Thời đại Lý Trần và Phật giáo Thiền tông thời Lý Trần

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ: TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG (Trang 31)

6. Kết cầu đề tài

1.2.1.Thời đại Lý Trần và Phật giáo Thiền tông thời Lý Trần

Từ trước đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về thời đại Lý – Trần và Phật giáo Thiền tông thời Lý – Trần. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu có phạm vi khá

rộng. Ở đây, chúng tôi đặt lại vấn đề này không nhằm mục đích tập hợp thành quả nghiên cứu của người đi trước. Để phục vụ cho đề tài nghiên cứu của mình, chúng tôi chỉ đi vào tìm hiểu một số đặc điểm thời đại và Phật giáo Thiền tông thời Lý – Trần nhất định để có thể lý giải, đánh giá một cách đầy đủ nhất về những biểu hiện và đặc trưng của tinh thần nhân văn trong thơ Thiền Lý – Trần nói chung, thơ Thiền Tuệ Trung (đối tượng chính của luận văn) nói riêng.

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có thể nói Lý – Trần là hai vương triều thịnh đạt nhất về mọi mặt. Xã hội và con người thời Lý – Trần đã tạo nên một dấu ấn vàng son “vô tiền khoáng hậu”. Theo Nguyễn Công Lý “thời đại Lý – Trần là thời đại hào hùng, oanh liệt, rực rỡ và đẹp đẽ của lịch sử Việt Nam” [21; tr62]. Đã có không ít cách lý giải về thời đại “đặc biệt” này của dân tộc. Với chuyên luận VĂN HỌC PHẬT GIÁO THỜI LÝ TRẦN – DIỆN MẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM, trong Chương 1, mục 2.2.1. Đặc điểm thời đại Lý Trần, Nguyễn Công Lý đã khái quát và nêu lên ba đặc trưng lớn của thời đại này. Đó là: 1. Thời đại Lý – Trần là thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng; 2. Thời đại Lý – Trần là thời đại phục hưng dân tộc và phát triển đất nước; 3. Thời đại Lý – Trần là thời đại khoan giản, an lạc, nhân thứ, rộng mở và dân chủ. Theo chúng tôi, đây là những nhận định rất xác đáng. Nhà Lý (1010 – 1225) đã chiếm giữ vũ đại chính trị liên tục suốt 215 năm với 9 đời Hoàng Đế. Nhà Trần (1226 – 1400) tồn tại trong 175 năm với 13 đời Hoàng Đế nối tiếp nhau trị vì. Cả hai vương triều đều ghi lại trong lịch sử những chiến công hiển hách chống ngoại xâm. Đặc biệt, dưới thời nhà Trần, quân và dân Đại Việt đã trải qua 3 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đánh thắng quân Nguyên Mông vào các năm 1258, 1285, 1288 đưa nước Đại Việt lên hàng một trong những cường quốc ở Đông Nam Á thời bấy giờ. Nói như nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Khắc Thuần: “Thắng lợi vĩ đại của cả ba cuộc chiến tranh vệ quốc đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến tư tưởng cũng như tình cảm của đội ngũ những người cầm bút, đến toàn bộ sự phát triển của văn học dân tộc trong giai đoạn này” [39; tr235]. Có thể nói, chính hào khí của thời đại đã góp phần tạo nên hào

khí văn chương thời Lý – Trần. Không thể có tư thế oai phong lẫm liệt của người anh hùng Phạm Ngũ Lão:

“Hoành sóc giang cáp kỉ thu Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”

(Phạm Ngũ Lão - Thuật hoài ) [22; tr593]

(Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu Ba quân như gấu hổ, át cả sao ngưu)

càng không thể có cái nhìn đầy trải nghiệm, nhẹ nhàng mà xác quyết, đầy tin tưởng của Trần Nhân Tông:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã Sơn hà thiên cổ điện kim âu

(Trần Nhân Tông - Tức sự ) [22; tr590]

(Xã tắc hai lần ngựa đá phải mệt nhọc

Nhưng núi non nghìn đời được đặt vững như âu vàng) nếu không có những chiến công lừng lẫy ấy, thời đại ấy.

Như vậy, từ không khí thời đại đến không khí văn chương thời Lý – Trần luôn có mối tương quan hòa hợp, khắng khít nhau. Không khí hào hùng của lịch sử Đại Việt đã tạo nên vẻ đẹp phóng khoáng, tràn đầy tinh thần tự do tự tin cho con người Đại Việt. Do đó, không khó để hiểu vì sao các tác phẩm văn học, nhất là thơ ca thời Lý – Trần luôn thấm đẫm tinh thần nhân văn. Khi đi vào địa phận của thơ Thiền, nó lại được nâng lên một tầm cao mới – tinh thần nhân văn của những con người tự do, lạc quan, tràn đầy nhiệt huyết và tin yêu, bao dung vô hạn với đời, với người, với chính mình. Có thể nói, đây là biểu hiện độc đáo, đầy đủ và duy - nhất – không – lặp – lại của tinh thần nhân văn trong văn học Việt Nam. Chưa bao giờ các tác phẩm văn chương của chúng ta có được một “khẩu khí” lớn đến vậy, hào sảng đến vậy!

