Các trường hợp miễn trách

Một phần của tài liệu công ước viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nghiên cứu so sánh với pháp luật việt nam và một số đề xuất (Trang 80 - 85)

Ở phần trên, bài nghiên cứu đã đi phân tích những biện pháp được pháp luật quy định để giải quyết các trường hợp vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Tuy nhiên, không phải hành vi vi phạm hợp đồng nào cũng xuất phát từ phía chủ quan của người có lỗi mà trong nhiều trường hợp nó xuất phát từ phía khách quan mà người vi phạm không thể biết. Những trường hợp đó, pháp luật quy định bên vi phạm được phép miễn trừ, nói cách khác là không phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình. Dưới đây, bài nghiên cứu sẽ lần lượt nghiên cứu về những trường hợp pháp luật cho phép bên không thực hiện đúng nghĩa vụ được miễn trách nhiêm, mà không đi nghiên cứu những trường hợp miễn trách do các bên thỏa thuận.

2.3.3.1. Miễn trách do sự kiện bất khả kháng (BKK)

Trước kia, pháp luật Việt Nam mặc dù có quan tâm đến "bất khả kháng" trong thực hiện nghĩa vụ nhưng vẫn còn dè dặt và hạn chế. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật Việt Nam đã khá quan tâm đến vấn đề này, bảo đảm sự công bằng cho bên vi phạm trong nhiều trường hợp. Điều này thể hiện rõ trong những quy định của BLDS và LTM, theo đó khoản 2 Điều 302 BLDS quy định: "trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự", cũng tương tự bên vi phạm được miễn trách nhiệm nếu "xảy ra sự kiện bất khả kháng" (điểm b khoản 1 Điều 294 LTM). Một vấn đề được đặt ra với những quy định này đó là phải làm rõ bất khả kháng là gì và xác định sự kiến bất khả kháng như thế nào? LTM hiện hành không có một định nghĩa nào liên quan đến sự kiện bất khả kháng cho dù nó được đề cập trong LTM năm 1997.61 Xét phần hợp đồng được quy định trong BLDS

61 Khoản 2 Điều 77 LTM 1997: "Trường hợp bất khả kháng là trường hợp xảy ra sau khi ký kết hợp đồng, do những sự kiện có tính chất bất thường xảy ra mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được".

cũng không có một khái niệm hay định nghĩa nào về vấn đề này. Tuy nhiên, nó lại được đề cập trong phần thời hiệu tại khoản 1 Điều 161: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Theo đó, để xuất hiện sự kiện bất khả kháng, BLDS quy định nhất thiết phải có đủ ba yếu tố. Thứ nhất, đây phải là sự kiện "xảy ra một cách khách quan", có nghĩa là bên vi phạm không có chủ ý thực hiện điều này mà nó nằm ngoài dự tính hay dự tính thực hiện của bên này. Ví dụ như thiên tai: bão, động đất, lũ lụt... hay hành động từ phía con người nhưng là của bên thứ ba độc lập với bên vi phạm. Mặc dù trong những tình huống này, con người rất dễ dàng nhận ra tuy nhiên để xác định có phải yếu tố "đột ngột" hay không thì còn cần nhiều biện pháp kiểm tra và xác minh. Vì rằng, với phương tiện hiện đại ngày nay, con người có thể thấy trước được những thảm họa từ tự nhiên và do đó, bên vi phạm phải biết và buộc phải biết để tránh thực hiện và hạn chế tổn thất. Đó cũng chính là điều kiện thứ hai cấu thành một sự kiện bất khả kháng, khả năng có thể nhìn thấy trước được sự việc. Nếu tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên đã biết về sự kiện có thể gây bất lợi cho việc thực hiện hợp đồng mà vẫn giao kết thì trường hợp này không thể gọi là bất khả kháng. Điều này đặc biệt quan trọng khi xác định sự kiện bất khả kháng, đó là thời điểm một sự việc có thể được biết đến hoặc không được biết đến. Ví dụ như, khi giao kết hợp đồng, có điều khoản bên bán phải thuê tàu để chuyên chở và giao hàng cho bên mua, trong khi con tàu này đã ở ngoài khơi và đang bị chìm đắm thì lẽ dĩ nhiên, người bán sẽ bắt buộc phải biết và đây không được coi là một trường hợp bất khả kháng. Thứ ba, yếu tố cuối cùng phải tính đến để cấu thành nên một sự kiện bất khả kháng đó là sự việc "không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép". Thật vậy, nếu trong trường hợp con người có thể khắc phục được thì thiệt hại đã không xảy ra và không xảy ra đến mức con người không mong muốn.

