Một số đặc trưng trong gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CHUYÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌC_CHU THỊ THANH BÌNH (Trang 30 - 32)

7. Bố cục của khóa luận

2.2.1.Một số đặc trưng trong gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế

biến chè

Thái Nguyên là vùng đất hội tụ đầy đủ những thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu… cho cây chè sinh trưởng và phát triển: đất giàu mùn, tầng canh tác sâu, độ pH thích hợp, khí hậu ôn hòa, ánh sáng tán xạ, độ ẩm không khí cao (80 – 85%), lượng mưa tương đối lớn (2.000 mm / năm)… Các điều kiện sinh thái đó là nền tảng để cây chè bén rễ và đem lại lợi nhuận về kinh tế cho người dân trồng chè.

Cây chè Thái Nguyên được trồng ở cả 9 huyện, thị xã và thành phố nhưng tập trung chủ yếu ở thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công, các huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên, Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ và Võ Nhai. Căn cứ vào điều kiện đất đai, khí hậu của từng địa phương, cây chè được trồng để phục vụ hai mục đích chế biến: chế biến chè xanh và chế biến chè đen. Vùng chè nguyên liệu để chế biến chè xanh chiếm hơn 73% diện tích chè của tỉnh, trong đó có những vùng chè xanh đặc sản như Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên), Trại Cài (Minh Lập – Đồng Hỷ)… Vùng chè nguyên liệu để chế biến chè đen tập trung ở hai huyện Định Hóa, Phú Lương, chiếm khoảng 27% diện tích chè toàn tỉnh.

Giống chè chủ yếu của Thái Nguyên là chè Trung Du – giống chè truyền thống đã làm nên danh tiếng chè Thái, trồng bằng phương pháp gieo hạt, chiếm 80% diện tích.

Từ những năm 2000, toàn tỉnh bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi giống, trồng hơn 1.100 ha chè mới bằng phương pháp giâm cành với các giống

LDP1, LDP2, Bát Tiên, Kim Tuyên, Long Vân, Keo Am Tích, Phúc Vân Tiên… theo các vùng đã quy hoạch.

Trước đây, người Thái Nguyên trồng và chăm sóc chè theo kỹ thuật đầu tiên (1918 – 1940) của Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp Phú Thọ thời Pháp thuộc. Chè được trồng theo ô vuông, cao khoảng 1 m, bón khô dầu. Hiện nay, trong khâu canh tác, nông dân trồng chè đã thực hiện thâm canh theo hướng giảm phân bón hóa học, tăng cường phân hữu cơ và phân sinh hóa hữu cơ. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cho chè được đặc biệt chú trọng từ khâu nguyên liệu, thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Những năm gần đây, ở Thái Nguyên đã hình thành các câu lạc bộ trà sạch, trà hữu cơ theo hướng không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào trong suốt quá trình trồng, chăm bón và chế biến (ở Tân Cương, La Bằng…). Các câu lạc bộ này đã được tổ chức hữu cơ quốc tế IFOAM và ICEA (Italia) cấp giấy chứng nhận sản phẩm trà sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, mở ra một cơ hội mới để đưa sản phẩm chè Thái đến với người tiêu dùng quốc tế.

Một trong những yếu tố làm nên chất lượng vượt trội của chè Thái so với các loại chè / trà xanh khác là nguyên liệu chế biến chè thành phẩm được chọn lọc và phân loại kỹ càng. Việc hái chè diễn ra vào buổi sáng, thường do các cô gái trẻ đảm nhiệm. Trong khi thu hoạch chè tươi, những người sản xuất chè ở Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu về kỹ thuật: hái chè đúng lứa, đúng quy cách “một tôm hai lá, một cá hai chừa”; vừa đảm bảo chất lượng búp chè cho chế biến, vừa giúp cây chè phát triển tốt, ra búp mạnh và đều trong các đợt sau. Búp chè đã hái phải đựng trong sọt bằng tre, không dồn, ấn để tránh sự dập nát và giữ độ tươi cho chè, tuyệt đối không đựng chè trong bao nilon và phơi nắng lâu bởi sẽ làm chè bị ôi ngốt, giảm phẩm cấp.

Chè thu hái xong nhanh chóng được vận chuyển về xưởng sản xuất để tiến hành chế biến ngay trong ngày.

Các tỉnh Hà Giang, Yên Bái nổi tiếng với trà Shan tuyết, Lâm Đồng được cả nước biết đến bởi sản phẩm trà Ô Long, trà ướp hương, còn Thái Nguyên hấp dẫn người tiêu dùng bằng loại trà quen thuộc: trà móc câu sao suốt. Gọi là trà móc câu sao suốt vì chè được chế biến theo phương pháp sao bằng nhiệt, tách nước (giảm bớt thủy phần), cánh trà thành phẩm có dạng quăn hình chiếc móc câu.

Chè dễ hấp thụ các mùi lạ, đặc biệt là mùi nước hoa và mùi dầu cù là, vì vậy, suốt quá trình thu hái, vận chuyển, sao, vò, đánh mốc, lấy hương, đóng gói, người Thái Nguyên rất chú ý kiêng các mùi này. Chè có thể được sao hoàn toàn thủ công theo kinh nghiệm của các nghệ nhân bằng chảo gang, lấy hương bằng chảo đồng với quy trình sao – vò – sao liên tục theo công nghệ trà xanh sao chảo kiểu trà my (my trà, Chiết Giang – Trung Quốc), hay bán thủ công với các máy sao tôn, máy vò chè mini và được chế biến bằng các dây chuyền thiết bị, máy móc hiện đại theo công nghệ Othodox tại các nhà máy chè.

Một phần của tài liệu KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CHUYÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌC_CHU THỊ THANH BÌNH (Trang 30 - 32)