Chè Thái trong văn hóa trà Việt hiện đại

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CHUYÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌC_CHU THỊ THANH BÌNH (Trang 44 - 74)

7. Bố cục của khóa luận

2.3.4. Chè Thái trong văn hóa trà Việt hiện đại

Ngày nay, xu hướng mở cửa, hội nhập đã kéo theo những thay đổi về nhiều mặt trong xã hội Việt Nam. Văn hóa ẩm thực cũng trở nên đa dạng hơn nhờ sự giao lưu, tiếp xúc và hấp thu các giá trị ngoại. Văn hóa trà Việt không

nằm ngoài quy luật đó. Một số lễ nghi Trà đạo của Nhật Bản, tập quán uống trà sữa, trà hòa tan, trà túi lọc Âu – Mỹ được người Việt tiếp nhận và phổ biến. Các nhãn hiệu trà công nghiệp “uống liền” như Lipton, Dilmah… “lên ngôi” và trở thành sự lựa chọn số một cho giới trẻ năng động và nhanh nhạy. Thực tế đó đã đặt ra cho các danh trà Việt Nam truyền thống nói chung và trà Thái nói riêng những thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự đổi mới tích cực của các loại đặc sản này để không bị áp đảo, lãng quên.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và giai đoạn “Phục hưng văn hóa trà Việt” hiện nay, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cá nhân có liên quan và yêu mến trà đã có những động thái nhằm bảo tồn, duy trì vị trí của trà Việt trong nền văn hóa trà thế giới. Đó là sự đa dạng hóa các sản phẩm trà để đáp ứng nhu cầu của nhiều loại khách hàng, là sự trau chuốt, tỉ mỉ trong nghệ thuật thưởng trà dân tộc, sự tôn vinh văn hóa trà qua các lễ hội trà ở Hà Giang, Lâm Đồng…

Đóng vai trò là “Đệ nhất danh trà” trong văn hóa trà Việt truyền thống, chè Thái đang có những biến đổi để phù hợp với xu thế thời đại trên cơ sở giữ vững và phát huy vị thế văn hóa vốn có. Sản phẩm chè Thái không chỉ còn dừng lại ở loại trà móc câu sao suốt cổ truyền đóng vào túi nửa cân hay một cân, mà rất phong phú về chủng loại, mẫu mã: trà Ô Long, trà xanh, trà đen, trà ướp hương… với các nhãn hiệu từ cao cấp đến bình dân: Tĩnh Tâm trà, chè 5 Sao, Trúc Lâm trà… Đặc biệt, về bao bì, bên cạnh các túi trà bằng nilon hay hộp giấy, đã có những sản phẩm trà được đựng trong hộp gỗ sơn mài, hộp sắt tây, trong túi thổ cẩm rất sang trọng và độc đáo.

Chè Thái có mặt từ nơi nhà riêng tới công sở, từ các hàng nước vỉa hè đến những hiên trà, xuất hiện trang trọng trên bàn thờ tổ tiên hay giản dị, bình thường trên mặt bàn uống nước. Không chỉ được dùng trong nghi thức giao tiếp pha – mời trà, trong các đám hiếu, hỷ, chè Thái còn được lựa chọn để làm

chè cúng và được coi như một món quà biếu thanh nhã. Chè Thái có được chỗ đứng đó là bởi sự đa dạng hóa sản phẩm và sự thuận tiện trong pha chế, thưởng thức. Không giống như đặc sản trà Long Tỉnh của Trung Hoa, phải pha làm hai lần, lần đầu chỉ rót vào chén một chút nước, lần sau mới rót gần đầy và biểu diễn các động tác lắc cổ tay mô tả, cách điệu ba cái gật đầu của chim phượng hoàng một cách chính xác và điêu luyện, hay Trà đạo Nhật Bản yêu cầu phải có đủ các yếu tố về không, thời gian, về số lượng khách mời…, chè Thái có thể được pha ở nhiều nơi, nhiều thời điểm, cách pha cũng rất đơn giản, nhanh chóng: chỉ cần tráng ấm, bỏ trà vào, chế nước sôi “rửa” trà một lần rồi châm nước lần hai, chờ vài phút cho trà ngấm là có thể rót ra thưởng thức.