LTM cũng như BLDS đã cho thấy một điểm khá tích cực để bảo vệ bên vi phạm khi sự vi phạm đó không xuất phát từ lỗi của họ. Tuy nhiên, những nhà lập pháp dường như đã quên rằng sau khi bên vi phạm được miễn trách trong trường hợp BKK thì họ có phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nữa hay không. Điều này lại được Công ước Viên trả lời

một cách khá rõ ràng "Sự miễn trách được quy định tại điều này chỉ có hiệu lực trong thời kỳ tồn tại trở ngại đó" (Điều 79.3 CISG). Như vậy, cũng giống như pháp luật Việt Nam, CISG quy định miễn trách đối với người vi phạm nghĩa vụ trong trường hợp BKK tuy nhiên, sau khi sự kiện BKK xảy ra, bên vi phạm vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình đã thỏa thuận đối với bên kia. Điều đáng lưu ý về điều khoản này đó là trách nhiệm của bên vi phạm vẫn không thay đổi trong trường hợp miễn trách mà nó chỉ coi như một khoảng thời gian bị lùi lại đối với việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.62

Như vậy, bằng việc chứng minh xuất hiện sự kiện BKK, bên vi phạm nghĩa vụ có thể được miễn trách nhiệm như pháp luật đã quy định. Về tương quan, pháp luật Việt Nam quy định khá giống với những quy định của CISG. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Việt Nam vẫn cần phải đưa thêm quy định đối với bên vi phạm sau khi sự kiện BKK diễn ra để bên này tiếp tục nghĩa vụ hợp đồng của mình đối với bên kia nếu có thể và việc phân chia tổn thất cũng như bồi thường thiệt hại nếu có giữa hai bên. Bên nào gánh chịu và có nên chia đều tổn thất cho hai bên theo nguyên tắc công bằng và thiện chí hay không.

2.3.3.2. Miễn trách do lỗi của bên bị vi phạm

Điều 80 CISG quy định: "Một bên không được viện dẫn việc không thực hiện nghĩa vụ của bên kia trong chừng mực mà sự không thực hiện nghĩa vụ đó là do những hành vi hay sơ suất của chính họ". Thật vậy, đây là lẽ công bằng, không có một pháp luật nào hay lý lẽ nào thừa nhận bên gây ra thiệt hại lại có thể đi kiện một bên khác để đem lại lợi ích cho chính mình. Cũng theo hướng tương tự như CISG, BLDS và LTM đều có quy định về trường hợp miễn trách cho một bên nếu việc vi phạm là do lỗi của bên kia.63 Quy định này còn được nhắc lại trong một số điều luật liên quan đến hợp đồng thông dụng được liệt kê trong BLDS.

Lỗi của bên có quyền có thể hiện diện dưới hai dạng, nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của việc không thực hiện đúng hợp đồng.64 Từ đó, bên có nghĩa vụ có thể viện dẫn và phải chứng minh những yếu tố này để miễn trừ trách nhiệm của mình. Quy định

62 Peter Schlechtriem, 1986, " Uniform Sales Law - The UN-Convention on Contracts for the International Sale of Goods", Commentary on Article 79 CISG, Manz, Vienna.

63 Xem khoản 3 Điều 302 BLDS và điểm c khoản 1 Điều 294 LTM. 64 Đỗ Văn Đại, như note 29, tr. 254.

này trong CISG được cho rằng bắt nguồn từ pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức và tương tự như quy định của ULIS.65 Nếu một bên không hoàn thành nghĩa vụ của chính mình, cho dù chỉ là cung cấp thông tin sai hay không đầy đủ thì nó cũng đã làm hạn chế việc thực hiện đúng nghĩa vụ cho bên kia. Vì vậy, bên này không được đưa ra đòi hỏi với bên kia và thậm chỉ không thể hủy bỏ hợp đồng.

Nói tóm lại, trường hợp miễn trách này cho thấy sự sáng suốt và công bằng của các nhà làm luật cũng như pháp luật của hai hệ thống luật. Nó cần phải được nhìn nhận một cách đúng đắn và trong nhiều trường hợp xét xử, cơ quan tài phán cần phải áp dụng nguyên tắc thiện chí và trung thực để giải quyết, tránh gây thiệt thòi cho bên có nghĩa vụ vì khoảng cách giữa một vi phạm và không vi phạm đôi khi là khá mong manh và rất khó xác định.

2.3.3.3. Miễn trách do lỗi của bên thứ ba

Hai trường hợp miễn trách đã được phân tích bên trên cho thấy quan điểm khá giống nhau giữa pháp luật Việt Nam và CISG. Tuy nhiên, trường hợp miễn trách cuối cùng sẽ được trình bày ngay sau đây lại cho thấy sự khác nhau giữa hai hệ thống luật nói trên.

