con người mới
Cuối thế kỉ XIV đầu thế kỉ XV, Nguyễn Trãi xuất hiện như một người hùng của dân tộc, ông không chỉ là một nhà chính trị, một nhà quân sự mà còn là một nhà văn, nhà tư tưởng lớn. Tất cả những mặt đó nhất quán trong con người Nguyễn Trãi, tạo nên một con người đại tài suốt đời vì nước, vì dân. Trong cuộc đời, Nguyễn Trãi đã để lại nhiều tư tưởng có giá trị không chỉ đối với thời đại ông đang sống mà còn giá trị đến ngày nay. Khi nhắc đến tài năng của Nguyễn Trãi cách đây hơn 600 năm nhiều người đã phải cúi mình thán phục. Trong con người cũng như tư tưởng Nguyễn Trãi tràn đầy tinh thần yêu nước, thương dân, nhân nghĩa. Tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng đất nước trong xã hội ngày nay, đặc biệt là vấn đề xây dựng con người mới khi nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế.
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định con người là một thực thể tự nhiên, đồng thời là một thực thể xã hội mang bản chất xã hội. Với tư cách con người là một thực thể tự nhiên, con người chịu sự chi phối mạnh mẽ của quy luật tự nhiên. Đồng thời, với tư cách là một thực thể xã hội, con người chịu sự tác động của quy luật xã hội, của mội trường xã hội. Sự tác động biện chứng giữa mặt tự nhiên và mặt xã hội đối với quá trình phát triển của con người giúp con người tách ra khỏi thế giới động vật và trở thành một con người sinh học – xã hội. Theo C.Mác, xã hội tạo ra con người ở mức độ nào thì con người cũng tạo ra xã hội ở mức độ đó. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng
sản”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dự báo rằng trong xã hội tương lai sẽ là một liên hiệp trong đó có sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của mọi người. Theo Lênin, chính từ trong cuộc đấu tranh để lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, những con người mới được hình thành. Họ là sản phẩm của lịch sử đồng thời cũng là chủ thể góp phần sáng tạo lịch sử. Chúng ta phải xậy dựng con người mới từ những vật liệu mà xã hội cũ để lại. Chính trong quá trình xây dựng đất nước những con người mới sẽ xuất hiện và trưởng thành. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã kế thừa một cách có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt quá trình xây dựng và phát triển con người mới.
Ngay từ thời Nguyễn Trãi, ông đã nhận thấy rõ bản chất con người mà cụ thể là nhân dân lao động là nguồn lực để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nêu cao tư tưởng nhân nghĩa trong mọi hoạt động, Nguyễn Trãi đã hướng con người đến sự nhân ái, bao dung, sống có trước có sau, không lấy oán báo oán. Điều này thể hiện rất rõ trong cách đánh giặc cũng như trong cuộc sống hàng ngày của ông đối với nhân dân.
Tiếp thu những tư tưởng mang tính thời đại của Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng ta “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng, rất cần thiết”.
Văn kiện Đại hội VI đã khẳng định: Sự quan tâm đến con người và thái độ tôn trọng lẫn nhau phải trở thành một tiêu chuẩn đạo đức trong mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong các dịch vụ phục vụ nhân dân.
Việc xây dựng con người được Đảng ta xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau, trước hết là tiền đề kinh tế để xây dựng con người. Vì vậy, Đại hội VI
đã xác định: Tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch và các chính sách kinh tế là giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng, tiềm năng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu là những chương trình có ý nghĩa đột phá để tháo gỡ khó khăn về kinh tế, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân.
Đại hội VII của Đảng đã khẳng định: “Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy sức mạnh của nhân tố con người và vì con người. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế”.
Sau khi giúp vua Lê đánh thắng giặc Minh, Nguyễn Trãi còn đưa ra những kế sách tuyển chọn nhân tài để xây dựng một lực lượng hùng mạnh giúp nhà vua quản lý mọi mặt trong xã hội, đặc biệt là khi nước ta vừa mới giành được độc lập, tình hình đất nước còn rối ren. Trong Chiếu cầu hiền tài, ông viết: “người tài ở đời vốn không thiếu”, triều đình có thể tuyển chọn nhân tài theo nhiều cách khác nhau như thông qua thi cử, tự ứng cử hay người khác tiến cử. Tấm lòng của Nguyễn Trãi đối với dân với nước là không thể phủ nhận, không chỉ có cái nhìn bao quát hiện tại mà ông còn dự tính tương lai của đất nước và việc lựa chọn người tài là một kế sách khôn ngoan của Nguyễn Trãi trong thời đại ấy.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang đẩy mạnh sự nghiệp phát triển giáo dục để đào tạo ra những nhân tài, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, coi phát triển giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu của quốc gia. Khi xác định
mục tiêu của sự nghiệp giáo dục - đào tạo, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta đã nêu rõ: Mục tiêu giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Nhà trường đào tạo thế hệ trẻ theo hướng toàn diện và có năng lực chuyên môn sâu, có ý thức và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Vấn đề xây dựng con người mới phục vụ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Đảng ta đặt trên bình diện rộng lớn gắn liền với trách nhiệm của từng lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, từ lĩnh vực phát triển kinh tế tạo nền tảng vật chất để xây dựng con người tới phát triển về thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chăm sóc sức khỏe cho con người gắn liền với trách nhiệm xã hội của các ngành y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin đại chúng, dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Nước ta càng bước vào quá trình hội nhập quốc tế, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vấn đề xây dựng và phát triển con người mới càng phải được quan tâm. Bởi vì, đây là quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu thế toàn cầu hóa đặt ra những yêu cầu mới về con người và xây dựng con người. Sự nghiệp đổi mới đất nước không thể thành công nếu không xây dựng được những lớp người mới đáp ứng những yêu cầu cao của dân tộc và thời đại. Đồng thời, những mặt trái của kinh tế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang tác động tiêu cực, làm sói mòn tư tưởng, lối sống và đạo đức xã hội. Vì vậy, tranh thủ thời cơ, vượt qua những thách thức, Đảng và nhà nước ta đã đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình xây dựng con người mới trong thời đại hội nhập.