2.2.1.1.Điểm mạnh (Strengths)
Tiềm năng dầu khí: trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên dầu khí, với sản lượng khai thác hàng năm khoảng 18-20 triệu tấn dầu quy đổi và là quốc gia xuất khẩu dầu thô đứng thứ ba trong khu vực. Khác với nhiều nước trong khu vực, sản lượng dầu khí ở Việt Nam đang trong giai đoạn đi lên. Nhưng không vì thế mà chúng ta lơ là việc thực hiện các chính sách an ninh năng lượng quốc gia: định hướng giảm dần sản lượng khai thác trong nước song vẫn gia tăng tổng sản lượng thông qua mở rộng công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác ở nước ngoài. Năm 2008 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký được 10 hợp đồng dầu khí từ nước ngoài trong tổng số 15 hợp đồng tìm kiếm thăm dò được thực hiện trong năm đem lại sản lượng khai thác 22,5 triệu tấn dầu quy đổi, xuất khẩu 14,66 triệu tấn dầu thô.
Chất lượng dầu thô Việt Nam: luôn được đánh giá cao, phù hợp với nhu cầu và có ưu thế trên những thị trường nhập khẩu dầu thô lớn như Nhật Bản, Australia, Mỹ… Đây là một thế mạnh giúp nâng cao uy tín cũng như giá trị của mặt hàng dầu thô của Việt Nam trên thị trường thế giới, thực tế là có rất nhiều nước đã nhập khẩu dầu thô Việt Nam về đặc biệt là dầu Bạch Hổ để pha trộn nhằm nâng cao chất lượng dầu thô nước mình. Bên cạnh đó, ưu thế này cũng góp phần tạo tiền đề, vị trí cho các sản phẩm dầu của Việt Nam trên thị trường quốc tế trong tương lai.
Chính trị, an ninh ổn định: đây là thế mạnh nói chung của Việt Nam nhưng lại là nhân tố tác động nhiều tạo ra thế mạnh cho kinh doanh xuất khẩu
dầu thô. Với sự ổn định của quốc gia sẽ tạo dựng sự ổn định vững chắc cho ngành dầu khí. Điều này có tác động làm yên tâm các nhà hợp tác, đầu tư với ngành Dầu khí Việt Nam. Cùng với sự ổn định về chính trị, an ninh quốc phòng, dầu khí Việt Nam còn có một lợi thế khá lớn là luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp và rất kịp thời của Đảng và Chính phủ. Nhờ vào vai trò và vị trí của dầu khí có ảnh hưởng rất lớn tới sự thăng trầm của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, có thể nói, hầu hết các dự án của ngành đều được xếp vào dự án trọng điểm và luôn được Trung ương và Chính phủ chỉ đạo trực tiếp. Sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà trong toàn bộ quá trình sản xuất – phân phối – trao đổi – tiêu dùng thông qua các Chiến lược định hướng phát triển được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê duyệt nhằm giữ vững mục tiêu, quan điểm ngay từ đầu của ngành Dầu khí là phải luôn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng đồng thời vẫn mang lại nguồn ngoại tệ phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhân công nói chung tại Việt Nam có giá rẻ: tiền thuê lao động Việt Nam có giá rẻ hơn tiền thuê lao động cùng loại trên thế giới và trong khu vực. Phần lớn các loại dịch vụ dầu khí ở Việt Nam cũng có giá rẻ hơn các nước trong khu vực. Những dịch vụ hoặc nhân công mà ngành phải thuê ngoài cũng khá dồi dào và có giá rẻ. Điều đó góp phần làm giảm giá thành sản phẩm và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của Dầu khí Việt Nam.
Trình độ lao động việc làm trong ngành ngày càng cao: tuy dầu khí là ngành kinh tế mới phát triển ở Việt Nam nhưng Việt Nam đã có được một đội ngũ lao động được đào tạo khá cơ bản tại các quốc gia có ngành dầu khí phát triển và có một kinh nghiệm nhất định trong việc triển khai các hoạt động dầu khí. Từ chỗ khả năng lao động Việt Nam chỉ đảm nhận được một số khâu công việc, còn lại phải thuê chuyên gia nước ngoài, đến nay, người Việt Nam đã thay thế được nhiều vị trí quan trọng mà trước đây chỉ có người nước
ngoài mới đảm nhận được nhưng vẫn đảm bảo tốt chất lượng công việc. Từ chỗ không đủ lao động và kinh nghiệm triển khai độc lập các hoạt động dầu khí trong nước, đến nay Việt Nam đã có đủ khả năng tự lực triển khai các hoạt động dầu khí ở nước ngoài. Nhiều lao động của ngành đi làm thuê cho các nhà thầu dầu khí nước ngoài đã được đánh giá cao về năng lực chuyên môn. Đó là những thế mạnh nội tại của Dầu khí Việt Nam.
