Thấu thị tinh thần “vong nhị kiến”

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ: TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG (Trang 49)

6. Kết cầu đề tài

2.1.2.Thấu thị tinh thần “vong nhị kiến”

Theo quan niệm của Phật giáo Thiền tông, sở dĩ con người phải chịu luân hồi sinh tử là do “kiến chấp” nhiều đời nhiều kiếp. Đa phần các Thiền gia đến với cuộc đời này không ngoài mục đích “khai thị” cho người học Phật lìa mê, thoát vọng; đạt đến giác ngộ, chân như. Tuy nhiên, đọc thơ Thiền Tuệ Trung, chúng ta dễ dàng nhận ra có một “cảnh giới tâm linh” khác hẳn quan niệm trên. Trong toàn bộ thơ ca và ngữ lục của mình, Tuệ Trung Thượng sĩ luôn cực lực đả phá cái nhìn “nhị biên”, tức là cái thấy phân biệt hai bên đối với vạn pháp. Ai cũng biết rằng bỏ vọng cầu chân, lìa mê đến ngộ là hành trình mà những Thiền nhân suốt một đời thao thức tìm cầu. Song, dưới mắt Thượng sĩ, đây vẫn chưa phải là “đích đến” cuối cùng. Với Thượng sĩ, bậc hành giả chân chính trong Thiền học phải là người đủ dũng cảm buông xả. Trước hết là buông xả “tài – sắc – danh- thực – thùy”, tức ngũ dục lạc của thế gian. Sau thời gian “hạ thủ công phu”, nếu có đạt được sở chứng sở đắc gì cũng phải tiếp tục buông xả. Buông cho đến lúc trong tâm không còn gì để có thể buông và không buông. Đến “tầng” tiếp theo,

đòi hỏi hành giả phải có một phen “vong nhị kiến”, một phen “chết thân ngũ uẩn” để được “tái sinh” trong chánh pháp, sống bằng thân mạng của chư Phật, của chính mình. Đây là cảnh giới cao nhất của Thiền tông. Đến được đây mới được xem là người đã “ngộ đạo”, đã “nhận tánh” thật sự. Hành giả Thiền tông lúc này trở thành người đủ sức “ra vào ba cõi, xuống lên sáu đường” một cách tự tại, tùy ý.

Đến với Thiền tông, không thể không xét đến quan niệm về sắc – không, hữu – vô, thực – hư, chân – vọng, mê – ngộ. Đó là ranh giới giữa sinh tử và Niết bàn. Với người học đạo, bước qua được ranh giới ấy là có thể một bước “ra ngoài Tam giới”, “vượt thoát sinh tử luân hồi”. Lằn ranh kia có thể mỏng như chỉ mành, cũng có thể cao sâu hơn vạn vạn trường thành. Bậc “thượng căn” trong đạo học thì chỉ cần được “thiện tri thức” khai mở tâm thức trong một “sát na” là có thể “đạt ngộ”. Dưới mắt nhìn của Thượng Sĩ, sắc – không, hữu – vô, thực- hư, chân – vọng, mê – ngộ vốn “không hai”

nhưng cũng chẳng phải là một. Tất cả chỉ do sự thấy nhìn phân biệt, chấp trước của con người mà ra:

Tòng vô hiện hữu, hữu vô thông Hữu hữu vô vô tất cánh đồng Phiền não, bồ đề nguyên bất nhị, Chân như, vọng niệm tổng giai không. Thân như huyễn kính nghiệp như ảnh Tâm nhược thanh phong tính nhược bồng Hưu vấn tử sinh ma dữ Phật

Chúng tinh củng Bắc, thủy triều Đông

(Từ “không” mà hiện ra “có”, “có” với “không” thông suốt

Có có không không rốt cuộc là đồng nhất Phiền não và bồ đề vốn chẳng phải là hai Chân như và vọng niệm hết thảy đều là không “Thân” như gương ảo, “nghiệp” như bóng

“Tâm” như gió mát, “tính” như cỏ bồng Thôi đừng hỏi sống chết, ma và Phật nữa

Các ngôi sao đều hướng về Bắc, nước vẫn chảy về Đông)

(Vạn sự quy như) [3; tr248-249]

Cũng vậy, Thượng sĩ cho mọi người thấy giữa mê – ngộ, sắc – không vốn chẳng khác biệt, bởi lẽ:

Mê khứ sinh không sắc Ngộ lai vô sắc không Sắc không mê ngộ giả Nhất lí cổ kim đồng.

