Tận tâm trong sự dẫn dắt, khai ngộ cho mọi người

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ: TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG (Trang 81)

6. Kết cầu đề tài

2.2.4.Tận tâm trong sự dẫn dắt, khai ngộ cho mọi người

Dẫn dắt, khai ngộ cho mọi người nhập đạo và ngộ đạo luôn là nhiệm vụ và nỗi niềm trăn trở khôn nguôi của người đã “đạt ngộ”. Tùy theo căn cơ, nhân duyên của hành giả mà Thiền sư có những cách khai ngộ khác nhau. Với tông chỉ “giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” và chủ trương “đốn ngộ”, Thiền tông chú trọng vào giây phút đại ngộ tức thời của hành giả. Đọc qua Thiền sử, có thể dễ dàng nhận thấy điểm chung của các Thiền sư khi “khai thị” cho người học đạo là chỉ thẳng, “đánh mạnh” vào tâm thức con người để họ có thể nhận ra “sự thật” rồi sống đúng với “sự thật” đó. Thông thường, các Thiền sư luôn hướng người học đạo đến

cảnh giới chứng ngộ cuối cùng, bỏ qua quá trình trung gian. Bởi lẽ, dưới góc nhìn Thiền học, “quá trình” thực tập là “không cần thiết” đối với người đã thật sự đạt đạo. Nói khác hơn, với tinh thần phá chấp tuyệt đối, thiền sư không bao giờ chấp nhận việc tu tập công phu của hành giả. Do vậy, sự tận tâm khai ngộ của các Thiền sư là tận tâm hướng hành giả đến điểm đích cuối cùng chứ không phải là quá trình thực hiện. Tuệ Trung Thượng sĩ lại có cách tận tâm khác. Như trên đã nói, Thượng sĩ luôn hiểu rõ

rằng, không phải dễ dàng gì để một con người có thể trong phút chốc mà “đại ngộ”. Điều này đòi hỏi rất nhiều nhân tố khách quan lẫn chủ quan khác. Do vậy, thái độ tận tâm khai ngộ cho người của Trần Tung cũng được “quyền biến”, linh động hơn. Thượng sĩ không những hướng mọi người đến cảnh giới chứng ngộ cuối cùng mà còn kiên nhẫn chỉ rõ cách thức thực hành cho người chưa thể “từ cửa thứ nhất mà vào”.

Nói về cảnh giới chứng ngộ cuối cùng, Tuệ Trung cũng như các Thiền sư khác, chủ trương chỉ thẳng, nói thẳng để đập vỡ ngay tại chỗ cái gút trong tâm thức hành giả Thiền tông. Trần Tung đã khẳng khái “trình kiến giải” của mình trước mọi người:

Kiến giải trình kiến giải Tự niết mục tác quái Niết mục tác quái liễu Minh minh thường tự tại

(Trình bày rõ ràng những điều trông thấy

Là tự mình ấn tay vào mắt, làm cho mắt nhìn kì quái Ấn tay vào mắt làm chuyện kì quái xong

Sự sáng suốt lại trở lại trường tồn tự tại)

(Kiến giải) [3; tr 225]

Thấu suốt tinh thần, cốt lõi của Thiền, Thượng sĩ đã “thẳng tay” xô ngã mọi thành trì của “quá trình”, “cảnh giới”, “kiến giải” Phật học trên ngôn tự, ngữ nghĩa. Bởi lẽ, việc đi tìm những “kiến giải” kia chẳng khác nào tự ấn vào mắt mình làm cho cái thấy nhìn trở nên kì quái mà thôi. Chỉ cần bỏ tay ra, mắt sẽ tự sáng suốt trở lại (minh minh thường tự tại). Điều này đồng nghĩa với việc, muốn đạt ngộ, không cần phải tìm cầu xa xôi, càng không phải vất vả “đánh vật” với chính mình cho phí hoài thời gian và sức lực. Nói thế có nghĩa là, cái tâm thể sáng suốt vĩnh hằng bất sinh bất diệt là cái vốn có, sẵn đủ nơi mỗi người. Nó ở tại đây – lúc này – ngay bây giờ. Hãy quay lại để nhìn ngắm và sống trọn với nó:

- Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn Hiếu tham đồng tử diện tiền nhân

(Nếu muốn vượt lên cao sang bờ bên kia Hãy hỏi đứa trẻ thơ ở ngay trước mặt)

(Thị chúng) [3; tr 231]

- Tự thị quyện thời tâm tự tức, Bất quan nhiếp niệm bất quan thiền

(Khi nào mỏi mệt thì tâm tự tắt

Chẳng cần niệm Phật, chẳng cần thiền)

(Ngẫu tác) [3; tr 231]

- Dục thức giá ban chân diện mục Ha ha nhật ngọ đả tam canh

(Muốn biết được “khuôn mặt thực” của nó A ha! Giữa trưa cứ ngủ thẳng tới canh ba)

(Tâm vương) [3; tr 237]

Như vậy, cảnh giới chứng ngộ thật sự mà Trần Tung muốn khai thị cho người học Thiền không gì khác hơn là cách nhìn đời bằng cái tâm của trẻ thơ; buông thư mọi vướng bận trong tâm thức; luôn sống an nhiên, tự tại. Điều này chẳng phải chỉ có hành giả Thiền tông mong mỏi, tìm cầu mà nó đã trở thành ước mơ của tất cả con người trên thế gian này. Một khi đã sống được với tâm thức hồn nhiên, vô lo vô cầu như trên, sẽ “thông cảm” và thấu hiểu giá trị tuyệt vời của việc người gỗ thổi sáo, gái đá múa hát

cũng như thái độ sống “phi trì giới kiêm nhẫn nhục”, “Phật, Tổ đáo đầu câu bất lễ”

của Tuệ Trung.

Với “Thượng sĩ ngữ lục”, Tuệ Trung thường sử dụng cách khai ngộ trực tiếp,

“trực chỉ” truyền thống của Thiền tông. Song, có một điều thú vị và thi vị là trong khi người hỏi đạo thường “đặt vấn đề” bằng những câu hỏi dưới dạng câu văn hỏi – đáp, đối thoại; thì Thượng sĩ “giải quyết vấn đề” bằng thi kệ, hết sức cô đọng, súc tích và ý vị. Điều này chúng ta hiếm khi thấy được ở các thiền sư Trung Hoa. Ngoại trừ một bài kệ “truyền tâm ấn” cho người kế nhiệm Tổ vị, các thiền sư thời Lý – Trần thường không sử dụng thi ca khi giáo hóa mà thay vào đó bằng hình thức hỏi – đáp. Tuy nhiên, không phải lúc nào người học Phật cũng “ngộ” được vấn đề theo đúng dụng tâm của Thượng sĩ. Do vậy, đọc qua thơ Thiền và ngữ lục Tuệ Trung, dễ dàng nhận ra rằng cái

cốt lõi của cảnh giới chứng ngộ cuối cùng này được lặp đi lặp lại liên tục, dưới nhiều hình thức, cách nói rất khác nhau. Điều này là biểu hiện rõ nhất của thái độ tận tâm trong việc khai ngộ, dẫn dắt cho người “vào cửa đạo” của Thượng sĩ. Có thể phân tích đơn cử đoạn đối thoại sau để thấy sự tận tâm và hết mực kiên nhẫn của Tuệ Trung đối với hàng hậu học:

Lại hỏi:

- “Không thể dùng “tri” mà biết, không thể dùng “thức”

mà hiểu”,

thế thì nên làm thế nào? Sư đáp:

Người gỗ tìm xuống biển Ca hát khúc vô sinh Gái đá lướt mây xanh Thổi điệu buồn tất lật (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Lại hỏi:

- Thế nào là “vô thức cũng vô tri”? Sư đáp:

