5. Cấu trúc của khoá luận
2.3.3. Diễn biến cuộc khởi nghĩa
Vào tháng 2 năm Bính Tuất, Phan Bá Vánh nổi dậy tại vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng thuộc các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng và Nam Định ngày nay. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân bao gồm các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Quảng Yên và Hải Dương. Năm 1821, Phan Bá Vành và một số người bạn cùng chí hướng tập hợp dân nghèo nổi lên khởi nghĩa chống lại bọn tham quan ô lại, cướp của nhà giàu để cứu dân đói.
Bấy giờ, quân triều đình đóng quân ở Cổ Trai (huyện Nghi Dương, Hải Dương). Nghĩa quân từ Đồ Sơn tiến đánh, xong vào cửa Tam Giang cướp được một thuyền binh. Sáng hôm sau nghĩa quân lại kéo đến cửa sông Cổ Trai, Trấn thủ Hải Dương không dám đến cứu nguy, vệ úy và cai vệ cố chống đỡ đều bị chết, binh lính tan chạy, thuyền ghe, khí giới đều bị nghĩa quân chiếm hết. Quốc sử di biên cung cấp thêm mấy chi tiết : “Chỉ huy Vệ Hùng Cự tên là Phú đánh với Đỗ Bá Vinh ở Ích Môn (Văn Ích), Phú thua và bị chết trận. Bấy giờ giặc đóng ở gần Đồ Sơn, lính trần hải dương đóng ở Hu Mục, Lính Hùng Cự đóng ở Cổ Trai tiến đến phá vây và đánh được phá cơ giặc là Thân. Vợ Thân xin cấp quân để giải vây… giặc thuận gió mà bắn; lính đi tuần sông bị giặc ập đến bị bắt hết quân tư khí giới. Trấn Thủ Huyền chống đánh ở Hu Mục; dùng bồ quang bằng tre để che đỡ, cầm búa đánh vào chân voi và chem vòi voi. Lại cho khoảng chục người cầm giáo theo ngựa vào trận xông đánh, quan quân chạy dạt đi, Huyền lui về giữ An Lão. Giặc bắt được Đốc phủ Tiên Hưng, gọt tóc mà tha cho về”.
Sau khi nghĩa quân đánh chiếm hai đồn Trà Lí và Lân Hải, giết chết cả hai tên Thú ngự sứ Đặng Đình Liễn và Nguyễn Trung Diễn, nghĩa quân kéo đến bãi nổi Trà Lý gọi là Cồn Tiên bố trí trận địa mai phục. Phan Bá Vành đã liên kết được với các chức Thú ngự sứ của Ba Lạt và Vũ Đức Cát đánh tan quân
tướng nhà Nguyễn. Đoàn binh thuyền của triều đình chở lương thảo, quân khí gồm 12 chiếc đã bị Phan Bá Vành phục kích ở Cồn Tiên và Bác Trạch (thuộc huyên Trực Ninh - Nam Hà) đánh úp, thu hết khí giới thuyền bè.
Tin này khiến cho trấn thủ Sơn Nam Lê Mậu Cúc, một danh tướng đất Bắc, một phò mã hoàng triều vội vàng kéo toàn bộ binh mã trong trấn xuống tiêu phạt. Qua hai trận giao tranh, trấn thủ Lê Mậu Cúc và một viên quan cơ đã bị Phan Bá Vành chém chết ở Trà Lũ. Sau trận đánh lừng lẫy danh tiếng ấy, thanh thế nghĩa quân vượt lên như triều dâng sóng dậy, Ba Hùm ở Thượng đạo, Thanh Hóa cũng kéo 3000 người Mường xuống hội binh hợp lực vớí Bá Vành. Sau đó, Phan Bá Vành cho xây thành đắp lũy ở vùng Trà Lũ (huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, Trấn Sơn Nam Hạ), nhân dân ở khắp nơi đã theo ông về đây rất đông. Nghĩa quân đánh chiếm khắp vùng đồng bằng và xuống tận miền biển, nhân dân nơi đây được tự do, thoát được sự áp bức của bọn cường hào, địa chủ nơi đây. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), từ đại bản doanh tại thôn Phú Nhai, thuộc làng Trà Lũ, Phan Bá Vành dẫn quân đi đánh chiếm đồn Trà Lý và đồn Lân Hải (Kiến Xương, thuộc Thái Bình), giết được hai viên thủ ngự sứ là Đặng Đình Liễu và Nguyễn Trung Diễn. Tiếp đó, thủ lĩnh Ba Vành cho quân đánh lan ra vùng Kiến Xương, Vũ Tiên, Chân Ninh… Trấn thủ Sơn Nam Lê Mậu Cúc hay được đã mang quân đến đàn áp. Hai bên giao chiến ác liệt tại Cồn Tiên (Tiền Hải). Đến khi trấn thủ Cúc tử trận, thì quân triều đình quăng bỏ vũ khí, bỏ thuyền bè mà chạy cả.
