Ngôn ngữ phi logic

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ: TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG (Trang 102)

6. Kết cầu đề tài

3.1.3. Ngôn ngữ phi logic

Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, ngôn ngữ phi logic là loại ngôn ngữ không tuân thủ theo “chuẩn” logic thông thường. Nó nằm ngoài tư duy logic, cảm tính, lý tính và cả ý niệm của phần đông con người chúng ta. Ngôn ngữ phi logic vốn xuất nguồn từ ngữ lục của các thiền sư Trung Hoa, về sau mới truyền sang nước ta và được sử dụng phổ biến trong văn học Phật giáo. Song, trong thi ca, điều này tương đối hiếm thấy. Tư duy thi ca chú trọng sự đặc sắc, độc đáo, nhưng phần lớn là sự độc đáo có logic, tuân theo logic. Tư duy Thiền học lại là kiểu tư duy phi tư duy, vượt ngoài logic thông thường. Kiểu ngôn ngữ phi logic đặc biệt tỏ ra đắc dụng trong việc khai thị cho người học Thiền. Đối với văn chương, ngôn ngữ phi logic đem đến cho người đọc một cảm xúc mới, lạ, đầy thú vị. Xuyên suốt ngữ lục của Tuệ Trung Thượng sĩ, chúng ta không khó để bắt gặp kiểu ngôn ngữ này. Có khi, đó là một hình ảnh “ngược chuẩn”, thậm chí là “nghịch chuẩn” như:

Hồng đạo trác tàn anh vũ lạp Bích ngô thê lão phượng hoàng chi

(Nếp hồng mổ lụi hạt anh vũ

Ngô biếc ngồi trơ nhánh phượng hoàng)

(Đối cơ) [3; tr 311 – 318]

Theo tư duy thông thường, chúng ta vẫn hay nói anh vũ mổ lụi hạt nếp hồng, phượng hoàng đậu nhánh ngô đồng biếc. Tuy nhiên, ở đây, để khai ngộ đồng thời trả lời với người học về ý nghĩa câu nói của tổ Quy Sơn: “Trăm năm sau lão tăng này sẽ xuống núi làm con trâu nước” [Đối cơ; 3; tr 311 – 318], Tuệ Trung sử dụng lối nói nghịch ngữ: nếp hồng mổ lụi hạt anh vũ, ngô biếc ngồi trơ nhánh phượng hoàng. Rõ ràng là rất phi logic, khó mà chấp nhận được. Tuy nhiên, dụng tâm của Thượng sĩ chính là ở chỗ phi logic kia. Ông muốn môn đồ nhận rõ bản chất thật của mọi vấn đề về chỗ thấy nhìn của bản thân trong cuộc đời này: hạt nếp, chim anh vũ, cành ngô đồng,

phượng hoàng và tất cả những thứ khác nữa đều chỉ là “danh tự”, là “giả danh” mà có ra, do con người ấn định mà có ra. Cho nên, logic hay phi logic cũng không ngoại lệ, cũng hoàn toàn do con người đặt để nên. Nhìn thấu được điều này, Tổ Quy Sơn thấy rằng làm một tăng sĩ hay một con trâu nước vốn không khác biệt. Một phen đã đạt ngộ chân tâm, nhìn thấu và thấy suốt bản chất vũ trụ thì tăng hay trâu vốn là hình tướng bên ngoài, không đáng ngại, không cần chấp mắc.

Ngôn ngữ phi logic trong thơ Thiền Tuệ Trung thường được biểu hiện dưới dạng những hình ảnh khác lạ, hầu như không thấy ở cuộc đời thực như: vô khổng địch, một huyền cầm, thạch nữ, mộc nhân, liên hoa. Những hình ảnh này thường được Thượng sĩ sử dụng trong 2 trường hợp: Một để trình bày sở đắc và “thiền phong” của bản thân hay ca ngợi những bậc thượng thủ trong nhà Thiền; Hai là để khai ngộ cho hành giả đến học hỏi đạo lý Thiền tông.

Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta có thể thấy được ngôn ngữ phi logic qua hình ảnh của sáo không lỗ, đàn không dây:

- Hứng thời xuy hề vô khổng địch Tĩnh xứ phần hề giải thoát hương

(Khi hứng thì thổi sáo không lỗ

Nơi yên tĩnh thì thắp hương giải thoát)

(Phóng cuồng ngâm) [3; tr 278 – 279]

- Đương nhật đáo gia tham vấn bãi Một huyền cầm tử thỉnh kim đàn

(Hôm nọ đến nhà tham vấn xong Giờ đây, xin gảy cây đàn không dây)

(Thướng Phúc Đường Tiêu Dao thiền sư) [3; tr 159 – 160]

