* Định hướng chung
- Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu.
- Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia
tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.
* Định hướng phát triển ngành hàng
- Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản (là nhóm hàng có lợi thế về tài nguyên nhưng bị giới hạn nguồn cung): Có lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô; đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng các cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020.
- Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp): Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 21,2% năm 2010 xuống còn 13,5% vào năm 2020.
- Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu): Phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 40,1% năm 2010 tăng lên 62,9% vào năm 2020.
- Nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hóa khác): Rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 12% năm 2010 tăng lên 19,2% vào năm 2020.
* Định hướng phát triển thị trường
- Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.
- Phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế, khu vực và tăng cường hoạt động ngoại giao kinh tế để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển hệ thống
cơ quan xúc tiến thương mại tại các khu vực thị trường lớn và tiềm năng; tăng cường bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
- Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.
- Tổ chức xây dựng và từng bước phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
- Định hướng về cơ cấu thị trường đến năm 2020: châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 46%, châu Âu khoảng 20%, châu Mỹ khoảng 25%, châu Đại Dương khoảng 4% và châu Phi khoảng 5%.
Theo Ông Trần Thanh Hải: Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2014, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhóm giải pháp lớn sau:
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu. Triển khai thực hiện tốt các giải pháp nêu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/01/2013 của Chính phủ để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thuỷ sản có lượng hàng hoá lớn và một số ngành hàng khác như dệt may, da giầy.
Thứ hai, tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2014 theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Tăng cường và tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động đàm phán các FTA, đồng thời tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường đã ký
FTA. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.
Thứ tư, tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường; Tăng cường hoạt động của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm kịp thời nắm bắt các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Hiệp hội tạo điều kiện chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.
Phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu trên 10%về thương mại xuất khẩu, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phát triển thương mại Việt Nam trong giai đoạn tới cần phải gắn với tính bền vững và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong đó, xuất khẩu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%. Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương xác định, cần phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam, đây được coi là khâu đột phá;
Tiếp tục tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có như thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình... trong đó, cần tăng dần tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này;
Đặc biệt, cần tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn. Trong đó, sẽ tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ La tinh.