(Lúc mê sinh ra “không” và “sắc” Khi ngộ không còn “sắc” với “không” Những điều gọi là sắc, không, mê, ngộ Xưa nay vẫn chung nhau ở một lẽ)

(Mê ngộ bất dị) [3; tr288-289]

Cho nên, chỉ cần một phen “vong nhị kiến” thì có thể đủ sức ôm trọn cả pháp giới

mười phương:

Bất sinh hoàn bất diệt Vô thủy diệc vô chung Đãn năng vong nhị kiến Pháp giới tận bao dung

(Không sinh mà không diệt Không trước cũng không sau

Nếu quên được cả ngã kiến và pháp kiến Thì bao hàm được cả pháp giới)

(Mê ngộ bất dị) [3; tr288-289]

Theo quan điểm của Phật giáo, “nhị kiến” bao gồm: nhân ngã kiến và pháp ngã kiến. Nhân ngã kiến là cái thấy biết sai lầm về phương diện con người, coi con người là một chủ thể hằng thường và duy nhất mà không hiểu con người vốn được tạo thành do sự giả hợp của “ngũ uẩn”. Pháp ngã kiến là cái thấy biết sai lầm về mọi sự vật hiện tượng xung quanh, coi các hiện tượng, sự vật này là những chủ thể hằng thường và duy nhất mà không biết rằng vạn pháp đều do “nhân duyên” mà sinh ra. Riêng Tuệ Trung Thượng sĩ đưa ra cách hiểu về “nhị kiến” có phần thực tế và đơn giản, dễ hiểu hơn nhưng vẫn hết sức sâu sắc, không sai với đạo. Theo Thượng sĩ “nhị kiến” là cái thấy nhìn sai lầm về con người và vạn vật trong thế gian, cái thấy chỉ thiên về một phía. Như vậy, nhìn nhận vấn đề theo cái nhìn “nhị kiến” sẽ khiến chúng ta không thể đánh giá được nó một cách toàn diện, đầy đủ. Do vậy, có thể dẫn đến sai lầm trong cách ứng xử trước cuộc đời.

Trong số các tác giả thơ Thiền, Tuệ Trung Thượng sĩ là người đề cập nhiều nhất đến quan niệm “vong nhị kiến”. Xuyên suốt các bài thơ cũng như ngữ lục của ông, người đọc dễ dàng nhận ra sự hiện diện của những đối cực “nhị kiến” như: sắc – không, mê – ngộ, vọng – chân, phiền não – bồ đề, tử - sinh, hữu – vô, ma - Phật…Thậm chí, có khi trong cùng một bài thơ, một câu thơ lại có nhiều đối cực cùng xuất hiện

(Phật tâm ca, Sinh tử nhàn nhi dĩ, Mê ngộ bất dị, Vạn sự quy như…). Tuy cách “gọi tên” khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng quát thì các đối cực được đề cập đến trong thơ và ngữ lục của Tuệ Trung đều hướng đến thể hiện hai thái độ, quan niệm đối lập nhau của con người về vạn pháp, đó là tiếp nhậnchối bỏ. Chúng ta luôn mang tâm lý bỏ xấu lấy tốt, bỏ trái lấy phải, cũng như người học Phật vẫn có thói quen bỏ “mê” lấy “ngộ”, bỏ “vọng” cầu “chân”, bỏ “sinh tử” tìm “Niết bàn”, bỏ “phiền não” nhận “bồ đề”… Tất cả điều này không sai với những người sơ tâm vào cửa đạo. Song, với “tầm” của Thượng sĩ thì đây là một loại “kiến chấp” vi tế khác cần phải buông bỏ. Do vậy, ông luôn khẳng định:

