Tình hình sản xuất và sử dụng NLSH trên thế giới

Một phần của tài liệu nghiên cứu sàng lọc các loài vi tảo biển quang tự dưỡng có hàm lượng lipid cao, thành phần acid béo phù hợp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất diesel sinh học (Trang 29 - 31)

1.5.1.Tình hình sản xuất và sử dụng NLSH nói chung

Nhận thức được tầm quan trọng của NLSH trong tương lai, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng những chiến lược phát triển NLSH ngắn hạn và dài hạn phù hợp với điều kiện thực tế của nước mình. Hiện nay có khoảng 50 quốc gia ở khắp các châu lục khai thác và sử dụng NLSH ở các mức độ khác nhau. Trên thực tế, người ta đã và đang nghiên cứu gần như tất cả các nguồn dầu, mỡ có thể sử dụng để sản xuất biodiesel. Việc lựa chọn loại dầu thực vật hay mỡ động vật nào phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sẵn có và điều kiện khí hậu cụ thể của từng vùng. Chẳng hạn như ở châu Âu, cây cải dầu với hàm lượng dầu từ 40% - 50% là loại cây thích hợp để sản xuất biodiesel v.v…

Pháp là một trong những quốc gia sản xuất biodiesel nhiều nhất trên thế giới. Ở Pháp, diesel thường có chứa từ 2 đến 5% biodiesel và sẽ nhanh chóng đáp ứng đủ cho nhu cầu của toàn Châu Âu (http://precedings.nature.com).

Ở Mỹ, biodiesel chủ yếu được sản xuất từ đậu tương (Schlautman và cs., 1986). Ngoài ra, biodiesel cũng còn được nghiên cứu sản xuất từ tảo. Các kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại cũng đã được áp dụng như nghiên cứu gen thực hiện tại phòng thí nghiệm năng lượng tái sinh quốc gia để tạo được một giống tảo mới có hàm lượng dầu trên 60% so với trọng lượng khô. Sử dụng loài tảo này, trên mỗi mẫu Anh có thể sản xuất trên 2 tấn biodiesel. Mỹ hiện nay là quốc gia sản xuất ethanol lớn nhất trên thế giới (năm 2006 đạt gần 19 tỷ lít, trong đó 15 tỷ lít dùng làm nhiên liệu - chiếm khoảng 3% thị trường xăng). Năm 2012 sẽ cung cấp trên 28 tỷ lít ethanol và diesel sinh học, chiếm 3,5% lượng xăng dầu sử dụng. Để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, Chính phủ Mỹ đã thực hiện việc giảm thuế 0,50 USD/gallon ethanol và 1 USD/gallon biodiesel, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ sản xuất NLSH (Đoàn Thị Thái Yên và cs., 2010)

Ở Đức, biodiesel thường được sản xuất từ hạt cải dầu (Meher và cs., 2006). Hiện nay ở Đức đã có hơn 1500 trạm cung cấp biodiesel. Biodiesel từ dầu hạt

hướng dương đã được sản xuất thành công ở Pháp và ở Anh. Tập đoàn năng lượng Shell của Hà Lan và HR Biopetroleum - một Công ty NLSH tảo biển có trụ sở tại Hawaii - tuyên bố xây dựng một vùng thí điểm tại đảo Hawaii để trồng tảo biển phục vụ cho việc sản xuất dầu, sau đó biến chúng thành NLSH (Theo VietBao.vn, 17/4/2006). Công ty Oilfox S.A của Argentina vừa khánh thành nhà máy sản xuất biodiesel từ tảo đầu tiên tại khu vực Mỹ Latinh, với mục tiêu thay thế dần cho việc sản xuất NLSH từ dầu đậu tương. Oilfox cũng đã ký thỏa thuận với một công ty năng lượng hàng đầu Argentina là YPF để sản xuất 50.000 tấn biodiesel/năm. Theo luật của Argentina, đến cuối năm nay, tất cả các công ty xăng dầu phải pha 10% biodiesel trong nhiên liệu (Theo Báo Điện tử Baomoi.com, 10/10/2010).

Ngoài ra, rất nhiều các quốc gia Châu Âu khác cũng đều có chương trình NLSH như Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Áo, Bungari, Ba Lan, Hungari, Ucraina, Belarus, Nga, Slôvakia... và một số quốc giá Châu Phi như Gana, Tanjania... cũng đã bắt đầu tiếp cận lĩnh vực NLSH.

Jatropha là loại cây nguyên liệu cho sản xuất biodiesel rất phổ biến ở các nước như Ấn Độ, Zimbabwe, các nước Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất…

Ở Trung Quốc, cây cao lương và mía đã được sử dụng để sản xuất biodiesel. Cứ 16 tấn cây cao lương có thể sản xuất được 1 tấn cồn, phần bã còn lại có thể chiết xuất được 500 kg biodiesel. Ngoài ra, Trung Quốc còn nghiên cứu và khai thác nguồn nguyên liệu từ tảo. Việc nghiên cứu chiết xuất dầu sinh học từ tảo đã thành công và được đưa vào sản xuất với quy mô có thể đạt tới hàng chục triệu tấn. Đầu năm 2003, xăng E10 (10% ethanol và 90% xăng) đã chính thức được sử dụng ở 5 thành phố lớn của Trung Quốc và sắp tới sẽ mở rộng thêm tại 9 tỉnh đông dân cư khác. Dự kiến, ethanol nhiên liệu sẽ tăng trên 2 tỷ lít vào năm 2010 và khoảng 10 tỷ lít vào năm 2020. Cuối năm 2005, nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu công suất 600.000 tấn/năm (lớn nhất thế giới) đã đi vào hoạt động tại Tỉnh Cát Lâm. Theo dự tính của các chuyên gia, đến năm 2010, Trung Quốc sẽ sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu NLSH, trong đó có 5 triệu tấn ethyl alcohol và 1 triệu tấn dầu biodiesel...

Đối với khu vực Đông Nam Á, các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng đã đi trước Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và sử dụng NLSH. Ở Thái Lan đã sử dụng dầu cọ và đang thử nghiệm hạt cây jatropha. Cứ 4kg hạt jatropha ép được 1lít biodiesel tinh khiết, đặc biệt loại hạt này không thể dùng để ép dầu ăn và có thể mọc trên những vùng đất khô cằn nên giá thành sản xuất rẻ hơn so với các loại cây truyền thống khác. Bộ Năng Lượng Thái Lan đặt mục tiêu đến 2011, lượng biodiesel sẽ đạt 3% (2,4 triệu lít/ngày), tổng lượng diesel tiêu thụ trên cả nước sẽ chiếm đến 10% (8,5 triệu lít/ngày) trong năm 2012. Ở Indonesia ngoài cây cọ dầu, người ta cũng chú ý đến cây jatropha. Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2010, NLSH sẽ đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng cho ngành điện và giao thông vận tải. Ngay tại Lào cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất biodiesel ở ngoại ô thủ đô Viên Chăn.

Một phần của tài liệu nghiên cứu sàng lọc các loài vi tảo biển quang tự dưỡng có hàm lượng lipid cao, thành phần acid béo phù hợp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất diesel sinh học (Trang 29 - 31)