2. Mục đích, yêu cầu của đề tài
1.3.3.2. Tình hình sản xuất khoai tây ở Việt Nam
Khoai tây không phải là cây trồng bản địa nhưng đã được trồng ở Việt Nam từ hơn 100 năm nay do người Pháp đưa vào. Cây khoai tây được trồng chủ yếu ở ĐBSH, là loại cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, nhưng lại cho năng suất cao, sản phẩm dễ tiêu thụ (Đường Hồng Dật, 2004) [8].
Khí hậu nhiệt đới của Việt Nam là một điểm không mấy phù hợp cho sản xuất khoai tây và phần nhiều các vùng không hề thuận lợi cho việc trồng khoai tây. Phần lớn khoai tây được sản xuất ở vùng đồng bằng sông Hồng. Ở đây khoai tây được trồng vào các tháng mùa Đông. Tất cả các tỉnh miền Bắc đều có vùng sản xuất khoai tây. Nhưng từ Hà Tĩnh trở vào nam, khoai tây chỉ trồng được ở Lâm Đồng nơi có khí hậu ôn hòa nhờ có độ cao đáng kể so với mặt biển nên khoai tây có thể trồng được quanh năm. Khoai tây có thể trồng được ba vụ ở Lâm Đồng. (Đỗ Kim Chung, 2003) [4].
Mặc dù vậy, thực trạng sản xuất khoai tây ở Việt Nam luôn biến động và phát triển theo nhiều giai đoạn, chưa phản ánh đúng với tiềm năng mà chúng ta có.
Giai đoạn 1971 - 1979, cây khoai tây được coi là cây lương thực, diện tích khoai tây tăng nhanh từ vài ngàn ha quanh các thành phố lớn và năm 1979, diện tích cao nhất đã đạt 104.600 ha. Tuy nhiên, năng suất khoai tây bình quân còn ở mức độ thấp khoảng 7 - 10 tấn/ha. Giống Ackersegen (Thường Tín) vẫn là giống khoai tây được trồng phổ biến ở nước ta thời kỳ này. Sản lượng khoai tây giao động từ 45.100 đến 721.100 tấn/năm (Đỗ Kim Chung, 2006) [5].
Giai đoạn 1980 - 2000, cây khoai tây không chỉ là cây trồng quan trọng trong cơ cấu luân canh vụ Đông, mà còn được coi là cây thực phẩm có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, năm 1985 diện tích khoai tây giảm mạnh, chỉ còn 23.600 ha và đến năm 1990 diện tích khoai tây lại tăng lên gần 40.000 ha. Thời kỳ này, số lượng giống khoai tây tăng và đa dạng, nhiều giống khoai tây mới được nhập từ Hà Lan, Pháp, Đức, Trung Quốc và CIP. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã trồng được hai giống khoai tây bằng hạt lai là Hồng Hà 2 và Hồng Hà 7.
Bảng 1.2. Diện tích, năng suất, sản lượng khoai tây ở Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2013 Năm Diện tích (ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (tấn) 2002 32.102 11,7585 377.472 2003 33.887 10,6935 362.371 2004 34.000 10,7353 365.000 2005 35.000 10,5714 370.000 2006 35.000 10,5714 370.000 2007 36.000 10,3333 372.000 2008 36.000 10,5556 380.000 2009 37.000 10,4865 388.000 2010 36.683 10,7642 394.862 2011 40.064 11,1988 448.710 2012 40.000 11,000 440.000 2013 23.077 13,5798 313.383 (Nguồn: FAOSTAT, 2013)[60]
Năng suất khoai tây thời kỳ này cũng tăng lên nhanh chóng, đạt trung bình 12 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 15 tấn/ha. Sản lượng khoai tây từ 342.100 đến 576.000 tấn/năm. Năm 1979 có diện tích trồng khoai tây lớn nhất và cũng là năm có sản lượng khoai tây cao nhất (Đỗ Kim Chung, 2006) [5].
Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, diện tích khoai tây tăng dần ở mức 30.000 - 40.000ha, tuy nhiên năm 2013 diện tích khoai tây lại giảm đáng kể chỉ còn 23.077ha. Thời kỳ đầu, nguồn giống chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng giống kém, sâu bệnh nhiều, nên năng suất thấp, bình quân đạt 10 - 12 tấn/ha. Do giống nhập không chủ động được nên diện tích và thời vụ trồng bấp bênh.