Về trường hợp thứ hai, ngôn ngữ phi logic được biểu hiện qua hình ảnh mộc nhân, thạch nữ - hình ảnh khá quen thuộc của văn học Thiền tông nói chung, thơ Thiền Tuệ Trung nói riêng:

- Mộc nhân nhập hải vô sinh xướng Thạch nữ xuyên vân tất lật xuy

(Người gỗ tìm xuống biển Ca hát khúc vô sinh Gái đá lướt mây xanh Thổi điệu buồn tất lật)

(Đối cơ) [3; tr 314 – 322] - Mộc nhân vũ thác chi

Thạch nữ xuy tất lật Dục cầu minh thử ý Bát nhã ba la mật

(Người gỗ múa thác chi Gái đá thổi tất lật Muốn sáng rõ ý này Bát nhã ba la mật)

(Tụng cổ) [3; tr 336 – 343]

Tương tự như trường hợp nếp hồng mổ lụi hạt anh vũ, ngô biếc ngồi trơ nhánh phượng hoàng; hình ảnh “mộc nhân”, “thạch nữ” xuất hiện trong thơ Thiền Tuệ Trung như một cách thức khai ngộ, trình kiến giải Phật học. Trong tư duy logic thông thường,

tất nhiên không có “mộc nhân”, “thạch nữ”. Theo tác giả Hiểu Đông trong chuyên luận “ĐIỂN CỐ PHẬT GIÁO TRONG MỘT SỐ TÁC PHẨM VĂN HỌC THIỀN TÔNG ĐỜI TRẦN” cách nói phi logic này có tác dụng “làm cho đối tượng nghe pháp của mình dừng lại dòng tư duy lý tính ngã chấp và dứt bặt dòng chảy của ý niệm phân biệt nhị nguyên, từ đó trở về với thực tại như như và thể nhập vào chân lý tối hậu của Thiền tông” [8; tr 76]. Có thể lý giải thêm về điều này dưới góc nhìn khác của Thiền: dưới mắt Thiền gia, sau một phen “ngũ uẩn giai không”, hoàn toàn có thể “dung thông” với vạn pháp, bình thản, an nhiên chấp nhận vạn pháp như nó vốn vậy. Lúc bấy giờ, hành giả đã thật sự “vào cửa”, hơn nữa, nói theo cách của Thiền ngữ, đó là người “từ cửa thứ nhất mà vào”. Cho nên, lúc này họ trở thành con người của mênh mông vũ trụ, đủ sức ôm trùm cả hư không. Và, đương nhiên, họ cũng có thể “nghe” được tiếng sáo của người gỗ, “nhìn” được điệu múa của gái đá, thậm chí là cùng người gỗ, gái đá hòa điệu múa hát. Như vậy, cái ngỡ như “phi logic” của tư duy đã trở nên “hợp logic”

của Thiền học, một thứ logic không được ấn định, đặt để trước.

Riêng hình ảnh hoa sen – biểu tượng Phật giáo – khi đi vào ngôn ngữ thơ ca Tuệ Trung trở nên đặc biệt độc đáo: hoa sen trong lò lửa (hồng lô hỏa lý liên). Với Trần Tung, hoa sen thuộc cả hai loại hình ngôn ngữ: ngôn ngữ ẩn dụ điển cố và ngôn ngữ phi logic. Nếu xét ở nguồn gốc, xuất xứ từ Kinh - Luật - Tạng và truyện, lục Phật giáo, hoa sen thuộc “ngôn ngữ điển cố”. Nếu xét về hình ảnh, về tính chất khác biệt giữa hoa sen của Phật giáo với hoa sen của thơ Thiền Tuệ Trung thì đây là ngôn ngữ phi logic. Trong ngôn ngữ phi logic, hoa sen lại được Trần Tung sử dụng hết sức phóng khoáng: vừa để trình bày sở đắc, vừa khai ngộ cho người học đạo:

- Tu tri thế hữu nhân trung Phật Hưu quái lô khai hỏa lý liên

(Nên biết rằng đời có vị Phật trong đám người bình thường

Thì đừng lạ gì đóa sen nở ra trong lò lửa)

(Thướng Phúc Đường Tiêu Dao thiền sư) [3; tr 159 – 160]

- Hành diệc thiền Tọa diệc thiền;

Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên

(Đi cũng thiền Ngồi cũng thiền

Một đóa hoa sen trong lò lửa hồng)

(Phật Tâm ca) [3; tr 272 - 273]

Nằm trong quy luật vận động của ngôn ngữ thơ ca trung đại nói chung, văn học Thiền tông nói riêng, ngôn ngữ phi logic của Tuệ Trung đã mang đến cho người đọc những hình ảnh, cách nói đầy ấn tượng. Có thể nói, ông đã rất thành công trong việc biểu đạt giáo lý Thiền, sở đắc Thiền bằng loại ngôn ngữ đặc biệt này.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ: TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG (Trang 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(148 trang)
w