II. THỰC TRẠNG TTTD TẠI VIỆT NAM
1. Hồ sơ vay vốn của khách hàng
Hiện nay hồ sơ vay vốn của khách hàng gồm các các giấy tờ pháp lý và các báo cáo tài chính của 3 năm gần nhất. Các báo cáo tài chính mà doanh nghiệp nộp cho ngân hàng chủ yếu là Bảng cân đối kế toán, Báo cáo
kết quả kinh doanh. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thường không được các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ. Mà các báo cáo tài chính có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, giải thích và làm rõ cho nhau, nên việc thiếu bất cứ báo cáo tài chính nào cũng gây khó khăn cho công tác chấm điểm tín dụng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giải thích cho các số liệu trên Bảng cân đối kế toán và là cơ sở đối chiếu với Báo cáo kết quả kinh doanh. Không có báo cáo này, cán bộ tín dụng sẽ mất thời gian và chi phí xác định lại xem tính chính xác, trung thực của các số liệu kế toán để có đánh giá về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nếu không có nó, không thể chấm điểm một số chỉ tiêu của doanh nghiệp như xu hướng lưu chuyển tiền tệ, trạng thái lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động, cán bộ tín dụng buộc phải cho 0 với các chỉ tiêu này dẫn đến chấm điểm cho doanh nghiệp thiếu chính xác, ảnh hưởng đến việc xếp hạng doanh nghiệp. Hơn thế nữa, báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo phản ánh các luồng tiền vào – ra thực tế của doanh nghiệp. Nó thể hiện chính xác nhu cầu tài chính và năng lực trả nợ tại các thời điểm xác định của doanh nghiệp. Đây là căn cứ quan trọng giúp các quyết định tài trợ của ngân hàng có tính tương thích với nhu cầu tài chính cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp, đảm bảo tài trợ đúng thời điểm khi doanh nghiệp có thâm hụt ngân quỹ và thu nợ khi doanh nghiệp có thặng dư ngân quỹ.
Mặt khác, báo cáo kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp cũng chưa thực sự cập nhật theo đúng chuẩn mực Kế toán mới, dẫn đến cung cấp không đầy đủ thông tin cho chấm điểm tín dụng. Ví dụ như Chuẩn mực kế toán qui định từ năm 2004, trong báo cáo kết quả kinh doanh phải có trình bày chỉ tiêu “chi phí lãi vay”. Tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn chưa cập nhật, khiến cán bộ tín dụng gặp khó khăn trong việc xác định và chấm điểm chỉ số thanh toán lãi vay (lợi nhuận trước thuế + chi phí lãi vay/chi phí trả lãi vay). Rất mất thời gian trong việc yêu cầu doanh nghiệp bổ sung đầy đủ các thông tin này, đôi khi các cán bộ tín dụng phải trực tiếp đến tận doanh nghiệp để thu thập.
Cuối cùng, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp hầu như chưa được kiểm toán nên đòi hỏi thời gian để xem xét tính trung thực cũng như làm ảnh hưởng dến độ chính xác của kết quả chấm điểm tín dụng.