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khóa VII (tháng 1/1993) đã tập trung vào chủ đề xây dựng con người trong thời kỳ đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã ban hành hàng loạt nghị quyết quan trọng nhằm xây dựng con người phục vụ sự nghiệp đổi mới: “Về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ những năm trước mắt”; Nghị quyết “Về những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”; Nghị quyết “Về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”; Nghị quyết “Về sự nghiệp giáo dục và đào tạo”; Nghị quyết “Về công tác thanh niên trong thời kỳ mới”. Vấn đề con người ở đây được đặt trong bối cảnh mới, với những yêu cầu và nhiệm vụ mới mà các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội phải quan tâm đúng mức. Mục tiêu của sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ này mà Đảng ta nhấn mạnh là nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những con người có kiến thức văn hóa, khoa học, có kỹ năng nghề nghiệp, lao động tự chủ, sáng tạo và có kỷ luật, giàu lòng nhân ái, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, sống lành mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và chuẩn bị cho tương lai. Quá trình đổi mới giáo dục theo hướng vừa gắn chặt với yêu cầu phát triển đất nước, vừa phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại, thực hiện một nền giáo dục thường xuyên cho mọi người, xác định học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người dân đã tạo ra những chuyển biến mới để xây dựng con người, đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong đường lối chính sách xây dựng và phát triển con người ở thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặc biệt chú trọng quan tâm tới thế hệ thanh thiếu niên, tương lai của đất nước. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khóa VII (1/1993) đã ban hành Nghị quyết: “Về công tác thanh niên trong thời kỳ mới”. Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa X (7/2008) đã ra Nghị quyết “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đánh giá về vai trò thanh niên, Đảng ta đã xác định thanh niên một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc, là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm
những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo, là lực lượng xã hội to lớn. Kế thừa tinh hoa truyền thống của dân tộc và những thành quả của cách mạng, mở rộng giao lưu quốc tế, thanh niên ngày nay có mặt mạnh cơ bản là trình độ học vấn cao hơn trước, tầm nhìn rộng, nhạy cảm với thời cuộc, giàu lòng yêu nước, có khát vọng mau chóng đưa đất nước vượt qua nghèo nàn lạc hậu, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh. Thanh niên đồng tình, ủng hộ và hăng hái tham gia sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đã và đang xuất hiện nhiều tài năng trẻ, nhiều tấm gương trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ chủ quyền và an ninh đất nước, trong học tập, hoạt động khoa học kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật và thể thao, trong công tác xã hội. Tuy nhiên, đứng trước tình hình khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, một bộ phận thanh niên đang gặp nhiều khó khăn về định hướng chính trị. Hàng triệu thanh niên chưa có hoặc thiếu việc làm, thu nhập thấp. Tình trạng thất học, mù chữ tăng lên, nhất là ở nông thôn, miền núi. Sức khỏe của thanh niên và trẻ em có chiều hướng giảm sút, số trẻ lang thang còn nhiều. Một bộ phận thanh niên ít quan tâm sinh hoạt chính trị, coi thường truyền thống cách mạng, trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Một số dao động, thiếu niềm tin ở chủ nghĩa xã hội. Một bộ phận thanh niên có xu hướng chạy theo lối sống không lành mạnh, coi thường giá trị nhân văn, kỷ cương, đạo lý. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thành niên gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Tỷ lệ thanh niên nhiễm HIV/AIDS còn cao. Không ít thanh niên vẫn mang tâm lý thụ động, ỷ lại từ thời kỳ bao cấp; tâm lý lao động và khả năng nghề nghiệp chưa chuyển kịp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Trong Cương lĩnh (Bổ sung và phát triển 2011): Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ
quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, tình nghĩa; có tinh thần quốc tế chân chính.
Tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Trãi là nhân nghĩa, thân dân, yêu nước. Nguyễn Trãi đã luôn tự hào về truyền thống đấu tranh quật cường của dân tộc, luôn dành tình yêu cho quê hương đất nước nơi “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, “phong tục Bắc Nam cũng khác”, có những triều đại trị vì đưa đất nước phát triển thoát khỏi sự lạc hậu “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xung đế một phương”. Sự tự hào dân tộc, tinh thần nhân nghĩa không chỉ tồn tại và phát huy tác dụng ở thế kỉ XV mà ngày nay tư tưởng đó vẫn còn giá trị tích cực.
Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 11-12-1998 đã ghi rõ: Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện, có đạo đức, trí tuệ, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm khóa VIII đã khẳng định nhiệm vụ đầu tiên để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là: “Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới với những đức tính sau: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung. Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Lao động chăm chỉ với lương
tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội. Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thế lực”.