Hoạt động giới thiệu, quảng bá trà và văn hóa trà Thái đã được chú trọng đầu tư, tiêu biểu là các lễ hội văn hóa “Chè xuân Tân Cương 2008”, “Hương sắc trà xuân – vùng chè đặc sản Tân Cương 2010”… Thông qua các lễ hội, văn hóa trà Thái Nguyên được tôn vinh, bảo lưu (lễ rước cây chè, phương pháp sao trà thủ công truyền thống bằng chảo gang, chảo đồng, nghệ thuật pha chế, thưởng thức trà…), đồng thời thương hiệu chè Thái được thêm nhiều khách hàng biết đến và ưa chuộng.

Có thể nói, vị thế văn hóa chè Thái vẫn luôn tồn tại một cách vững chắc trong văn hóa trà Việt và trong tương lai, nếu có định hướng phát triển hợp lý, bền vững, trà Thái Nguyên sẽ có vị thế ngang tầm với các danh trà thế giới.

CHƯƠNG 3

TIỀM NĂNG KINH TẾ CHÈ THÁI 3.1. Điều kiện phát triển cây chè, ngành chè Thái Nguyên

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

Thái Nguyên có diện tích đất tự nhiên không lớn (3.541,1 km2), chỉ chiếm 1,13% diện tích cả nước. Phía bắc, Thái Nguyên giáp tỉnh Bắc Kạn, phía tây giáp hai tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía đông giáp Lạng Sơn, Bắc Giang, phía nam giáp thủ đô Hà Nội. Tỉnh là một trong những địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự phát triển của cây chè, ngành chè.

Về mặt địa hình, Thái Nguyên có nhiều dãy núi cao chạy theo hướng bắc – nam, thấp dần xuống phía nam và chấm dứt ở Đèo Khế. Cấu trúc vùng núi phía bắc chủ yếu là đá phong hóa mạnh, tạo thành nhiều hang động, thung lũng nhỏ. Phía tây nam có dãy Tam Đảo với đỉnh cao nhất 1.590 m, các vách núi dựng đứng và kéo dài theo hướng tây bắc – đông nam. Ngoài hai dãy núi kể trên, tỉnh còn có dãy Ngân Sơn và Bắc Sơn. Địa hình không quá phức tạp so với các tỉnh khác trong vùng là một điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong quá trình phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, trong đó có cây chè nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội nói chung.

Đất của tỉnh chủ yếu là đất feralit phân bố trên vùng đồi núi chia cắt mạnh, gồm các loại: đất phát triển trên phiến thạch sét biến chất (Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ); đất nâu đỏ (Đại Từ, Phú Lương); đất nâu đỏ trên phù sa cổ (Phổ Yên) và đất vàng nhạt phát triển trên đá cát (Đại Từ).

Đất núi chiếm 48,4% diện tích tự nhiên, nằm ở độ cao trên 200 m so với mực nước biển. Đất đồi chiếm 31,4%, chủ yếu hình thành trên cát kết, bột kết, phiến sét và một phần phù sa cổ. Ở một số vùng như Đại Từ, Phú Lương,

đất đồi có độ cao 150 – 200 m, độ dốc 5 – 20o, phù hợp cho sự sinh trưởng của cây công nghiệp (chè) và cây ăn quả lâu năm. Đất ruộng chỉ chiếm 12,4% và có sự phân hóa phức tạp. Điều đáng lưu ý là diện tích đất chưa sử dụng ở Thái Nguyên khá lớn, chiếm 22,18% diện tích đất tự nhiên, có khả năng phát triển lâm nghiệp, nhất là mô hình trang trại vườn rừng.

Khí hậu của Thái Nguyên chia làm bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Lượng mưa trung bình khoảng 2.000 mm / năm, cao nhất vào tháng 8 (400 mm) và thấp nhất vào tháng 1 (dưới 50 mm).

Do địa hình thấp dần từ vùng núi cao xuống vùng núi thấp, trung du, đồng bằng theo hướng bắc – nam nên khí hậu Thái Nguyên vào mùa đông được chia thành ba vùng rõ rệt: vùng lạnh nhiều (phía bắc huyện Võ Nhai); vùng lạnh vừa (các huyện Định Hóa, Phú Lương, phía nam Võ Nhai) và vùng ấm (các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên). Nhiệt độ chênh lệch giữa tháng nóng nhất (tháng 6: 28,9o C) với tháng lạnh nhất (tháng 1: 15,2o C) là 13,7o C. Tổng số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 1.300 đến 1.750 giờ, phân phối tương đối đều cho các tháng trong năm. Đặc điểm khí hậu trên hoàn toàn phù hợp để cây chè sinh trưởng và cho năng suất cao.