Quan hệ quốc tế thuận lợi: hòa nhập với chủ trương mở cửa, hòa bình và hợp tác của Đảng và Chính phủ nhằm xây dựng mối quan hệ tốt mọi quốc gia để phát triển kinh tế, sau hàng chục năm xây dựng và trưởng thành, Dầu khí Việt Nam đã thiết lập được mối quan hệ tốt với nhiều công ty dầu khí nước ngoài như: Petronas, BP, Knoc, Conoco – Philip, Unocal… Nhiều công ty có đánh giá tốt về năng lực của ngành Dầu khí Việt Nam. Đó là những thuận lợi khi thực hiện hội nhập.
2.2.1.2.Điểm yếu (Weaknesses)
Vị trí các mỏ dầu ít thuận lợi: Việt Nam có tiềm năng về dầu khí nhưng so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Trung Đông, thì vô cùng nhỏ bé. Hơn nữa lại chủ yếu nằm ở thềm lục địa, không thuận lợi cho việc tìm kiếm thăm dò khai thác, nhiều phát hiện có trữ lượng không lớn. Điều đó làm chi phí trên một đơn vị sản phẩm dầu thô cao hơn một số nước trong khu vực, làm giảm khả năng cạnh tranh.
Năng lực quản lý còn nhiều hạn chế: là một nước đang phát triển, Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế trong đó có hạn chế về năng lực quản lý. Hạn chế lớn nhất trong công tác quản lý là còn tồn tại tính tùy tiện trong xử lý công việc. Nhiều hoạt động chưa đặt lợi ích của ngành lên trên nhất. Tất cả những điều đó góp phần làm giảm tính hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năng lực tài chính chưa đủ mạnh: nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa cao, vốn đầu tư có nhiều hạn chế, nhu cầu của nền kinh tế còn thấp, cộng với tiềm năng dầu khí chưa thực sự dồi dào, do vậy nhiều công trình dầu khí của Việt Nam còn có quy mô nhỏ, làm giảm năng lực cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại được sản xuất trên nhà máy với quy mô lớn hơn.
Khoa học công nghệ chưa đi trước một bước: cơ cấu công nghệ trong các năm qua đã có nhiều thay đổi theo hướng tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến hiện đại. Đã hình thành một cơ cấu công nghệ đa dạng về xuất xứ, trình độ, đan xen trong từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực và từng chuyên ngành sản xuất. Tuy nhiên, trình độ khoa học công nghệ của nước ta còn ở mức thấp và chậm tiến bộ. Mặc dù đã có những tiến bộ về công nghệ thiết bị nhưng ngành vẫn chưa có được một đội ngũ khoa học công nghệ đủ mạnh để có thể đáp ứng được những yêu cầu trong các lĩnh vực hoạt động của mình.
Hoạt động Marketing chưa được quan tâm đầy đủ: hoạt động tiếp thị, nghiên cứu thị trường của ngành nói chung cũng như của từng đơn vị thành viên mặc dù đã có nhưng còn hạn chế. Hầu hết các đơn vị hoạt động tiếp thị theo kiểu “ăn sổi”, chú ý nhiều tới từng sản phẩm trong một thời gian ngắn, không có chiến lược lâu dài cho sản phẩm của mình.
Phân cấp quản lý: do chưa phân biệt được rõ ràng về nội dung quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh nên sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành dầu khí tuy là một thế mạnh nhưng cũng là điểm yếu khi cơ quan quản lý Nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành. Với cơ chế quản lý chồng chéo, qua nhiều cấp, nhiều bộ ngành, sẽ làm chậm hoặc cản trở quy trình ra quyết định đặc biệt là đối với những quyết định nhạy cảm về mặt thời gian.