Khổng Nhân chưa trình rõ Tài “thức” ngựa “truy phong” Tiết Chúc hẳn khó lòng

Giỏi “tri” gươm “tiệt vũ”

Lại hỏi:

- “Thấy sắc liền nghe tâm”, ý nghĩa thế nào? Sư đáp:

Vào nước “cởi trần” nên bỏ khố Đừng học Hàm Đan quên ngọc đào

(Đối cơ) [3; tr 322]

Có thể thấy điểm chung trong ba câu trả lời của Tuệ Trung Thượng sĩ ở đây không gì khác hơn là cảnh giới chứng ngộ cuối cùng của hành giả Thiền tông. Song, vì chưa thể “nhận đạo” được nên người học phải hỏi đi hỏi lại đến ba lần. Trong câu hỏi đầu, người học đặt vấn đề về cái thấy nhìn vượt ngoài “tri” và “thức” của con người. Người đáp đưa ra hình ảnh và hành động của “người gỗ”, “gái đá” để chỉ cho người học về cái thấy nhìn vượt ngoài “tri” và “thức”, bởi lẽ, nếu nhìn bằng “tri” hay “thức” đều không thể thấy được giá trị thực của “người gỗ”, “gái đá”. Có một cái thấy nhìn khác nằm ngoài mọi văn tự, ngôn ngữ, nó có thể nhìn thấu cả “tri” và “thức”, cả “người gỗ” và “gái đá”. Song, người học đã không đủ sức để “vào cửa”! Điều mà người học nhận ra lại là việc “vô thức cũng vô tri” – thấp hơn một bậc so với cảnh giới mà Thượng sĩ muốn khai ngộ. Thượng sĩ kiên nhẫn “lặp lại” bằng cách nói cụ thể hơn (đương nhiên là cũng thấp hơn so với ban đầu): cái mà ngươi hỏi ta (vô thức cũng vô tri), nó có khả năng “tri”, “thức” rất nhanh nhạy và chính xác, giống như Khổng Nhân, Tiết Chúc vậy. Nhưng người học lại quay về với việc công phu thực hành để đặt vấn đề: “thấy sắc liền nghe tâm”. Tuệ Trung lập tức chỉ ngay:

Vào nước “cởi trần” nên bỏ khố Đừng học Hàm Đan quên ngọc đào

(Đối cơ) [3; tr 322]

Tức là, hãy bỏ hết mọi cái “thấy” cũng như “sắc”“tâm” của ngươi đi để trở thành cái “như thật” từ ngàn xưa của mình, chớ học đòi theo người khác. Điều khai ngộ này đã được nghe không ít lần trong thơ Thiền của Thượng sĩ Trần Tung:

Báo quân hưu ỷ tha môn hộ Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa

(Báo cho anh biết đừng có dựa vào cửa ngõ nhà người khác Chỉ một chấm sáng mùa xuân vừa lóe hiện thì khắp chốn đều nở hoa)

(Thị học) [3; tr 232]

Có thể thấy, tâm cơ, trình độ của người học đạo có muôn hình vạn trạng, cách khai ngộ của các thiền sư cũng theo đó mà biến hiện, linh hoạt vô cùng. Có vị khai thị bằng lời nói (đối thoại giữa tổ Hoằng Nhẫn và Huệ Năng), có vị khai thị bằng hành động (cái đạp của Mã Tổ đối với Thủy Lạo). Đọc qua Thiền sử Trung Hoa thời trước, chúng ta đều thấy rằng, các thiền sư thường chỉ khai ngộ rất nhanh, gọn, một lần duy nhất cho Thiền khách đến học đạo. Không thể “ngộ” được là do “căn cơ” của họ chưa tới, thiền sư sẽ không vì thế mà “hạ thấp” tầng bậc của cảnh giới chứng ngộ cuối cùng. Tức là, phần lớn các thiền sư đều chủ trương “trực chỉ” để “kiến tánh”, không chấp nhận con đường “phương tiện” nào khác. Cho nên, sau khi yết kiến và khai ngộ cho vua Lương Võ Đế không thành, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đành bỏ sang nước Ngụy, đến chùa Thiếu Lâm ngồi quay mặt vào vách núi “Thiếu Thất cửu niên vô nhất ngữ” cho đến khi Thần Quang đến cầu pháp rồi ngộ đạo.