Nhìn ở góc độ văn hóa, tư tưởng và văn học, thời Lý – Trần là thời đại phục hưng và phát triển các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. “Thời ấy, văn hóa văn nghệ dân gian với những lễ hội truyền thống đã chấn hưng và được mọi giai tầng xã hội từ vua chúa đến thứ dân đều yêu chuộng” [21; tr67]. Vào thời nhà Trần, “văn học dân gian phát triển rất mạnh mẽ với nhiều thể loại phong phú khác nhau, trong đó, có vị trí đặc hơn cả vẫn là ca dao, tục ngữ, thần thoại và truyền thuyết lịch sử” [39; tr233- 234]. Điều này cho thấy, xã hội, con người và hệ tư tưởng, quan niệm thẩm mĩ thời Lý – Trần vẫn rất gần gũi với nền văn hóa dân gian thời trước. Mà, một trong những vẻ đẹp đặc trưng, độc đáo của nền văn hóa này chính là kiểu tư duy hết sức cởi mở, phóng khoáng, không gò bó, khuôn sáo. Đây cũng chính là điểm cốt lõi trong tư tưởng Phật giáo Thiền tông nước ta thời bấy giờ. Chính vì vậy, khi đọc các tác phẩm văn học Lý – Trần, chúng ta dễ dàng nhận ra một cái “phông cảm xúc” chung: hào phóng, tự do, tự tại, ung dung, khoáng đạt. Đó là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của hoa trái thơ ca Thiền tông thời Lý – Trần. Tuy nhiên, cũng cần phân định rõ ràng về sự hồn nhiên, vô tư trong cách tư duy của văn học dân gian và thơ Thiền. Sự hồn nhiên của văn học dân gian là sự hồn nhiên của con người chưa quan tâm tìm tòi và thấu hiểu. Sự hồn nhiên của thơ Thiền là sự hồn nhiên của chiều sâu tâm linh, là kết quả của quá trình trải nghiệm và thấu hiểu trọn vẹn vấn đề. Điều này góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng của tinh thần nhân văn trong văn học Lý – Trần nói chung, trong thơ Thiền – đặc biệt là thơ Thiền Tuệ Trung - nói riêng.

Bên cạnh những yếu tố khách quan của lịch sử, phải xét đến đóng góp không nhỏ của Phật giáo đối với việc hình thành vẻ đẹp nhân văn cho con người và thơ ca. Kết quả nghiên cứu về lịch sử Phật giáo ở nước ta cho thấy Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm. Theo tác giả Nguyễn Lang trong VIỆT NAM PHẬT GIÁO SỬ LUẬN tập 1, chương 1 thì “Đạo Phật truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỉ nguyên Tây lịch. Tài liệu chắc chắn cho biết rằng vào hạ bán thế kỉ thứ hai, tại nước ta đã có một trung tâm Phật giáo phồn vinh và quan trọng rồi, nhưng có thể đạo Phật đã du nhập vào nước ta trong thế kỉ đầu của kỉ nguyên” [17; tr 23]. Do có những điều kiện thuận lợi về

vị trí địa lý, Phật giáo đã được truyền vào nước ta từ nhiều nguồn khác nhau: Từ Ấn Độ trực tiếp truyền sang, từ Trung Quốc truyền sang. Tính đến thời Lý – Trần, Phật giáo ở nước ta đã được kế thừa và phát triển trên cơ sở của ba mối giao lưu – tiếp biến:

“Một là, Phật giáo Đại thừa với khuynh hướng Thiền học từ Nam Ấn trực tiếp truyền sang bằng đường biển vào cuối thế kỉ thứ I trước công nguyên, cũng có thể là vào những năm đầu sau công nguyên với kinh văn hệ Bát Nhã;

Hai là, Thiền tông Ấn Độ truyền sang Trung Quốc rồi đến Việt Nam bởi vai trò của ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào thế kỉ thứ VI với tư tưởng vô trụ, siêu việt hữu vô;

Ba là, Thiền tông Trung Quốc truyền vào Việt Nam bởi vai trò của ngài Vô Ngôn Thông vào thế kỉ thứ IX với pháp môn Đốn ngộ và tư tưởng Phật tại tâm”

[Nguyễn Công Lý; 40; tr150]