Pháp luật Việt Nam. LTM hiện nay còn dự liệu một yếu tố nữa mà theo đó, bên có nghĩa vụ được miễn trách nhiệm của mình, cụ thể theo điểm d khoản 1 Điều 294 LTM:

"hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng". Đây là một điểm đổi mới của LTM năm 2005 so với LTM năm 1997 nhưng điểm mới này vẫn chưa được đưa vào BLDS hiện hành. Theo đó, người có nghĩa vụ không thực hiện đúng hợp đồng do phải thi hành quyết định của cơ quan nhà nước thì người này được miễn nghĩa vụ bồi thường và sau đó vẫn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nếu thỏa mãn thỏa thuận trong hợp đồng. Pháp luật Việt Nam có sự đổi mới như thế là do trên thực tế xuất hiện những trường hợp khi hai bên giao kết hợp đồng và chuẩn bị giao hàng thì cơ quan nào đó của Nhà nước (ví dụ như Hải Quan, Ủy ban nhân dân,...) ra quyết định cấm nhập khẩu hay xuất khẩu một mặt hàng nào đó làm một bên không thể thực hiện được nghĩa vụ của

mình. Do đó, pháp luật cần phải bảo vệ bên đó bằng cách quy định thêm điều kiện miễn trách trong trường hợp này.

Khác với quy định rõ ràng của pháp luật Việt Nam mà cụ thể là LTM, Công ước Viên lại quy định một trường hợp miễn trách từ phía người thứ ba mà không hề nói rõ đó có phải cơ quan Nhà nước như LTM hay không. Theo đó, "một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình do người thứ ba mà họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng cũng không thực hiện điều đó thì bên ấy chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp:

a) Được miễn trách nhiệm chiếu theo quy định của khoản trên và;

b) Nếu người thứ ba cũng sẽ được miễn trách nếu các quy định của khoản trên được áp dụng cho họ" (Điều 79.2 CISG).

Như vậy, Điều 79.2 CISG được đưa ra nhằm miễn trách nhiệm cho bên có nghĩa vụ trong một số trường hợp có liên quan đến người thứ ba mà người này là người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ hợp đồng đối với bên có quyền. Ví dụ như, nhà thầu phụ được cam kết bởi nhà thầu chính sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình trực tiếp với người mời thầu. Nếu người thầu phụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình và chứng minh được sự không hoàn thành đó nằm ngoài sự kiểm soát của mình và sự không hoàn thành đó là không thể tính trước được và cũng không thể sửa chữa được thì người thầu chính cũng sẽ được miễn trách trong trường hợp này. Miễn trừ này chỉ áp dụng trong một vài trường hợp khi người bán không có cơ hội lựa chọn cũng như không thể kiểm soát được nhà cung cấp phụ của mình và nó cũng không thể được cung cấp, sản xuất hay sửa chữa hàng hóa bằng một cách nào khác.66 Và ngoài ra, những hạn chế rõ ràng miễn trách như vậy nên được các bên quy định trong hợp đồng để tránh những tranh chấp phát sinh.

Kèm theo việc phải chứng minh mình được miễn trách nhiệm thì một bên nếu không thể thực hiện nghĩa vụ của mình do ba trường hợp miễn trách đã phân tích ở trên thì nhất thiết phải thông báo ngay cho bên kia biết về "trở ngại" và "ảnh hưởng" của sự kiện nào đó đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình. LTM quy định thông báo này phải được lập bằng "văn bản" tuy nhiên CISG không quy định cụ thể, do đó, ta có thể

hiểu việc thông báo của bên có nghĩa vụ có thể thực hiện bằng mọi cách trong một khoảng thời gian hợp lý để bên kia được biết. Nếu việc này không được đảm bảo thì bên có nghĩa vụ buộc phải chịu chế tài "bồi thường thiệt hại" đã được quy định tại Điều 295 LTM cũng như Điều 79.4 CISG.

Nói tóm lại, trên lý thuyết, những quy định của pháp luật Việt Nam và CISG là khá rõ ràng về các trường hợp miễn trách. Tuy vậy, trên thực tế vẫn gặp phải những tình huống khó xác minh được những trường hợp miễn trách đó có hợp pháp hay không. Vì vậy, để giải quyết những tranh chấp liên quan đến miễn trách, cơ quan tài phán cần công minh, rõ ràng và nhất thiết phải xét các yếu tố liên quan đến tính thiện chí của các bên thì các điều khoản này mới được vận dụng một cách tối ưu. Ngoài ra, với việc thương mại hóa ngày càng lan rộng, việc mua đi bán lại là khá phổ biến, không chỉ đối với hợp đồng mua bán nội địa mà còn với hợp đồng mua bán quốc tế. Vì vậy, các nhà làm luật của Việt Nam đặc biệt những nhà soạn thảo luật Thương mại nên xem xét bổ sung điều khoản miễn trách do người thứ ba như CISG, ngoài cơ quan Nhà nước như đã nói ở trên để hoàn thiện pháp luật và hội nhập hơn nền kinh tế. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu công ước viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nghiên cứu so sánh với pháp luật việt nam và một số đề xuất (Trang 80 - 85)