Ở Việt Nam, Tuệ Trung Thượng sĩ có linh hoạt hơn đôi chút. Không chỉ nói thẳng, chỉ thẳng, có khi ông còn hướng dẫn cách thức thực hành cụ thể cho người học, vì Thượng sĩ biết rõ và thông cảm rằng không phải lúc nào “khai” thì cũng “ngộ” được. Cho nên, không đạt được cảnh giới tối cao, giải thoát toàn triệt, toàn phần thì đành để

hành giả giải thoát từng phần, giải thoát từ từ vậy. Tuệ Trung đã chỉ ra cách thức thực hành rất cụ thể, chi tiết, phù hợp với trình độ của số đông người học Thiền:

Nhất thân độc thủ nhất nê ngưu Đằng tỵ khiên lai vị khẳng hưu Tương đáo Tào Khê đô phóng hạ Mang mang thủy cáp đả viên cầu

(Một mình riêng giữ con trâu đất Xỏ mũi dắt về chưa từng chịu nghỉ Đem đến Tào Khê thì thả ra

Mênh mông nước chảy cuốn quả cầu tròn)

(Thủ nê ngưu) [3; tr 227]

“Con trâu đất” trong thơ Thiền Tuệ Trung được xem như biểu tượng cho cái “tâm” của con người. Quá trình “chăn trâu đất” chính là cách thức thực hành công phu Thiền tập. Tuệ Trung đã chỉ ra con đường cụ thể cho đa số người học Phật: luôn luôn quay về nhìn lại những diễn biến trong sâu thẳm tâm mình, để những “vọng tưởng” lắng dịu lại rồi mất hẳn, tâm thức sẽ trở nên thanh tịnh, rỗng lặng. Khi đã

“thuần hóa” được “con trâu đất” – tâm kia, có thể tự tin “nhập trần”, thản nhiên nhìn ngắm “mênh mông nước chảy cuốn quả cầu tròn”. Cách khai ngộ này nghe ra thì “dễ chịu hơn” so với kiểu “trực chỉ nhân tâm” mà các thiền sư hay sử dụng. Với người đọc thơ Thiền Tuệ Trung, việc công phu Thiền tập như vậy cũng giúp tránh được cho hành giả không thuộc hàng “thượng căn” cảm giác “choáng ngợp”, mờ mịt khi mới “vào cửa”.

Đọc các tác phẩm của Tuệ Trung, có thể nhận ra sự tinh tế, khéo léo, “tận tâm” của ông khi muốn dẫn đạo cho người. Với thơ Thiền, Thượng sĩ thường đặt những vấn đề đơn giản, dễ tiếp nhận lên trước để làm ví dụ rồi mới dẫn dắt người học đến với “chân lý” cuối cùng. Cái lõi Thiền đạo nơi thơ Thiền Tuệ Trung bao giờ cũng được đúc kết hết sức ngắn gọn, sinh động. Đơn cử một trường hợp, trong bài “Phóng cuồng ngâm”, trước hết Thượng sĩ mở ra cho hình ảnh một cõi giới mênh mông và một con

người với phong thái hết sức tự tại “chống gậy nhởn nhơ ngoài thế gian”. Sau đó lại chỉ ra cái vòng tuần hoàn lẩn quẩn, vô thường của cuộc thế (giàu sang như mây nổi, thời gian như bóng ngựa qua kẽ vách, quan trường hiểm trở, thói đời nóng lạnh). Cuối cùng là khai ngộ con đường giải thoát:

Thâm tắc lệ hề thiển tắc yết Dụng tắc hành hề xả tắc tàng Phóng tứ đại hề mạc bả tróc Liễu nhất sinh hề hưu bôn mang Thích ngã nguyện hề đắc ngã sở

Sinh tử tương bức hề ư ngã hà phương

(Sâu thì dấn mà nông thì vén Dùng thì làm mà bỏ thì cất đi Buông lỏng tứ đại đừng có bó buộc Xong một đời rồi không chạy chọt đó đây Thỏa ý muốn của ta và được đúng chỗ của ta Sống, chết dồn ép ta có ngại gì đâu!)

