Một nền kinh tế chính trị xã hội ổn định luôn là môi trường vững chắc cho mọi hoạt động kinh doanh nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Hơn thế, kinh doanh thẻ là một loại hình kinh doanh dịch vụ nên vai trò quyết định của môi trường càng lớn. Vì vậy, thông qua các công cụ vĩ mô, Chính phủ cần
có những biện pháp nhằm duy trì sự ổn định và lành mạnh của nền kinh tế, xã hội mà cụ thể là sự ổn định trong giá cả, nâng cao mức sống, tạo việc làm, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các ngành dịch vụ tiêu dùng…nhằm khuyến khích sự phát triển của dịch vụ thanh toán thẻ Ngân hàng.
3.3.2. Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nƣớc và các bộ ngành liên quan
3.3.2.1. Hoàn thiện các văn bản pháp quy về thẻ
Là ngân hàng trung ương của nước ta, các chính sách do NHNN ban hành có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh của từng ngân hàng trong hệ thống. Lĩnh vực dịch vụ thanh toán thẻ của các NHTM cũng không là ngoại lệ. Đặc biệt, đây còn là một lĩnh vực rất mới mẻ không chỉ đối với các ngân hàng triển khai mà đối với khách hàng sử dụng.
Trước tiên, NHNN cần kết hợp với Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ hơn cho mọi hoạt động của kinh doanh thẻ. Cụ thể là việc ban hành quy định điều chỉnh hành vi liên quan đến phát hành và thanh toán thẻ, về dự phòng rủi ro, xử lý tranh chấp và xử lý rủi ro. Hiện nay, các quy định về quản lý ngoại hối đối với cá nhân xuất cảnh có sử dụng thẻ chưa rõ ràng. NHNN cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn việc sử dụng ngoại hối đối với thẻ thanh toán quốc tế.
Mặt khác NHNN cần có định hướng và lộ trình phát triển chung đối với nghiệp vụ thẻ để các ngân hàng xác định định hướng của mình mà không dẫn đến chồng chéo, gây lãng phí đối với các ngân hàng và bất tiện cho người sử dụng.
3.3.2.2. Thành lập trung tâm thanh toán bù trừ giữa các ngân hàng
Thực tế hiện nay các ngân hàng quản lý phát hành và thanh toán thẻ theo mạng riêng của mình, điều này có lợi là phù hợp với chức năng hoạt động kinh doanh, kinh phí đầu tư thiết bị công nghệ của từng ngân hàng. Nhưng thực tế cũng cho thấy sự phức tạp khi thẻ của một ngân hàng được
đem rút tiền mặt ở một ngân hàng khác trong nước nhưng khác hệ thống. Lúc đó giao dịch sẽ phải thực hiện thông qua trung tâm thanh toán của tổ chức thẻ quốc tế và phải chịu một khoản phí do tổ chức này quy định. Bởi vậy, thành lập một Trung tâm bù trừ thanh toán thẻ giữa các ngân hàng thành viên trong nước sẽ giảm tính phức tạp về hình thức thanh toán các giao dịch nội bộ trong nước, tăng tốc độ thanh toán nhanh, giải quyết được vấn đề chênh lệch tỷ giá và sẽ thống nhất được về chủ trương giao dịch thẻ ở Việt Nam chỉ dùng đồng Việt Nam. Hơn nữac, Trung tâm bù trừ thanh toán sẽ giúp các ngân hàng quan hệ chặt chẽ hơn trong mọi lĩnh vực như:
Các thành viên phát hành và thanh toán thẻ sẽ cập nhật nhanh nhất những thông tin rủi ro và giả mạo, tránh thất thoát cho các thành viên.
Kết hợp in ấn các danh sách thẻ cấm lưu hành, giảm được chi phí cho các thành viên.
Có quy chế thống nhất về đồng tiền thanh toán, mức phí, tỷ giá tạo ra một khí thế cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực thẻ tín dụng tại thị trường Việt Nam.