Thái Nguyên có hai sông chính là sông Công và sông Cầu. Sông Cầu nằm trong hệ thống sông Thái Bình, có lưu vực 3.480 km2, bắt nguồn từ huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), chảy theo hướng tây bắc – đông nam. Hệ thống thủy nông của sông Cầu (trong đó có đập dâng Thác Huống) đảm bảo nước tưới cho 24.000 ha lúa, hoa màu của các huyện Phú Bình (Thái Nguyên) và Hiệp Hòa, Tân Yên (Bắc Giang). Sông Công có lưu vực 951 km2, bắt nguồn từ vùng núi Ba Lá (Định Hóa), chạy dọc theo chân núi Tam Đảo, nằm trong vùng mưa lớn nhất của tỉnh. Dòng sông đã được ngăn lại ở Đại Từ, tạo thành hồ Núi Cốc, có mặt nước rộng khoảng 25 km2, dung lượng 175 triệu m3 nước,

có tác dụng điều hòa dòng chảy và chủ động tưới tiêu nước cho hơn 10.000 ha lúa hai vụ, hoa màu, cây công nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công.

Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều sông nhỏ thuộc hệ thống sông Kỳ Cùng và sông Lô. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trên các con sông chảy qua tỉnh có thể xây dựng nhiều công trình thủy điện kết hợp với thủy lợi quy mô nhỏ.

3.1.2. Điều kiện kinh tế – xã hội

Tính đến năm 2005, Thái Nguyên có gần 1,1 triệu dân, gồm 8 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm đa số (75%). Mật độ dân số của tỉnh là 260 người / km2, cao nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Dân số đông cung cấp một nguồn lao động lớn cho hoạt động sản xuất. Đặc biệt, người dân Thái Nguyên có những đức tính cần cù, chịu khó, khéo tay, nhanh nhạy trong tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đã có kinh nghiệm trồng, chế biến chè từ lâu đời.

Hệ thống giao thông được chú ý đầu tư, xây dựng đã tạo điều kiện cho Thái Nguyên đẩy mạnh giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương khác. Hệ thống đường bộ của tỉnh có tổng chiều dài 2.753 km. Quốc lộ 3 từ Hà Nội đi Bắc Kạn, Cao Bằng cắt dọc tỉnh, chạy qua thành phố Thái Nguyên là cửa ngõ phía nam nối Thái Nguyên với Hà Nội, các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh thành trong cả nước. Các quốc lộ 37, 1B, 279 cùng hệ thống tỉnh lộ, huyện lộ là những mạch máu nối Thái Nguyên với các tỉnh trong vùng. Tuyến đường sắt Hà Nội – Quán Triều là đầu mối giao lưu quan trọng giữa vùng đồng bằng sông Hồng với các khu công nghiệp của tỉnh: Khu công nghiệp Sông Công, Khu gang thép Thái Nguyên… Hệ thống đường thủy có hai tuyến sông chính đi Hải Phòng và Hòn Gai (Quảng Ninh), rất thuận lợi

cho việc vận chuyển hàng hóa từ Thái Nguyên đến hai cảng lớn Hải Phòng và Cái Lân.

Với vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, Thái Nguyên còn là nơi hội tụ văn hóa của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, đầu mối hoạt động văn hóa, giáo dục của cả vùng. Thái Nguyên là trung tâm đào tạo khoa học và giáo dục lớn thứ ba cả nước (sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) với 5 trường đại học trực thuộc đại học Thái Nguyên, 14 trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Ngành chè Thái Nguyên đã ra đời, phát triển hơn 50 năm qua và xây dựng được cơ sở hạ tầng – kỹ thuật khá quy mô với nhiều nông trường quốc doanh, nhà máy chế biến chè, các showroom trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Các trang thiết bị chế biến theo công nghệ tiên tiến của nước ngoài cũng đã được đầu tư phục vụ cho sản xuất.

Nhận thức được tiềm năng phát triển của cây chè, ngành chè Thái Nguyên, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã có nhiều chính sách, đường lối phù hợp, đúng đắn nhằm đưa cây chè trở thành cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu cho người dân và đưa ngành chè vươn lên vị trí mũi nhọn trong nền kinh tế tỉnh nhà. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến tương lai của ngành chè Thái Nguyên.