Vô tâm bất thị đạo Vô đạo diệc vô tâm

(Vô tâm nào phải đạo Vô đạo cũng vô tâm)

(Đối cơ) [3; tr310]

Bởi lẽ:

Bản vô tâm vô đạo Hữu đạo bất vô tâm Tâm đạo nguyên hư tịch

Hà xứ cánh truy tầm

(Vốn không tâm không đạo Có đạo chẳng không tâm Tâm, đạo là hư tịch Biết nơi nào truy tầm?) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

(Đối cơ) [3; tr310]

Không chỉ là vấn đề “tâm – đạo”, theo Thượng sĩ, “phiền não và bồ đề”; “sinh tử và Niết bàn” cũng không khác:

Sinh tử nguyên lai tự tính không Thử huyễn hóa thân diệt đương diệt Phiền não bồ đề ám tiêu ma,

Địa ngục thiên đường tự khô kiệt

(Tâm sinh thì sống chết sinh Tâm diệt thì sống chết diệt

Sống chết vốn là không có tự tính

Cái thân do huyễn ảo hóa thành này rồi cũng phải diệt Phiền não bồ đề đều ngầm tiêu ma hết

Địa ngục thiên đường cũng tự khô kiệt)

(Sinh tử nhàn nhi dĩ) [3; tr282-283]

Cho nên không lạ gì khi Tuệ Trung nói:

Đoán tri không hữu bất tương sa (sai) Sinh tử nguyên tòng nhất phái ba Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt Tân niên hoa phát cố niên hoa Tam sinh thúc hốt chân phong chúc Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma Hoặc vấn như hà vi cứu cánh Ma- ha- bát-nhã-tát-bà-ha

(Đoán biết rằng “không” và “có” không cách nhau lắm Sống và chết vốn từ một đợt sóng

Trăng sáng đêm quan vẫn là trăng đêm nay Hoa nở năm mới cũng là hoa năm cũ

Ba sinh thấm thoắt thật như ngọn đuốc trong gió

Chín cõi tuần hoàn giống như cái kiến nò trên miệng cối xay bột

Có người hỏi thế nào là cứu cánh? Thì ta bảo: “Ma-ha-bát-nhã-tát-bà-ha”)

(Đốn tỉnh) [3; tr269]

Không chấp nhận cái nhìn “nhị kiến” nên bao giờ trong tác phẩm của mình Thượng sĩ cũng đưa ra được một “giải pháp” giúp người đọc, người học đạo có sự định hướng đúng đắn đối với vạn pháp: Hãy nhìn tất cả với tinh thần “như thị”, không thêm không bớt, không thiếu không thừa. Tức là, chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt để đánh giá con người và mọi sự vật hiện tượng xung quanh một cách khách quan và đúng đắn nhất. Không áp đặt những “khuôn sáo” của cá nhân mình lên đối tượng trước mắt sẽ giúp chúng ta tránh được không ít sai lầm và tâm trạng đau khổ vì những điều “bất như ý” có thể xảy đến.

Sống với tinh thần “vong nhị kiến”, con người trở nên thanh thản hơn, giảm bớt những ràng buộc không cần thiết trong cuộc sống. Điều này không chỉ có ích đối với

người học đạo Thiền từ xưa đến nay mà còn có ích đối với con người thế tục, nhất là con người trong xã hội hiện đại với quá nhiều bận bịu, lo toan. Có thể nói thái độ

“vong nhị kiến” là một trong những biểu hiện của tinh thần nhân văn trong thơ Thiền Tuệ Trung Thượng sĩ. Dù không phải là người trong cửa đạo nhưng đọc thơ Thiền Tuệ Trung, chúng ta cũng mong có một lần “vong nhị kiến” để trái tim được mở rộng đến vô cùng, để đủ sức “bao dung”, chấp nhận và đón nhận tất cả những gì thuộc về trần gian này.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ: TINH THẦN NHÂN VĂN TRONG THƠ THIỀN TUỆ TRUNG (Trang 49)