(Phóng cuồng ngâm) [3; tr 278 - 279] (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Cách thức thực hành mà Tuệ Trung chỉ dẫn cho người học đạo luôn rất cụ thể, nhẹ nhàng nhưng đằng sau đó là thái độ xác quyết, chắc chắn về kết quả đạt được. Và, nó trở thành lời khích lệ, động viên chân thành của Thượng sĩ dành cho mọi người .

Như vậy, dù khai ngộ về cảnh giới chứng đắc cuối cùng hay cách thức thực hành

Thiền tập, từ thơ Thiền và ngữ lục, chúng ta đều dễ dàng nhận ra điểm chung trong sự tiếp nhân, độ thế của Tuệ Trung: tận tâm, kiên nhẫn, linh hoạt lựa chọn “phương tiện” để dẫn dắt, khai ngộ cho người. Và, đó không gì khác hơn là tinh thần nhân văn trong cách hành xử với đời, với người của Thượng sĩ Trần Tung.

* Tiểu kết

1. Tinh thần nhân văn trong thơ Thiền Tuệ Trung là một “kiểu” nhân văn mang nặng tính “nội tại”. Bởi lẽ, cái “chuẩn” nhân văn lúc này được “đo” bằng vẻ đẹp tâm hồn con người – những con người luôn đủ sức nhìn rõ, nhìn thấu về mình, về người, về cuộc đời. Thơ Thiền Tuệ Trung giúp cho người đọc cảm nhận đầy đủ giá trị sinh thành và hoại diệt của “vô thường” trong cuộc sống; biết cách nhìn nhận vạn pháp bằng tinh thần “vong nhị kiến”, không áp đặt, định kiến trước mọi sự mọi việc. Bên cạnh đó, bản lĩnh của Thiền phong Tuệ Trung đã giúp chúng ta tự hoàn thiện chính mình với thái độ

“tự lực, tự tin để kiến tánh thành Phật”. Đó là những nhân tố căn bản cho sự hình thành tinh thần nhân văn độc đáo của thơ Thiền Tuệ Trung trong quan niệm về con người và cuộc đời.

2. Với phương châm “nhập thế”, thơ Thiền Tuệ Trung hướng đến một tinh thần nhân văn mang đầy tính hành động, tích cực, tự tin, phóng khoáng. “Phá chấp để đạt đến tự do, an lạc cho tâm hồn”, Tuệ Trung Thượng sĩ đánh đổ toàn bộ cái nhìn vướng mắc vào ngoại cảnh và tâm cảnh của con người. “Hòa quang đồng trần để đem đạo đến cho đời”, Trần Tung mở ra trước mắt người đọc một con đường trần thế mênh mông và liên tục mới mẻ để thỏa sức dấn thân, nhập cuộc, trải nghiệm “đến nơi đến chốn”. Hơn thế nữa, thơ Thiền Tuệ Trung còn mang đến cho người đọc một phong cách sống đủ để làm “đẹp lòng” cuộc đời và con người: “tùy duyên, linh hoạt để sống hợp lẽ và hành động có ích, có hiệu quả”. Đứng trên phương diện Thiền học, là người đã đạt ngộ, cũng như những thiền sư khác, Tuệ Trung Thượng sĩ luôn sẵn lòng để khai ngộ cho người học đạo. Thơ Thiền và ngữ lục của ông đã ghi nhận thái độ “tận tâm trong sự dẫn dắt, khai ngộ cho mọi người” như một biểu hiện cụ thể của tinh thần nhân văn cao đẹp

CHƯƠNG 3 - NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ: TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG (Trang 81)