2.2.1.3. Cơ hội (Opportunities)
Thứ nhất, với xu hướng giảm nguồn cung dầu, trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục tăng lên khiến giá dầu mỏ vẫn có xu hướng biến động cùng chiều. Điều
này thuận lợi cho chúng ta: có thể vừa giảm dần về lượng xuất khẩu theo đúng phương hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng và Nhà nước đề ra - giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng nguyên liệu thô, chưa chế biến mà không lo kim ngạch xuất khẩu bị giảm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thị trường.
Mặc dù hai năm 2007, 2008 do ảnh hưởng của khủng hoàng tài chính toàn cầu, lượng cầu về dầu thô có vẻ giảm. Nhưng trong những tháng đầu năm 2009, đã có những dấu hiệu bình ổn, dự đoán trong tương lai gần, nhu cầu về dầu lại tiếp tục tăng. Hơn nữa, dân số ở các nước đang phát triển cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng căng thẳng cung cầu. Bên cạnh đó, các quốc gia do nhu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng không ngừng tìm kiếm cho mình nguồn nhập khẩu dầu mỏ. Trong khi đó, nguồn tài nguyên chiến lược này được nhận định là sản lượng sẽ nhanh chóng đạt mức đỉnh trong vòng vài năm tới. Sản lượng khai thác của OPEC và ngoài OPEC chỉ có khả năng tăng tối đa 2,4 triệu thùng một ngày trong khi đó mức tăng của cầu là 2,75 triệu thùng một ngày. Cung giảm cầu vẫn tiếp tục tăng lên, sẽ đẩy giá dầu tăng theo. Việt Nam có khả năng tăng sản lượng khai thác và đảm bảo nguồn cung của mình trong thời gian tới nhờ những xác minh trữ lượng hàng năm cùng với trữ lượng dầu thô khai thác từ thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục tăng.
Thứ hai, xu hướng thương mại hiện nay của thế giới giảm xuất khẩu các nguồn nguyên liệu thô, tăng các sản phẩm đã qua chế biến. Dầu thô cũng không phải ngoại lệ. Các nước xuất khẩu dầu thô trên thế giới đều đã đang lên kế hoạch cho mình việc xây dựng các nhà máy lọc dầu, chế biến các sản phẩm về dầu. Các nước này đều có mục tiêu giảm tối đa lượng xuất khẩu dầu thô để đảm bảo an ninh quốc gia dầu mỏ đồng thời cũng để tăng giá trị xuất khẩu của dầu thô khi đã qua lọc dầu hoặc chế biến. Việt Nam cũng nằm trong số đó. Dầu thô xuất khẩu sẽ dần được thay thế bằng dầu qua chế biến, khi đó
sẽ mang về cho quốc gia lượng giá trị xuất khẩu cao hơn. Định hướng này cũng khiến cho kim ngạch nhập khẩu dầu thành phẩm với giá cao giảm.
Thứ ba, xu hướng hợp tác trong việc liên kết thị trường dầu mỏ với các nước có cùng diều kiện, cùng khu vực đang được đẩy mạnh. Trong khu vực ASEAN, ba nước xuất khẩu dầu thô chính lớn nhất là Indonexia, Malaysia và Việt Nam cũng đã có các dự án hợp tác trong kinh doanh xuất khẩu dầu mỏ. Hơn nữa khi sự hợp tác sâu rộng trong ASEAN được tăng cường thì xuất khẩu dầu mỏ của Việt Nam có thể liên kết với các nước khác để tạo ra vị thế cạnh tranh mới trong việc xuất khẩu dầu mỏ ra thị trường thế giới. Sự hợp tác này nhằm tạo ra vị thế cho dầu mỏ khu vực trên trường quốc tế. Việc này cũng giúp cho ta chủ động hơn trong các hoạt động xuất khẩu, nâng cao kim ngạch, giảm sản lượng khai thác cũng như xuất khẩu.
Ngoài ra, cũng có thể thấy rằng kinh nghiệm lọc hóa dầu của chúng ta không nhiều, việc hợp tác này mang lại cho ta cơ hội tiếp cận những bài học kinh nghiệm hữu ích và cơ hội tiếp thu công nghệ lọc hóa dầu của thế giới.
