Quá trình hình thành và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Hiện trạng và Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Trang 26 - 27)

Sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ cùng tiến trình toàn cầu hoá đã gây sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong ngành tài chính ngân hàng, tác động trực tiếp và mau chóng lên hệ thống thanh toán hiện hành. Dịch vụ NHĐT là một xu hướng tất yếu tạo cho các ngân hàng một bệ phóng sức mạnh vững chắc trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ thông tin mà bàn đạp cho bệ phóng đó chính là Internet.

Internet thâm nhập vào Việt Nam từ cuối năm 1997 và như một mạch sóng lan dần vào các ngõ ngách. Đến năm 2000, Internet trở nên phổ biến. Hưởng ứng “cơn bão Internet” lan truyền, phần lớn các ngân hàng và các tổ chức tài chính Việt Nam đều có các trang Web. Mục đích chủ yếu của các trang Web là giới thiệu và cung cấp thông tin về các sản phẩm và dịch vụ của các ngân hàng, tuy nhiên sự ứng dụng Internet mới chỉ dừng tại đó. Điều đáng buồn là tới năm 2000 vẫn chưa có một giao dịch tài chính nào được thực hiện qua mạng. Tới cuối năm 2000, những mầm mống đầu tiên của dịch vụ NHĐT mới dần hình thành tại Việt Nam với những mốc đáng chú ý sau:

Tháng 10 năm 2000, Incombank (nay là Viettinbank), là ngân hàng đầu tiên giới thiệu dịch vụ tài chính qua Internet đồng thời cung cấp dịch vụ hỏi đáp qua mạng cho khách hàng. Incombank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tham gia vào thanh toán qua mạng, nằm trong dự án Thương mại điện tử Việt Nam do Bộ Thương Mại chủ trì.

Năm 2001, lần lượt các ngân hàng tung ra thị trường dịch vụ Internet – banking. Đó là ACB, Vietcombank, Techcombank, BIDV.

Tháng 11 năm 2002, Incombank khai trương dịch vụ ngân hàng qua Internet hay còn gọi là Internet - banking. Dịch vụ này cho phép khách hàng tra soát, chuyển tiền, trả tiền dịch vụ qua trang chủ của Incombank vào bất cứ lúc nào.

Mặc dù không phải là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực NHĐT, cho tới nay Internet – banking của Vietcombank đã phát triển vượt trội hơn hẳn các ngân hàng khác.

ACB tiến hành dịch vụ ngân hàng qua điện thoại gọi là Phone–banking, cho phép khách hàng dùng điện thoại di động kết nối với hệ thống ngân hàng để nghe các thông tin về tài khoản như số dư, liệt kê giao dịch, hay các thông tin chứng khoán của công ty chứng khoán ACB.

Tháng 9 năm 2002, Techcombank tiến hành dịch vụ Phone – banking.

Thực tế cho thấy, việc hiện đại hoá dịch vụ ngân hàng và hệ thống thanh toán đang từng bước cải thiện dịch vụ ngân hàng truyền thống, mang lại lợi ích không nhỏ cho cả ngân hàng lẫn khách hàng. Đó cũng là lý do giải thích vì sao dịch vụ này càng cần thiết phải ứng dụng và phát triển hơn nữa.

Mặt khác, trang chủ của các ngân hàng Việt Nam còn rất nghèo nàn cả về hình thức lẫn nội dung. Chủ yếu giống như một tờ quảng cáo và các thông tin về ngân hàng thì rất chung chung. Cả ngân hàng và khách hàng đều chưa nắm được những tiện ích thực sự mà dịch vụ này đem lại, thậm chí việc thực hiện dịch vụ còn rất mơ hồ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của một số ngành có liên quan như bưu chính viễn thông và ngành điện như cước phí Internet và điện thoại cao, nguồn điện không ổn định...Internet – banking hay Phone – banking còn chưa phổ biến.

Một phần của tài liệu Hiện trạng và Giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w