3.3.3. Kiến nghị đối với Hiệp hội các ngân hàng
Hội thẻ Việt Nam từ khi ra đời đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của thị trường thẻ Việt Nam. Trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy thanh toán thẻ phát triển, không thể thiếu sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội về nhiều mặt.
Trước mắt, Hội thẻ cần phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác giữa các ngân hàng thành viên. Hiện nay, nhận thấy sự cần thiết của việc liên kết trong thanh toán thẻ, các NHTM đã tự liên kết với nhau thành từng nhóm liên minh thẻ. Tuy hoạt động của các hệ thống liên kết thẻ này phần nào tăng hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thành viên, song vẫn là sự rời rạc. Người sử dụng thẻ vẫn bị bất tiện và phải tìm đúng máy ATM trong nhóm liên minh mới sử dụng được. Vì vậy, Hội thẻ ngân hàng Việt Nam cần đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất, giúp các Ngân hàng tiết
kiệm chi phí lớn trong trang bị máy móc. Quan trọng hơn, tạo sự thuận tiện cho khách hàng khi giao dịch thẻ, góp phần tăng số người sử dụng dịch vụ thanh toán thẻ.
Hiện nay sản phẩm và công nghệ thẻ phát triển rất nhanh chóng. Hội thẻ cần có sự thông tin kịp thời, đầy đủ về các sản phẩm mới, tiện ích mới cũng như các công nghệ phục vụ cho hiện đại hoá thanh toán thẻ và phòng ngừa rủi ro, gian lận về thẻ. Hỗ trợ các ngân hàng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thẻ thông qua các các khoá học trong nước và nước ngoài. Mời các chuyên gia của các tổ chức thẻ quốc tế, của cục phòng chống tội phạm công nghệ cao để trang bị những kiến thức cần thiết trong nghiệp vụ phát hành, thanh toán, phát triển thị trường và quản trị rủi ro.
Công tác tuyên truyền, quảng bá về hoạt động thẻ cũng cần được Hội thẻ tích cực thực hiện hơn nữa. Thực tế, thanh toán thẻ ở nước ta chỉ mới phổ biến đối với các cán bộ, viên chức và những người trẻ tuổi, mà chưa đi sâu vào quảng đại quần chúng. Tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán thẻ mới chỉ chiếm 2% trong tổng các phương tiện thanh toán. Điều này có nguyên nhân rất lớn là do sự hiểu biết về thẻ của người dân còn hạn chế. Vì thế, Hiệp hội thẻ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch vụ thanh toán thẻ cũng như tiện ích của nó mang lại, những kiến thức cơ bản trong sử dụng, quản lý và phòng ngừa rủi ro cho người sử dụng. Việc quảng bá về thẻ có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là các kênh thông tin của hội.
Đối với hoạt động quản trị rủi ro kinh doanh thẻ, bên cạnh sự hỗ trợ về mặt thông tin, đào tạo, Hội cần có kế hoạch triển khai đồng bộ đề án sử dụng thẻ chíp trong toàn hệ thống. Tránh tình trạng thiếu đồng bộ về mặt kỹ thuật, gây khó khăn cho việc kết nối hệ thống giữa các ngân hàng sau này.
KẾT LUẬN
Dịch vụ thanh toán thẻ đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong vài năm qua tuy nhiên tiềm năng của thị trường vẫn còn rất lớn. Do vậy, trong thời gian tới sự cạnh tranh trong lĩnh vực này vẫn còn rất quyết liệt, không chỉ tập trung vào cạnh tranh doanh số thẻ phát hành trên thị trường mà còn hướng tới sự cạnh tranh về đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp các dịch vụ tiện ích gia tăng của thẻ thanh toán.
Đối với một ngân hàng mới gia nhập thị trường thẻ thanh toán Việt Nam như GP.Bank, để có thể tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh như vậy, cần có những nghiên cứu phân tích chuyên sâu về thị trường và nền kinh tế, tìm ra những điểm mạnh điểm yếu, những cơ hội và thách thức với ngân hàng để từ đó hoạch định cho mình một chiến lược kinh doanh dịch vụ thanh toán thẻ đúng đắn nhất.