2.2.1.4.Thách thức (Threats)
Thứ nhất, việc xuất khẩu dầu thô xét một cách lâu dài sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên đất nước. Chúng ta cũng biết rằng dầu mỏ là nguồn năng lượng quý hiếm, không tái tạo được và sẽ bị cạn kiệt trong tương lai. Khai thác quá nhiều nguồn tài nguyên này mà không có kế hoạch cụ thể sẽ làm ảnh hưởng đến chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ hai, khi trữ lượng dầu mỏ chỉ dùng cho nhân loại được khoảng 50 năm nữa, cả nhân loại biết cần phải tìm ra nguồn năng lượng để thay thế dầu mỏ. Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ như gió, năng lượng mặt trời cũng đã được ứng dụng khá nhiều. Xét một cách công bằng thì đây là các nguồn năng lượng giải tỏa được các vấn đề về sự mất cân bằng trong phân bố dầu mỏ, sự lo ngại về các vấn đề an ninh năng lượng quốc gia. Điều này cũng có nghĩa rằng, dầu mỏ
cũng sẽ không còn giữ được vị trí độc tôn của mình nữa. Đồng nghĩa với việc xuất khẩu dầu mỏ cũng sẽ bị giảm sút, sự trông chờ của các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng giảm dần.
Thứ ba, thách thức khi Việt Nam nằm ngoài các liên minh dầu mỏ. Chúng ta cũng đã biết, sự điều tiết cung cầu trên thị trường dầu mỏ đều do các liên minh này quyết định. Sự chi phối của các tổ chức OPEC, OAPEC… càng lớn khi mà dầu mỏ ngày càng khan hiếm. Sản lượng khai thác của OPEC là nhân tố vô cùng quan trọng trong việc tăng giảm giá trên thị trường dầu. Việt Nam là nước xuất khẩu với thị trường nhỏ và quy mô hẹp, việc chủ động trong việc lập kế hoạch cho thị trường xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn. Những biến động theo nhiều hướng của thị trường dầu mỏ thế giới sẽ gây nhiều trở ngại cho các nước xuất khẩu nhỏ lẻ như Việt Nam.
Thứ tư, thị trường xuất khẩu dầu mỏ của Việt Nam đang gặp những trở ngại. Sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu trong khu vực, các loại dầu như Dubai, Minas, Tapis….đều có năng lực cạnh tranh khá cao nhờ các công tác quảng bá thương hiệu, chi phí vận chuyển thấp. Đây cũng là các loại dầu mỏ có cùng thị trường tiêu thụ với dầu mỏ của chúng ta và chiếm được thị phần áp đảo ở các thị trường như Australia, Nhật Bản, Trung Quốc…
2.2.2.Đặc điểm một số thị trƣờng xuất khẩu dầu thô chủ yếu của Việt Nam
Dầu thô Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường thế giới từ năm 1987, tới nay chúng ta đã có được các mối quan hệ tốt đẹp với các thị trường nhập khẩu dầu của chúng ta. Hiện tại, chúng ta có được một danh sách các khách hàng truyền thống và các khách hàng tiềm năng mới nổi, với kim ngạch tăng nhanh chóng. Tính đến hết tháng 12/2008, lượng dầu thô Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Australia: 4,16 triệu tấn, giảm 19,6%; Nhật Bản: 2,95 triệu tấn, tăng 72,4%; Singapore: 2,06 triệu tấn, giảm 29,5%; Hoa
Kỳ: 1,46 triệu tấn, giảm 1%; Malaysia: 0,853 triệu tấn, tăng 2,7%; Trung Quốc: 0,604 triệu tấn, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm 2007.
Sau đây, sẽ giới thiệu tóm tắt về những thị trường xuất khẩu chủ yếu dầu thô của Việt Nam:
2.2.2.1.Thị trƣờng Australia
Thực tế những năm qua, Australia là một trong những nước tiêu thụ hàng đầu dầu thô của Việt Nam. Theo thống kê của Viện Dầu Australia, Việt Nam là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất của Australia với mức trên 100.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, lại không có bất cứ khách hàng quốc tịch Australia nào trực tiếp mua dầu thô Việt Nam. Thực tế đó là do các nhà máy lọc dầu của Australia phần lớn thuộc các công ty xuyên quốc gia (TNCs) như BP, Chevron, Texas, Exxon, Shell… Những TNCs đó chính là các khách hàng truyền thống mua dầu thô Việt Nam và đem về Australia cho các nhà máy lọc