Tin tức báo về triều đình Huế, vua Minh Mạng vội sai Thống chế Trương Phúc Đặng kéo quân ra Bắc đánh. Trương Phúc Đặng là một tướng trụ cột của triều đình, kéo quân qua đường Thư Trì qua bến Mỹ Bổng gặp Phan Bá Vành. Hai tướng đánh nhau rất hăng và rất căng thẳng, suốt ba ngày mà vẫn không phân thắng bại. Trương Phúc Đặng đã lừa lúc Phan Bá Vành phi ngựa tới bèn dùng côn sắt ném mạnh về phía Phan Bá Vành nhưng rất nhanh Phan Bá Vành đã tránh được, côn đã trúng đầu ngựa. Ngay sau đó, Phan Bá Vành đã nhanh chóng ném côn sang, một món sở trường, Phúc Đặng cũng bắt được, nhưng đến
chiếc lao thứ mười, Bá Vành ngồi xuống dưới ném lên, Phúc Đặng không bắt được, bị lao ném xuyên ngực tung trên mình ngựa mà chết.
Quân triều đình bại trận. tranh thủ khi khí thế quân sĩ lên cao. Tháng 12 (âm lịch) năm ấy, Phan Bá Vành và Nguyễn Hạnh lại tập hợp được hơn 5.000 quân đã tiến ra đánh chiếm hai huyện là Tiên Minh và Nghi Dương thuộc tỉnh Hải Dương. Tiếp theo, hai ông liên kết với nhóm Tàu Ô để mở rộng hoạt động ra các vùng ven biển. Thanh thế nghĩa quân lẫy lừng.
Tin thống chế Trương Phúc Đặng bị giết, thêm vào đó là những thất bại liên tiếp của quân triều đình ở Cổ Trai, Phủ Bo, Tam Giang, Đồ Sơn, Liêu Đông, vua Minh Mạng rất lo sợ, vội triệu tập các quan đại thần bàn cách đánh, sau khi bàn luận, biết cách dùng vũ lực xung trận nên phải dùng cách dóng đồn bao vây, triệt đường tiếp tế lương thực, một mặt dùng chính trị, đặt quan Kinh lược dùng chính sách lừa gạt mị dân, tách mối quan hệ với nghĩa quân. Vua Minh Mạng liền thăng cho Trương Văn Minh làm tiền phong đô thống chế quản lí Bắc thành và cử Trương Văn Minh, cùng các tham hiệp Thanh Hóa là Nguyễn Công Trứ, tham biện Nghệ An là Nguyễn Đức Thuận thay Trương Phúc Đặng và phối hợp với trấn thủ Hải Dương là Nguyễn Hữu Thuận, phối hợp với quan quân các trấn Sơn Nam, Nam Định, Sơn Tây tiến đánh nghĩa quân. Minh Mạng còn cử thêm quản cơ Nghệ An và Thanh Hóa cùng mang quân thủy bộ và 14 chiến thuyền ra chặn đường vùng biển ở Hải Dương.
Phan Bá Vành lúc này vẫn đóng ở đồn Trà Lũ, quân triều đình kéo đến Sơn Nam lần này thay đổi cách đánh, né tránh tất cả các cuộc giao chiến với nghĩa quân, đóng quân thành những đồn lớn vây quanh vùng hoạt động của Phan Bá Vành, thỉnh thoảng dùng súng thần công nã vào trại quân của Phan Bá Vành, không thì chủ yếu làm vây cánh cho bọn Kinh lược Nguyễn Văn Hiếu, Hoàng Kim Xán và Thân Văn Duy trị dân, triệt đường lương thảo của nghĩa quân. Những đồn quân của Văn Lý thường được phòng thủ vững chắc, kiên cố. Có lần Phan Bá Vành đem 5.000 quân trong đêm 3 lần tấn công mà không vào được quân doanh của hắn. Bị bao vây, các cánh quân ở đồn xa phải tụ về Trà Lũ quanh chủ tướng. Lực lượng nghĩa quân khi rút về Trà Lũ còn khoảng 2.000
người. Lực lượng tiếp tế khó khăn. Trong lúc đó, triều đình Minh Mạng tập trung lực lượng áp đảo cả thủy binh, bộ binh, tượng binh, pháo binh để bao vây tứ phía. Triều đình lại cử các tướng lão luyện đi đánh dẹp cuộc khởi nghĩa như Trương Văn Minh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đức Nhuận, Nguyễn Thuận, Phạm Văn Lý… Triều đình huy động những cơ đội binh lính tinh nhuệ nhất từ kinh thành Huế và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa ra Bắc phối hợp với quan quân của các tỉnh thành phía Bắc, tạo nên một ưu