- Ngày 28 / 03 / 2006, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định số 320 / QĐ – UBND về việc phê duyệt đề án phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2006 – 2010, trong đó có 5 dự án thành phần:

+ Rà soát, bổ sung quy định lại vùng chè theo mục tiêu + Đầu tư phát triển công nghệ sản xuất chè

+ Xây dựng, hoàn thiện thông tin thị trường và xúc tiến thương mại, trong đó có nhiệm vụ xây dựng hệ thống quảng bá thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên

+ Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng chè + Phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồi và tưới tiêu

Định hướng phát triển là tập trung nguồn nhân lực để khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng và lợi thế cây chè Thái Nguyên, phát triển đồng bộ quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững, xác lập vị thế cho chè Thái Nguyên trên thị trường.

Mục tiêu đến năm 2010 là ổn định diện tích đến 17.500 ha, năng suất bình quân 85 tạ / ha, sản lượng 136.000 tấn búp tươi, 50% diện tích sản xuất nguyên liệu chè xanh, 30% diện tích sản xuất chè đặc sản cao cấp và 20% diện tích nguyên liệu sản xuất chè đen. Xác định thị trường tiêu thụ với cơ cấu 70% nội tiêu và xuất khẩu khoảng 30%, giá trị thu nhập 50 triệu đồng / ha / năm, giá trị sản xuất tăng thêm bình quân 5% năm.

- Thành lập Hiệp hội chè Thái Nguyên nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất, kinh doanh chè và xác định hướng hoạt động hiệu quả.

- Xây dựng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên.

Ngày 16 / 01 / 2004, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên đã ra thông báo số 16 CV – KHCN khẳng định thương hiệu chè Thái Nguyên và công bố thương hiệu chính thức được bảo hộ.

Ngày 18 / 01 /2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định số 159 / 2007 / QĐ – UBND về việc ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên”.

Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 77941 cho Hội nông dân Việt Nam tỉnh Thái Nguyên làm chủ nhãn hiệu chè Thái Nguyên.

- Sở Công thương Thái Nguyên đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xúc tiến đầu tư và phát triển ngành chè. Hàng năm, Sở Công thương đều

có hội nghị kiểm điểm đánh giá nhiệm vụ xuất nhập khẩu chè. Ngành và tỉnh cũng đã tổ chức những hội chợ triển lãm lớn tầm khu vực và trọng điểm quốc gia để quảng bá sản phẩm chè, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường.

3.2. Hiện trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè Thái Nguyên

3.2.1. Thông tin chung

Thái Nguyên nằm trong vùng chè trung du Bắc Bộ, là tỉnh có diện tích chè lớn nhất miền Bắc và đứng thứ hai cả nước (sau Lâm Đồng – 26.692 ha). Năm 2008, diện tích chè của tỉnh là 16.720 ha (cả nước là 125.000 ha), trong đó có 15.118 ha chè đang cho thu hái; năng suất bình quân đạt trên 70 tạ / ha; sản lượng chè búp tươi đạt 125.000 tấn / năm. Lượng chè khô xấp xỉ 25.000 tấn / 600.000 tấn của cả nước. Nhờ đẩy mạnh thâm canh và tích cực mở rộng diện tích trồng các giống mới có năng suất cao, sản lượng chè Thái Nguyên trong tương lai còn tiếp tục tăng.

Chè được trồng ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Đại Từ (khoảng 4.000 ha), huyện Phú Lương (3.700 ha); huyện Đồng Hỷ (2.500 ha). Tại nhiều vùng, diện tích trồng chè còn lớn hơn diện tích trồng lúa như ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) có 460 ha chè canh tác trong khi chỉ có 197 ha gieo cấy lúa, xã Tân Cương có 400 ha chè, gấp đôi diện tích lúa. Giống chè chủ yếu của tỉnh là giống Trung Du, song đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây chè. Các giống mới trong nước như LDP1, LDP2, PH1… và các giống ngoại nhập như Kim Tuyên, Bát Tiên, Keo Am Tích, Long Vân… được đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao sự đa dạng về nguồn nguyên liệu cho sản phẩm chè Thái Nguyên.

Hiện nay, người nông dân Thái Nguyên chủ yếu tập trung sản xuất chè vụ xuân và vụ hè thu. Bên cạnh đó, các hộ dân ở vùng ven sông Cầu, sông Đào, sông Công, những nơi có nguồn sinh thủy thuận lợi đã đầu tư vào thâm

canh chè vụ đông với diện tích 7.390 ha, đảm bảo nguyên liệu chè cho sản xuất, chế biến vào dịp cuối năm, đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CHUYÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌC_CHU THỊ THANH BÌNH (Trang 44 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w