7. Bố cục của khóa luận
3.2.1. Thông tin chung
Thái Nguyên nằm trong vùng chè trung du Bắc Bộ, là tỉnh có diện tích chè lớn nhất miền Bắc và đứng thứ hai cả nước (sau Lâm Đồng – 26.692 ha). Năm 2008, diện tích chè của tỉnh là 16.720 ha (cả nước là 125.000 ha), trong đó có 15.118 ha chè đang cho thu hái; năng suất bình quân đạt trên 70 tạ / ha; sản lượng chè búp tươi đạt 125.000 tấn / năm. Lượng chè khô xấp xỉ 25.000 tấn / 600.000 tấn của cả nước. Nhờ đẩy mạnh thâm canh và tích cực mở rộng diện tích trồng các giống mới có năng suất cao, sản lượng chè Thái Nguyên trong tương lai còn tiếp tục tăng.
Chè được trồng ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Đại Từ (khoảng 4.000 ha), huyện Phú Lương (3.700 ha); huyện Đồng Hỷ (2.500 ha). Tại nhiều vùng, diện tích trồng chè còn lớn hơn diện tích trồng lúa như ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) có 460 ha chè canh tác trong khi chỉ có 197 ha gieo cấy lúa, xã Tân Cương có 400 ha chè, gấp đôi diện tích lúa. Giống chè chủ yếu của tỉnh là giống Trung Du, song đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây chè. Các giống mới trong nước như LDP1, LDP2, PH1… và các giống ngoại nhập như Kim Tuyên, Bát Tiên, Keo Am Tích, Long Vân… được đưa vào sản xuất, góp phần nâng cao sự đa dạng về nguồn nguyên liệu cho sản phẩm chè Thái Nguyên.
Hiện nay, người nông dân Thái Nguyên chủ yếu tập trung sản xuất chè vụ xuân và vụ hè thu. Bên cạnh đó, các hộ dân ở vùng ven sông Cầu, sông Đào, sông Công, những nơi có nguồn sinh thủy thuận lợi đã đầu tư vào thâm
canh chè vụ đông với diện tích 7.390 ha, đảm bảo nguyên liệu chè cho sản xuất, chế biến vào dịp cuối năm, đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vào dịp giáp tết.
Thái Nguyên đã có sự phân vùng sản xuất chè, trong đó diện tích trồng chè xanh và chè đặc sản chiếm 73% (hơn 11.000 ha), phân bố ở thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công, các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Võ Nhai. Diện tích trồng chè nguyên liệu phục vụ sản xuất chè đen chiếm 27% tổng diện tích chè toàn tỉnh, bao gồm phần lớn diện tích chè của huyện Định Hóa, Phú Lương với diện tích hơn 4.000 ha.
Bên cạnh vùng chè đặc sản Tân Cương đã nổi danh từ lâu, những năm gần đây ở Thái Nguyên đã xuất hiện thêm nhiều vùng chè ngon có tiếng khác như La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Minh Lập – Đồng Hỷ)…
Từ lâu, giới ẩm trà Việt Nam đã đánh giá cao chất lượng chè Thái Nguyên. Đó là một lợi thế giúp chè Thái Nguyên cạnh tranh với các loại trà khác trên thị trường nội địa. Trong tổng lượng chè tiêu thụ nội địa, chè Thái Nguyên chiếm đến 70%.
Nắm bắt được nhu cầu về nhiều mặt của thị trường, ngành chè Thái Nguyên đã có những đổi mới tích cực, xác định hướng đi đúng đắn: đa dạng hóa các chủng loại, mẫu mã, giá cả… các sản phẩm chè. Chè Thái Nguyên không còn đơn điệu ở một loại chè xanh sao suốt mà đã xuất hiện thêm chè đen xuất khẩu, chè xanh đặc sản, chè Ô Long, chè ướp hương… phục vụ đủ loại khách hàng từ bình dân đến cao cấp.
Giá chè búp tươi Thái Nguyên hiện tại ở mức 3.500 – 8.500 đ / kg, giá chè khô bình quân trong năm dao động trong khoảng 40.000 – 90.000 đ / kg. Vào dịp Tết Nguyên Đán, giá chè tăng đột biến từ 150.000 – 200.000 đ / kg. Thậm chí loại chè “tôm nõn” có giá tới 400.000 – 500.000 đ / kg. Giá chè giống mới tăng 12 – 15% so với giá chè truyền thống. Cá biệt các loại trà đặc
sản đặc biệt, chè thương phẩm xuất khẩu cao cấp còn có giá hàng trăm nghìn đến hàng triệu đồng một kilogam, ví dụ Tri Âm trà, Tĩnh Tâm trà của công ty chè Hoàng Bình có giá là 200.000 đ / hộp 150g, và 350.000 đ / hộp 100g.
Giá trị sản xuất chè bình quân đạt 16 triệu đồng / ha (tính theo giá chè búp tươi) và 36,5 triệu đồng / ha (tính theo giá chè búp khô). Riêng vùng thâm canh tập trung chè đặc sản có giá trị sản xuất đạt từ 50 – 60 triệu đồng / ha / năm. Thu nhập của người sản xuất chè trung bình là 16 – 20 triệu đồng / người / ha / năm, nhiều hộ trồng chè thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng / năm.
Theo Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2006 – 2010 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, sản lượng chè bình quân tăng 9,4% / năm. Cơ cấu giá trị sản xuất chè chiếm 13,26% giá trị sản xuất nông nghiệp. Theo Cục Thống kê, giá trị kim ngạch xuất khẩu chè chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Sản xuất và kinh doanh chè đã trở thành một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế Thái Nguyên.
Những điều trên là nền tảng cho khả năng cung ứng mặt hàng chè ở mức cao của tỉnh Thái Nguyên. Nhưng trên thực tế, chè được sản xuất và tiêu thụ ra thị trường nhiều nhất vẫn là sản phẩm chè xanh. Khả năng cung cấp các sản phẩm trà túi lọc, trà hòa tan không cao do các doanh nghiệp ít lựa chọn sản xuất. Hệ thống cửa hàng, đại lý bán lẻ còn ít về số lượng và hạn chế về quy mô. Đồng thời, do không chủ động được nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp chè gặp nhiều khó khăn trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh trung và dài hạn.
Trên trường quốc tế, năng lực cạnh tranh của chè Thái Nguyên vẫn còn ở mức thấp do chất lượng chưa vượt trội và khâu quảng cáo còn nhiều hạn chế. Hoạt động quảng bá sản phẩm trên thị trường không nhiều, chủ yếu là do các công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư. Số lượng các doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hay được cấp phép sử dụng biểu
tượng thương hiệu quốc gia “Chè Việt” chỉ chiếm 21,74%. Phần lớn các doanh nghiệp chỉ sản xuất các sản phẩm sơ chế, ít sản xuất chè thành phẩm và bán thành phẩm. Các loại trà có thương hiệu như Queenli trà, Lan Đình trà của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Bình hay Seemed Tea của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Trung Nguyên còn rất ít. Do đó, khả năng cung ứng cho thị trường quốc tế mới chỉ tập trung ở loại sản phẩm chè thô, chưa đáp ứng được nhu cầu về chè thương phẩm của khách hàng thế giới. Đây là một khó khăn lớn của ngành chè Thái Nguyên, cần sớm được khắc phục để đưa sản phẩm chè Thái Nguyên lên tầm cao mới, tương xứng với vị thế của chè Thái.