thế áp đảo hòng bao vây kéo dài khiến ngĩa quân bị kiệt quệ, quân lương thiếu để đi đến giành thắng lợi trước nghĩa quân. Có nhiều tướng lĩnh đã khuyên Phan Bá Vành nên đánh ngay lúc quân triều đình vẫn còn sơ hở, nhưng Phan Bá Vành đã không nghe lại bị vợ lẽ là Trần Thị Tú, con gái phủ Bo bắt được lúc chiếm phủ này khuyên cố thủ. Và để đến lúc vòng vây xiết chặt hơn, quan quân triều đình đã cờ quạt khắp đồng nội vây kín, quân Phan Bá Vành không còn chỗ hở. Muộn mất rồi, nghĩa quân không thể nào thoát khỏi vòng vây trùng điệp của quân triều đình. Phan Bá Vành uất nghện tận cổ, biết mắc mưu bèn mang Thị Tú ra chém đầu. Nghĩa quan cùng nhân dân Trà Lũ được lệnh sắm sửa mai cuốc, thúng sọt, mang theo binh khí, sẵn sang đêm đến, họ khơi một con ngòi chạy từ sông Cát Giang đến sông Ngô Đồng mở đường máu để Phan Bá Vành phá vây (Xuân Trường ngày nay gọi là Cống Vành). Mờ sáng, nghĩa quân theo đường sông đào, ồ ạt ra ngoài, họ liều chết với quân triều đình cả ngày hôm ấy, máu chảy đỏ cả đoạn sông. Phan Bá Vành bị trúng thương, được một tùy tùng cõng chạy giấu trong một vạt lau rậm bên bờ tả sông Đồng Giang. Nghĩa quân lớp bị chết, lớp bị bắt, lớp trốn thoát, lớp tan tác hết.
Sau bảy ngày, vết thương quá nặng, Phan Bá Vành cho gọi cai tổng Lê Tống là con một nghĩa quân thân tín ở Hoàng Nha cõng ông về nhà ba ngày hết sức cứu chữa, nhưng ông không sống nổi, ông bảo làm một cái cũi khiêng ông để đi nộp quan lấy thưởng. Đến địa phận xã Đồng Phú, huyện Thượng Nguyên (miền Nam phía đất Mỹ Lộc, Nam Định ngày nay). Ông đã tự móc rốn, moi ruột tự tử trong cũi. Bấy giờ là năm Đinh Hợi, Minh Mạng thứ 8 (1827).
Sau đó, phong kiến nhà Nguyễn đã phanh thây Phan Bá Vành thành bốn mảnh, còn đầu thì chặt đem bêu khắp các miền đồng bằng, ven biển, địa bàn cuộc khởi nghĩa do Phan Bá Vành lãnh đạo.
Trần chi tộc phả chép: “Bị tấn công bất ngờ, Vành không kịp điều binh, bèn cùng tướng sĩ và các quân ô hợp khác giao chiến với quan quân ở Nội Thái Bằng từ giờ ngọ đến giờ thân không lúc nào ngớt. Quân Vành thua chết quá nửa, số còn lại chạy về trại biết khó đứng vững, muốn tìm đường ra biển tính việc chống trả. Nhưng ở các cửa sông Hà Lạn, sông Lộc Giang, sông Cát Giang, sông Ngô Đồng, đều bị quan quân phòng triệt hết, không còn cách nào chạy thoát”. Cũng theo Trần chi tộc phả: Vành thu tàn quân đào sông dài ước 2.000 thước (800m) gọi là sông Xẻ, cống là cống Vành, một đêm đào xong. Đem thuyền ra biển, rạng đông quan quân đuổi theo, hai bên bờ súng bắn quân Vành bị chết gần hết. Vành một mình trốn thoát vào bãi lau sậy, hai ngày sau bị khát nước quá, đi tìm nước uống bị Tống trưởng Hoàng Nha là Lê Điển truy sát bắt về”.
Tác giả Lê Trọng Hàm còn cho biết: “Nước cạn, thuyền mắc, đại bác bắn như mưa dồn dập. Vành bị thương ẩn nấp ở dám lau sậy trên bờ sông Hồng chỉ có vài tên cầm một ống tre đi theo. Vành nấp đã sáu ngày, sai Vò đi múc nước rửa chân. Một người đi bắt cua trông thấy kinh sợ, hỏi ra người đàn bà đó ở xã Hoành Nha. Vành hỏi có biết ai tên cai tổng Lê Tuấn không? Nó là lớp con em của ta, về nhắn nó tới đây. Ta sẽ giao cả thân ta cho nó. Lê Tuấn bèn đóng một mũi tê gỗ lớn, Ba Vành mặc áo xanh, chít khăn đỏ cúi đầu ngồi yên…Khi giải tới xã Đông Phù, huyện Thượng Nguyên thì Bá Vành tự tử, thi thể bị chặt làm 4 đoạn, cắt đầu đem bêu khắp bốn trấn”.