Sau gần một năm hoạt động, số lượng thẻ của GP. Bank đã chiếm 0,1% thị phần thị trường thẻ Việt Nam. Con số này còn rất khiêm tốn so với các ngân hàng khác, tuy nhiên trong bối cảnh chung hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam đang gặp khó khăn như hiện này thì kết quả này có thể xem là một nỗ lực cố gắng của GP.Bank. Để đạt được kết quả này, GP.Bank đã ứng dụng được các công nghệ tiên tiến, đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ và có chiến lược kinh doanh đúng đắn.
Khóa luận này sau khi nghiên cứu về dịch vụ thanh toán thẻ tại GP.Bank có một số kết luận như sau:
Trung tâm thẻ GP.Bank được tổ chức điều hành hoạt động theo các giai đoạn của quá trình kinh doanh thẻ từ nghiên cứu phát triển sản phẩm, phát hành thẻ, quản trị tài chính kế toán, quản trị rủi ro cho đến chăm sóc khách hàng. Cơ cấu này mang tính hiệu quả và độc lập cao.
Sản phẩm thẻ Mai Xanh hiện đang cung cấp cho khách hàng nhắm tới đối tượng khách hàng phổ biến như các tổ chức, công ty và cá nhân với nhiều tiện ích, mức phí phát hành giao dịch cạnh tranh. Tuy nhiên kết quả kinh doanh chưa đạt được mục tiêu đề ra do sự yếu kém về thương hiệu, công tác tiếp thị
và khó khăn chung của kinh tế Việt Nam trong năm 2008. Các loại thẻ đang trong giai đoạn phát triển sản phẩm và sẽ cung cấp cho khách hàng trong thời gian tới bao gồm thẻ VISA (thẻ Lan), thẻ CUP (thẻ Cúc) và thẻ liên kết (thẻ Trúc) hướng tới đối tượng khách hàng thực hiện các thanh toán quốc tế và giao dịch điện tử.
Mạng lưới thanh toán của GP.Bank chưa thực sự đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường thẻ với số lượng máy ATM rất ít trong khi mới chỉ kết nối thanh toán thẻ được với một vài ngân hàng trong liên minh thẻ VNBC như Đông Á, Habubank mà chưa kết nối được với các ngân hàng lớn VCB, BIDV, Agribank hay Vietinbank.
Từ các thực trạng này, luân văn đưa ra các đánh giá về dịch vụ thanh toán thẻ như các kết quả kinh doanh đạt được, các hạn chế, tồn tại và nguyên nhân sau gần một năm hoạt động của dịch vụ thanh toán thẻ GP.Bank.
Nhằm hoàn thiện dịch vụ thanh toán thẻ tại GP.Bank, ngân hàng cần thực hiện chiến lược marketing tổng hợp sản phẩm, khuyến mại quảng cáo, phân phối; kết nối hệ thống thanh toán với các ngân hàng lớn, mở rộng mạng lưới thanh toán điện tử. Ngoài ra nhà nước, để giúp các ngân hàng, cần hoàn thiện văn bản pháp quy về thẻ để dự phòng rủi ro, xử lý rủi ro và xử lý tranh chấp; thành lập trung tâm thanh toán bù trừ giữa các ngân hàng để xử lý giao dịch nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro.
Với đề tài nghiên cứu này, bản thân em hy vọng sẽ đóng góp một phần không nhỏ kiến thức của mình vào việc hoàn thiện dịch vụ thanh toán thẻ tại GP.Bank để dịch vụ thanh toán thẻ này ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vì đây là một đề tài rộng và phức tạp nên trong quá trình nghiên cứu có một vấn đề em vẫn chưa làm rõ như sau:vì GP.Bank mới đi vào hoạt động kinh doanh dịch vụ thanh toán thẻ từ tháng 1 năm 2008 nên mới chỉ cung cấp thẻ nội địa trong nước, chưa được cung cấp thẻ tín dụng quốc tế (VISA) nên em vẫn chưa đưa ra được các giải pháp để mở rộng và phát triển dịch vụ thanh toán cho loại thẻ này.