách bất hợp pháp ... đều được thi hành mà không bị tạm đình chỉ. Quy định này cũng rất phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, vì vậy, rất đáng được xem xét, tiếp thu. Trong tương lai, để phù hợp với tình hình thực tế có thể xảy ra cũng như để bảo vệ lợi ích chính đáng của một số chủ thể có tình trạng pháp lý đặc biệt, nên sửa lại khoản 1 Điều 27 Luật Phá sản 2004 như sau:
“Kể từ ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc giải quyết các yêu cầu sau đây đòi doanh nghiệp, HTX lâm vào tình trạng phá sản thực hiện nghĩa vụ về tài sản phải tạm đình chỉ:
1. Thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp, HTX là người phải thi hành, trừ các bản án mà người được thi hành là cá nhân đã bị doanh nghiệp mắc nợ gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và các bản án mà theo đó, doanh nghiệp mắc nợ có nghĩa vụ phải trả lại tài sản do mình đã chiếm hữu của người khác một cách bất hợp pháp
2. …”.
6.3. Về hậu quả của việc đình chỉ thủ tục phục hồi và đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản
- Việc đình chỉ giải quyết vụ án khi mở thủ tục phá sản do Toà án chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật và nằm ngoài mong muốn của nguyên đơn. Nay muốn vụ án được tiếp tục giải quyết, nguyên đơn lại phải làm đơn khởi kiện lại, phải nộp tiền tạm ứng án phí (đôi khi là một số tiền không nhỏ). Vì vậy, theo chúng tôi để tránh cho nguyên đơn sự thiệt thòi khi xảy ra trường hợp việc khởi kiện lại không được chấp nhận do thời hiệu khởi kiện của vụ án đã hết ngay trước khi thủ tục phá sản bị đình chỉ. Luật Phá sản nên chăng cần có sửa đổi, bổ sung theo hướng mềm mại hơn, cụ thể, chỉ nên quy định ở mức tạm đình chỉ giải quyết vụ án sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp là đương sự của vụ án. Và chỉ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi có quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản hoặc quyết định tuyên bố phá sản theo quy định tại các trường hợp quy định tại Điều 87 Luật Phá sản.
Nếu thủ tục phá sản bị đình chỉ thì chỉ cần khôi phục lại việc giải quyết vụ án đang bị tạm đình chỉ, nguyên đơn không phải làm thủ tục khởi kiện và nộp tiền tạm ứng phí lại.
- Về hậu quả của việc đình chỉ thủ tục phá sản theo Điều 67 Luật Phá sản, chúng tôi cho rằng, khác với việc đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đó là khi doanh nghiệp đã về cơ bản khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, do vậy, việc xác định hậu quả như quy định tại Điều 57 và Điều 77 Luật Phá sản năm 2004 là hoàn toàn phù hợp. Trong khi đó, việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 67 không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn và trở lại hoạt động kinh doanh bình thường nên không thể áp dụng những quy định tại Điều 57 và Điều 77 Luật Phá sản năm 2004. Vì vậy, cần phải bổ sung vào sau Điều 67 một điều quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản khi có người tham gia Hội nghị chủ nợ vắng mặt, khi người nộp đơn
yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu, trong đó có quy định về việc tiếp tục giải quyết các vụ án án đã bị đình chỉ do mở thủ tục phá sản.