Trong phẫu thuật tái tạo DCCT khớp gối, các dấu hiệu vê lỏng gối là các triệu chứng được quan tâm, và là các triệu chứng quyết định đến việc phẫu thuật. Trong 35 bệnh nhân chúng tôi khám được, các dấu hiệu lỏng khớp gối như Lachman hay nghiệm pháp chuyển trục Pivot – shift đều cho kết quả tốt.
Đối với dấu hiệu Lachman, có 32 bệnh nhân ở độ I chiếm 91,4%; 3 bệnh nhân ở độ II chiếm 8,6%; không có bệnh nhân nào dấu hiệu Lachman ở độ III, IV.
Đối với dấu hiệu chuyển trục Pivot – shift, tỷ lệ bệnh nhân ở mức độ tốt và rất tốt chiếm 100%, trong đó có 30 bệnh nhân (85,7%) không có dấu hiệu chuyển trục, còn 5 bệnh nhân (chiếm 14,3%) dấu hiệu chuyển trục ở độ II.
Theo Pinczewski và cộng sự (2007), tỷ lệ bệnh nhân có dấu hiệu Lachman ở độ I đối với nhóm dùng gân Hamstring (gân cơ thon và bán gân) là 86%, nhóm dùng gân bánh chè 87% ; tỷ lệ bệnh nhân có dấu hiệu chuyển trục Pivot – shift ở độ I đối với nhóm dùng gân Hamstring là 84%, gân bánh chè là 94%; và sự khác biệt về các dấu hiệu lỏng gối ở hai nhóm dùng gân Hamstring và gân bánh chè là không có sự khác biệt .
Nghiên cứu Keays và cộng sự (2007) trên các bệnh nhân được tái tạo DCCT sau 6 năm cũng cho thấy tỷ lệ âm tính cao của dấu hiệu chuyển trục Pivot – shift ở cả nhóm dùng gân Hamstring (31 bệnh nhân) và nhóm dùng gân bánh chè (31 bệnh nhân), với chỉ duy nhất 1 bệnh nhân trong nhóm dùng gân Hamstring có kết quả dấu hiệu Pivot – shift dương tính .
Bảng 4.4. Kết quả đánh giá dấu hiệu lỏng khớp gối trong các nghiên cứu. Kết quả nghiệm pháp Pinczewski (2007) Chúng tôi (2012) Gân Hamstring Gân bánh chè
Dấu hiệu Lachman độ I 86% 87% 91,4%
Dấu hiệu Pivot – shift độ I 84% 94% 85,7%
Bảng 4.4 cho thấy kết quả nghiên cứu của chúng tôi về các dấu hiệu lỏng khớp như Lachman và dấu hiệu chuyển trục giống với kết quả nghiên cứu của Pinczewski . Tuy nhiên nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi chỉ có một
bệnh nhân dùng gân bánh chè nên chưa thể đưa ra được so sánh về hai nhóm dùng gân Hamstring và gân bánh chè.
Theo dõi sau 5 năm phẫu thuật tái tạo DCCT trong nghiên cứu của Suomalainen năm 2012 cũng cho thấy kết quả tốt về triệu chứng lỏng gối ở các nhóm bệnh nhân được tái tạo DCCT bằng phương pháp một bó hoặc hai bó, sử dụng vít sinh học hoặc vít kim loại; trong đó, dấu hiệu chuyển trục Pivot – shift độ I và II chiếm 85% ở nhóm tái tạo bằng phương pháp hai bó, 90% ở nhóm tái tạo bằng phương pháp một bó sử dụng vít sinh học và 75% ở nhóm tái tạo bằng phương pháp một bó sử dụng vít kim loại, khác biệt giữa các nhóm không có ý nghĩa thống kê .
Qua nghiên cứu của chúng tôi cũng như của các tác giả khác, sau phẫu thuật nội soi tái tạo DCCT bằng gân tự thân một bó từ 5 – 6 năm, dấu hiệu lỏng khớp vẫn có, mức độ lỏng khớp nhẹ; mức độ trượt của mâm chày so với lồi cầu đùi theo nghiên cứu của Keays và cộng sự (năm 2007) là 2mm , của Pinczewski và cộng sự (năm 2002) là 1,8mm . Các tác giả cũng chỉ ra rằng dù kiểm tra khớp gối có độ di lệch nhẹ nhưng nghiệm pháp chuyển trục Pivot – shift vẫn âm tính. Như vậy ta có thể thấy tuy không thể hồi phục được sự ổn định của khớp gối như tình trạng bình thường trước khi chấn thương nhưng mảnh ghép vẫn đảm bảo được chức năng của khớp gối.
Trong quá trình khai thác bệnh án, các dấu hiệu lỏng khớp gối chưa được đánh giá chi tiết nên trong nghiên cứu của chúng tôi không so sánh được mức độ thay đổi của các nghiệm pháp trên giữa các thời điểm. Điều này cần được rút kinh nghiệm cho các nghiên cứu tiếp sau nhằm đánh giá chính xác hơn mức độ phục hồi của khớp gối. Tuy nhiên qua khám và hỏi bệnh sử của bệnh nhân,
chúng tôi thấy bệnh nhân đều có cải thiện rõ rệt về khớp gối, bớt rất nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày.