CẤU TRÚC ĐỊA CHẤT VAØ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN ĐỊA CHẤT KỸ THỨ TƯ

Một phần của tài liệu đặc trưng cơ lý của đất loại sét trầm tích holocen khu vực nam thành phố hồ chí minh (Trang 34 - 39)

THỨ TƯ

Khu vực Tp. HCM nằm ở vị trí thuộc phần rìa Đông Bắc trũng Kainozoi Cửu Long, là vùng chuyển tiếp giữa vùng nâng hoạt hóa Mezozoi Đà Lạt và vùng sụt võng Cửu Long. Phía Bắc được phân định với vùng nâng Đà Lạt bởi hệ thống đứt gãy Bà Rịa – Biên Hòa – Lộc Ninh. Phía Nam tiếp giáp với vùng sụt võng Kainozoi Cửu Long bởi hệ thống đứt gãy sông Vàm Cỏ Đông.

Khu vực Tp. HCM có hai hệ thống đứt gãy chính là Tây Bắc – Đông Nam và Đông Bắc – Tây Nam gồm các đứt gãy Bà Rịa – Biên Hòa, Sông Sài Gòn, Lê Minh Xuân – Lý Nhơn, Sông Vàm Cỏ Đông. Đây là các đứt gãy thuận, có

mặt trượt nghiêng về Tây Nam với góc dốc gần như thẳng đứng (80 – 850). Mặt móng Kainozoi qua các đứt gãy này tạo nên hình thái cấu trúc dạng bậc thang kéo dài theo phương Tây Bắc – Đông Nam gồm các đứt gãy Hóc Môn – Tân Uyên, Bình Chánh – Phước Tân … Các đứt gãy này phát sinh vào thời kỳ Mezozoi muộn là thời kỳ hoạt động tích cực của rìa lục địa. Trong Kainozoi chúng hoạt động yếu và bị chia cắt bởi hệ thống đứt gãy Tây Bắc – Đông Nam. Hai hệ thống đứt gãy này tạo nên một mạng lưới đứt gãy và hình thành các khối cấu trúc dương và âm trong lịch sử phát triển Kainozoi.

Căn cứ vào các tài liệu địa chất và địa vật lý, trũng Kainozoi Cửu Long tại khu vực Tp. HCM gồm ba tầng cấu trúc chính: tầng cấu trúc móng trước Kainozoi, tầng cấu trúc Plioxen – Pleistoxen và tầng cấu trúc Holocen.

Tầng cấu trúc móng trước Kainozoi được cấu thành bởi các đá cứng trầm tích lục nguyên và lục nguyên – phun trào tuổi Jura – Kreta, chủ yếu bị phủ bởi các trầm tích Kainozoi và chỉ lộ ra ở một vài vùng với diện tích rất nhỏ.

Tầng cấu trúc Plioxen – Pleistoxen có thể chia làm hai phụ tầng: phụ tầng cấu trúc Plioxen (N2) và phụ tầng cấu trúc Pleistoxen. Phụ tầng cấu trúc Plioxen được cấu thành bởi các trầm tích vụn thô tướng biển nông ven bờ của hệ tầng Nhà Bè (N21 nb) và hệ tầng Bà Miêu (N22 bm). Bề mặt của phụ tầng cấu trúc này được đánh dấu bởi lớp vỏ phong hóa của hệ tầng Bà Miêu. Phụ tầng cấu trúc Pleistoxen được cấu thành bởi các trầm tích có nguồn gốc sông, sông biển thuộc hệ tầng Trảng Bom (Q12 tb), hệ tầng Thủ Đức (QII-III tđ), hệ tầng Củ Chi (QIII3 cc). Bề dày của phụ tầng cấu trúc này không đồng nhất, thay đổi từ 10 đến 120m tùy thuộc vào biên độ sụt lún của từng khu vực.

Tầng cấu trúc Holocen được thành tạo bởi các trầm tích hạt mịn có nguồn gốc biển, sông – biển và sông – biển – đầm lầy gồm sét, bùn sét, bùn sét pha

chứa nhiều mùn thực vật và cát mịn thuộc các hệ tầng Bình Chánh (QIV1-2 bc), Cần Giờ (QIV2-3 cg) và trầm tích hiện đại.

Lịch sử phát triển trầm tích đệ tứ khu vực nghiên cứu được đánh dấu bằng giai đoạn biển triệt thoái khỏi lãnh thổ suốt thời kỳ đầu Pleistoxen sớm (Q11). Trên bề mặt bào mòn của khu vực nghiên cứu chỉ hình thành một số trầm tích sông mang tính chất cục bộ, bao gồm các vật liệu hạt thô như cuội, sỏi, cát hạt thô chuyển dần lên là cát hạt trung, bột và các thấu kính Kaolin.

Sau một thơi gian dài gián đoạn trầm tích, vào đầu thời kỳ giữa – muộn của pleistoxen sớm (QI2-3) khu vực Tp. HCM và các vùng lân cận từ từ lún chìm, biển lại tiến vào. Trên bề mặt bào mòn bắt đầu tích tụ các trầm tích nhiều tướng thuộc hệ tầng Trảng Bom (QI2 tb). Theo tài liệu lỗ khoan 822 (Cần Giờ) các trầm tích hệ tầng Trảng Bom bao gồm: lớp dưới là sạn, sỏi, cát thạch anh màu vàng, dày 16m, phủ không chỉnh hợp lên bề mặt phong hóa của các trầm tích thuộc hệ tầng Bà Miêu. Lớp giữa là cát bột màu xám trắng lẫn ít sạn sỏi thạch anh, dày 16m. Lớp trên là sét bột, cát màu loang lổ, vàng nâu, bề dày 9m bị các trầm tích hệ tầng Thủ Đức phủ trên. Cuối thời kỳ Pleistoxen sớm (QI3) biển lại từ từ rút ra, tuy không triệt thoái khỏi đồng bằng Nam Bộ, song cũng đủ gây gián đoạn trầm tích tại khu vực Tp. HCM.

Quá trình biển tiến trong giai đoạn Pleistoxen giữa – muộn (QII-III) đã tạo nên sự phân bố rộng rãi và ổn định của các trầm tích hệ tầng Thủ Đức (QII-III tđ). Chúng cấu tạo nên các bậc thềm tích tụ - xâm thực cao 30 – 40m. Trên cơ sở mặt cắt lỗ khoan 817 tại xã Linh Xuân, huyện Thủ Đức, các trầm tích thuộc hệ tầng Thủ Đức gồm hai lớp: lớp dưới là cát sạn sỏi màu vàng, xen kẹp các lớp sét bột, nguồn gốc sông biển, dày 14m; Lớp trên là cát sét, sạn màu đỏ nguồn gốc sông, cát có độ chọn lọc kém, càng lên trên kích thước hạt càng giảm, dày 13m. Trầm tích hệ tầng Thủ Đức chuyển từ tướng sông sang tướng ven bờ theo hướng

đông bắc – tây nam. Cuối thời kỳ Pleistoxen giữa – muộn biển triệt thoát khỏi lãnh thổ, khu vực Tp. HCM sau đó bước sang thời kỳ nâng cao, bóc mòn. Đới laterit hóa trên cùng của hệ tầng Thủ Đức là biểu hiện của quá trình biển lùi này.

Vào giai đoạn cuối Pleistoxen muộn (QIII3) biển lại tiến vào đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tp.HCM hình thành hệ tầng Củ Chi (QIII3 cc) gồm cát sạn sỏi thạch anh, sét Kaolin màu xám trắng nguồn gốc sông, sông biển. Trong khoảng từ cuối Pleistoxen muộn (QIII3) kéo sang một phần của đầu Holoxen sớm – giữa (đầu QIV1-2) biển lại từ từ triệt thoái hoàn toàn khỏi phạm vi đồng bằng Nam Bộ, khu vực Tp. HCM bị xâm thực và bào mòn mạnh mẽ. Quá trình laterit hóa theo phương thức thấm đọng trong trầm tích hệ tầng Củ Chi đã diễn ra trên một khu vực rộng lớn. Ranh giới giữa Pleistoxen và Holocen được đánh dấu bằng một thời kỳ gián đoạn trầm tích dài.

Đầu Holocen sớm – giữa (QIV1-2) biển lại tiến vào lục địa và đạt cực đại ở Holoxen giữa tạo ra một lượng đáng kể các trầm tích biển và hỗn hợp sông biển trải rộng trên đồng bằng Nam Bộ. Tại khu vực Tp. HCM kết quả của đợt biển tiến này đã hình thành các trầm tích hệ tầng Bình Chánh (QIV1-2 bc) gồm sét, sét bột chứa ít cát và cát sạn lẫn sét bột nguồn gốc biển và hỗn hợp sông biển phân bố chủ yếu ở Bình Chánh, Hóc Môn, nam Thủ Đức, Nhà Bè và dọc các thung lũng sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Hệ tầng Bình Chánh phủ không chỉnh hợp lên hệ tầng Củ Chi (QIII3 cc).

Từ cuối Holocen giữa đến nay hoạt động nâng yếu xảy ra, biển từ từ rút theo hướng đông nam. Tại khu vực Tp. HCM hình thành các trầm tích của hệ tầng Cần Giờ (QIV2-3 cg) gồm một lớp sét màu sám đen, xám nâu, trên đó là than bùn hoặc sét chứa hữu cơ, có nguồn gốc sông biển, đầm lầy biển, đầm lầy sông, phân bố rộng rãi ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, nam Thủ Đức, dọc thung lũng sông Sài Gòn và dọc trũng Lê Minh Xuân. Trên diện tích vùng Cần Giờ và Nhà

Bè hệ tầng Cần Giờ phủ chỉnh hợp lên hệ tầng Bình Chánh, việc phân định ranh giới giữa hai hệ tầng này dựa vào kết quả nghiên cứu vi cổ sinh Foraminifera.

Nhìn chung trầm tích đệ tứ khu vực Tp. HCM được chia làm năm nhịp ứng với các thời kỳ thành tạo khác nhau. Mỗi nhịp bắt đầu bằng trầm tích hạt thô, kết thúc là trầm tích hạt mịn. Các thời kỳ gián đoạn trầm tích thường tạo ra những bề mặt phong hóa loang lổ vàng đỏ hoặc cấu tạo laterit hóa theo phương thức thấm đọng.

Hình 2.1. Sơ đồ địa chất thành phố Hồ Chí Minh

Theo Chuyên khảo “Địa chất & Khoáng sản thành phố Hồ Chí Minh” do TS. Vũ Văn Vĩnh làm chủ biên (2002)

Một phần của tài liệu đặc trưng cơ lý của đất loại sét trầm tích holocen khu vực nam thành phố hồ chí minh (Trang 34 - 39)