Có nhiều nguyên nhân làm cho diện tích trồng khoai tây ở nước ta bị giảm, năng suất khoai tây thấp, đó là sử dụng giống không đảm bảo chất lượng, củ giống đã thoái hóa, điều kiện bảo quản giống kém, kỹ thuật canh tác chưa hoàn thiện... trong khi đầu tư sản xuất khoai tây lại cao, đặc biệt là chi phí giống và phân bón dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp (Vũ Triệu Mân, 1993) [19].
Nhu cầu sử dụng khoai tây ngày càng lớn và đa dạng, thêm vào đó là công nghệ chế biến phát triển, nhiều nhà máy chế biến khoai tây ra đời như Orion, Li Way Way, Pepsico... đòi hỏi sản lượng khoai tây phải đủ lớn, chất lượng cao và ổn định. Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong giai đoạn mới, sản xuất khoai tây phải mang tính hàng hoá cao. Vì vậy, ngoài việc phải mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng khoai tây, quy vùng sản xuất tập trung, cũng phải tăng cường áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, quản lý đồng ruộng, sử dụng chế phẩm sinh học, theo hướng hạn chế sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật để vừa đảm bảo được năng suất của củ giống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lại hạn chế quá trình thoái hoá của khoai tây giống.
Khoai tây ở Việt Nam bao gồm hơn 10 giống. Giống Thường Tín vẫn còn được trồng khoảng 8,50% diện tích của cả nước, nhất là ở Thái Bình, Hải Dương, Nam Định và Ninh Bình. Các giống nhập từ Châu Âu như Diamant, Mariella và đang được trồng chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng với 15,19% tổng diện tích. Trong các giống này, Diamant được trồng phổ biến nhất, chiếm khoảng 14% tổng diện tích ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình và Thái Bình. Các giống KT2, KT3
và P3 được trồng khoảng 4% tổng diện tích. Khoảng 8% diện tích khoai tây được trồng bởi khoai tây hạt lai (TPS). Các giống Trung Quốc nhất là VT2, chiếm tới 66% tổng diện tích khoai tây. Với sự lựa chọn kỹ càng, các giống Trung Quốc vẫn cho năng suất khá (16 - 20 tấn/ha). Tuy nhiên, do nông dân không có khả năng chi trả giá giống cao, các nhà nhập khẩu phải nhập khoai thịt về làm giống. Tỷ lệ diện tích giống Trung Quốc cao đã tạo ra những khó khăn sau:
- Khó kiểm soát chất lượng giống
- Không xác nhận giống nên đã dẫn đến tình trạng giống bị thoái hóa, tạo khả năng nhiễm bệnh cao (nhất là ghẻ bột)
- Tỷ lệ hao hụt lớn trong khi vận chuyển và buôn bán, sản lượng khoai tây lẫn tạp nhiều giống, giảm giá trị xuất khẩu. (Đỗ Kim Chung, 2006)[5].
Nếu xét trong chuỗi thời gian 10 năm gần đây nhất thì thấy rằng cả diện tích và năng suất khoai tây nước ta tăng giảm không ổn định và có chiều hướng suy giảm (nguyên nhân là giống khoai tây ngày càng bị thoái hóa và nhiễm sâu bệnh, giống mới chất lượng cao chưa đủ về số lượng, giá giống tốt quá cao nên người sản xuất thường dùng khoai thương phẩm, khoai nhập từ Trung Quốc về bổ nhỏ để sử dụng làm giống). Chính điều đó làm cho sản lượng khoai tây của cả nước dao động thất thường, sản xuất của ngành chưa phát triển ổn định và ý nghĩa kinh tế của cây khoai tây trong dân chúng bị hạn chế. Để khắc phục được hạn chế này, việc triển khai thành công trên thực tế các dự án, chương trình của Nhà nước về phát triển cây khoai tây là vô cùng quan trọng (Nguyễn Tiến Mạnh, 2008) [18].
Cây khoai tây thực sự là “nguồn tiềm năng sinh học chưa được khai thác” ở nước ta. Để khắc phục tình trạng trên, cần có sự hợp tác nghiên cứu của các cơ quan khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người sản xuất nhằm tạo đủ nguồn củ giống khoai tây có chất lượng cao, với giá thành hợp lý để thay thế các giống đã thoái hóa, đồng thời với việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất khoai tây thương phẩm. Có như vậy, năng suất và hiệu quả kinh tế của cây khoai tây mới được nâng cao, mới thực sự trở thành “cây vụ đông lý tưởng’’ ở nước ta.