Trong ba nguồn truyền thừa trên, Phật giáo – nhất là Phật giáo Thiền tông thời Lý – Trần chịu ảnh hưởng nhiều nhất là hai dòng thiền của ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi và ngài Vô Ngôn Thông. Về sau Phật giáo Đại Việt xuất hiện hai dòng Thiền mới, mang đậm bản sắc dân tộc là: Thiền phái Thảo Đường và Trúc Lâm Yên Tử. Thiền phái Thảo Đường do vua Lý Thánh Tông và Thiền sư Thảo Đường lập nên tại chùa Khai Quốc (Trấn Quốc) ở kinh đô Thăng Long. Tuy nhiên, do chưa có sự truyền thừa phổ biến nên Thiền phái Thảo Đường dần bị mai một cùng với sự suy vong của triều Lý. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Trúc Lâm Đại đầu đà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Hệ thống Thiền học Trúc Lâm liên quan trực tiếp đến giáo chỉ của ba vị tổ: Nhân Tông – Pháp Loa – Huyền Quang. Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp về tư tưởng của Quốc sư Viên Chứng, vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung. Có lẽ chính nhờ có quá trình truyền thừa rộng rãi và hệ thống tư tưởng, giáo chỉ rõ ràng nên dòng Thiền này phát triển khá mạnh mẽ và lâu bền. Bên cạnh những chủ trương căn bản của Phật giáo về việc tu hành như trì giới, tọa thiền, niệm Phật, Thiền phái Trúc Lâm đã tiếp thu quan niệm nhân sinh tích cực của Phật giáo Đại thừa: xem việc sống chết (sinh tử) là thường tình và chấp nhận cuộc sống một cách khách quan, thuận theo nhân duyên sinh – diệt của vạn pháp mà hành sự. Quan niệm này đã tạo nên những

“hình mẫu” Thiền gia có phong thái an nhiên, tự tại, sẵn sàng “tùy duyên” mà “nhập thế” và bình thản “xuất thế”. Nhìn ở góc độ văn chương nghệ thuật, đó chính là vẻ đẹp của tinh thần nhân văn thấm đẫm màu sắc minh triết của con người và thơ Thiền Lý – Trần.

Xét ở chiều sâu, nơi khởi nguồn của tư tưởng Phật giáo, giữa hệ thống kinh văn hệ Bát Nhã với tư tưởng vô trụ, siêu việt hữu vô và pháp môn Đốn ngộ, tư tưởng Phật tại tâm của ba nguồn truyền thừa Phật giáo vào nước ta vốn không có gì khác biệt. Chính người khai sáng ra Phật giáo – đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế đã từng dạy đệ tử rằng nước trong biển chỉ có một vị là vị mặn, giáo pháp của Ngài tuy nhiều nhưng cũng như nước biển kia, chỉ có duy nhất một vị là vị giải thoát. Có nghĩa là, bất luận Phật giáo có chia ra bao nhiêu tông phái, bao nhiêu pháp môn, tất cả đều có chung một đích đến, đó là mang lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc đích thực và bền vững cho con người. Do vậy, nói đến Phật giáo là nói đến tinh thần từ bi, hỷ xả, vị tha, vô ngã. Điều này rất đúng với trường hợp các Thiền gia thời Lý – Trần. Họ là những con người sẵn sàng cầm gươm xông trận, giữ vững biên cương khi đất nước bị ngoại xâm. Khi thái bình thịnh trị, họ có thể buông bỏ tất cả lợi danh quyền thế để toàn tâm toàn ý cầu đạo giải thoát. Lúc đã đạt ngộ, họ không ngại khó khổ, luôn kiên nhẫn, từ ái để dẫn dắt hàng hậu học. Đọc thơ Thiền Lý – Trần, nhất là thơ Tuệ Trung Thượng sĩ, chúng ta sẽ cảm nhận một cách đầy đủ, rõ ràng hơn về tấm lòng của những bậc thượng thủ trong làng Thiền. Đối với chúng tôi, đây chính là một nét đẹp nhân văn của con người Thiền thời Lý – Trần.

Với tinh thần “giáo hóa” chung là: Đốn ngộ - Phá chấp – Tâm truyền, Phật giáo Thiền tông thời Lý – Trần đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình: Đưa Phật giáo trở lại giữa lòng cuộc đời, phụng sự nhân sinh, phụng sự xã hội chứ không biến giáo lý nhà Phật thành một hệ thống triết thuyết mang nặng tính kinh viện, xa rời thực tại. Tuy trong quá trình truyền thừa Phật giáo, do nhu cầu và đặc điểm của thời đại, Thiền học Phật giáo có chấp nhận sự dung hợp với tư tưởng khác như Nho – Lão, tín ngưỡng dân gian bản địa người Việt; có sự kết hợp linh hoạt giữa Thiền – Tịnh – Mật;

song, cần hiểu đó là quá trình tiếp thu và tiếp biến có chọn lọc của Phật giáo Thiền tông. Nền tảng cơ sở của những quan niệm cũng như phương thức thực hành tu học cuối cùng vẫn luôn được trụ vững trên mảnh đất Thiền tông nguyên bản – mảnh đất với hoa trái chân lý của đời sống hiện thực. Đó là lý do vì sao Thiền học trở thành một trong những nguồn cảm hứng của văn chương thời trung đại, đặc biệt là văn học thời Lý – Trần. Đọc thơ Thiền, cảm nhận vẻ đẹp Thiền để tâm hồn con người được nâng cao hơn, trong sáng hơn, để chúng ta được một lần “trở về” với chân nguyên giá trị của chính mình, với vẻ đẹp nhân văn hồn nhiên, thuần khiết.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ: TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG (Trang 31)