Di căn hạch vùng

Một phần của tài liệu đối chiếu mô bệnh học trước - sau phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư biểu mô không tế bào nhỏ của phổi (Trang 51 - 52)

Ung thư phổi là loại u ác tính tiến triển nhanh và tiên lượng xấu nhưng triệu chứng lại nghèo nàn và dễ nhầm với các tổn thương không u khác chính vì vậy mà bệnh nhân thường đến viện ở giai đoạn muộn khi đã có di căn hạch (chủ yếu là hạch vùng bao gồm hạch trung thất và hạch rốn phổi).

Trong ung thư phổi, ung thư biểu mô tuyến phát triển phổ biến ở ngoại vi, thường không có triệu chứng cho đến khi u có kích thước to lên. U phát triển từ biểu mô phủ của phế quản – phế nang hoặc từ tuyến nhày. Loại u này xâm nhập vào mạch máu, bạch huyết nên di căn sớm trước khi u nguyên phát gây triệu chứng [53]. Vì vậy, hạch di căn cung cấp một thông tin quan trọng liên quan trực tiếp đến việc tiên lượng khả năng tái phát và gián tiếp đến việc tiên lượng thời gian sống thêm.

Khi đã có di căn hạch vùng thì u sẽ ở giai đoạn II trở lên và giai đoạn lâm sàng càng muộn tiên lượng càng xấu. Theo Naruke, Tsuchiya và cộng sự (1997) nghiên cứu ở 2382 bệnh nhân NSCLC đã được phẫu thuật, thấy rằng tỷ lệ sống thêm 5 năm tương ứng cho các giai đoạn như sau: giai đoạn I (68%), giai đoạn II (46,9%), giai đoạn IIIA (26,1%), giai đoạn IIIB (9%), giai đoạn IV (11%) [dẫn theo 46].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 15/48 trường hợp di căn hạch vùng, chiếm tỷ lệ 31,2%; 33/48 trường hợp không có di căn hạch vùng, chiếm tỷ lệ 68,8%. So sánh kết quả nghiên cứu của chúng tôi với kết quả nghiên cứu của một số tác giả khác: Nguyễn Quang Đợi (2008) tỷ lệ di căn hạch vùng là 46,4% [51]; Ngô Thế Quân (2007) phát hiện 490/1087 trường hợp có di căn hạch vùng, chiếm 45,1% Marina và cộng sự (2010) thấy tỷ lệ di căn hạch vùng là 25% [54]. Togashi và cộng sự (2011) khi nghiên cứu trên 163 bệnh nhân, phát hiện 55 trường hợp có di căn hạch vùng, chiếm tỷ lệ là 33,7%[55]. Phùng Quang Thịnh nghiên cứu 96 bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến thấy 36 trường hợp có di căn hạch vùng, chiếm tỷ lệ 37,5% [46].

Như vậy, kết quả nghiên cứu của chúng tôi về tỷ lệ di căn hạch vùng thấp hơn so với đa số các tác giả nêu trên và chỉ cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Marina. Sự chênh lệch kết quả này có thể do cỡ mẫu trong các nghiên cứu là khác nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên và nghiên cứu của chúng tôi đều đánh giá trên những bệnh nhân còn chỉ định phẫu thuật nên tỷ lệ di căn hạch vùng cũng như số lượng hạch di căn sẽ thấp hơn tỷ lệ thực tế về di căn hạch vùng của ung thư phổi. Thêm vào đó, trong nghiên cứu của chúng tôi các trường hợp u có kích thước ≤3cm chiếm tỷ lệ 56,3% cao hơn nhiều so với các tác giả khác nên tỷ lệ di căn hạch vùng cũng sẽ thấp hơn kết quả của các tác giả khác.

Một phần của tài liệu đối chiếu mô bệnh học trước - sau phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư biểu mô không tế bào nhỏ của phổi (Trang 51 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(88 trang)
w