Sử dụng thuốc kháng sinh

Một phần của tài liệu nghiên cứu hình thái lâm sàng, hình ảnh nội soi và đánh giá kết quả điều trị viêm thanh thiệt cấp (Trang 72 - 75)

Sử dụng kháng sinh tĩnh mạch là điều trị cơ bản trong VTTC bên cạnh việc kiểm soát đường thở. Điều này đã được thống nhất trong tất cả các nghiên cứu trong y văn thế giới .

Không có trường hợp nào sử dụng kháng sinh đường uống hay khí dung. Điều này có thể giải thích do VTTC là bệnh cấp tính nặng, thường do vi khuẩn gây ra. Do đó, sử dụng kháng sinh phổ rộng tĩnh mạch là cách thức để thuốc có hiệu quả nhanh và mạnh nhất, đáp ứng yêu cầu điều trị mà đường uống hay khí dung không đáp ứng được. Một lý do khác có thể là do bệnh nhân đau nên việc dùng thuốc theo đường uống sẽ khó khăn hơn so với đường tiêm tĩnh mạch.

Theo tác giả Wong khi nghiên cứu tại Úc, bệnh nhân khi ổn định ra viện sẽ được tiếp tục dùng kháng sinh uống thêm 7 ngày .

Theo kết quả các nghiên cứu cho thấy, kháng sinh được ưu tiên sử dụng các loại chống các vi khuẩn thường gặp trong VTTC theo kinh nghiệm, tiếp sau đó là theo kháng sinh đồ . Nếu trước đây thường dùng phác đồ ampicillin hoặc ampicillin/cloramphenicol , thì hiện nay thường dùng các nhóm Cephalosporin thế hệ II, III hoặc Amoxicillin phối hợp với acid clavulinic . Ngoài ra, nếu có những bằng chứng về vi khuẩn kỵ khí, có thể dùng Metronidazole phối hợp .

Trong nghiên cứu của chúng tôi, 100% bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh tĩnh mạch, chủ yếu là Cephalosporin thế hệ III (47.2%) hoặc Amoxicillin kết hợp acid clavulinic (41.7%). Các bệnh nhân được điều trị bằng một kháng sinh (69.4%) hoặc phối hợp hai kháng sinh (30.6%), không có trường hợp nào sử dụng trên hai loại kháng sinh. Loại kháng sinh thứ hai phối hợp luôn là Metronidazole. Kết quả trên cho thấy rằng phác đồ điều trị VTTC ở Việt Nam hiện nay đã được cập nhật phù hợp với thế giới để đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Trong 4 trường hợp sử dụng kháng sinh khác, có 1 bệnh nhân sau MKQ sử dụng Cephalosporin thế hệ 2 (Cefamandol) nhưng không hiệu quả nên sau 5 ngày đã đổi sang Cephalosporin thế hệ III và cho kết quả tốt. Do đó, chúng tôi cho rằng nên sử dụng Cephalosporin thế hệ III thì tốt hơn.

So sánh thời gian nằm viện giữa bệnh nhân không và có dùng Metronidazole phối hợp, kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt (6.2 so với 6.0 ngày, p=0.85).

Thời gian nằm viện của bệnh nhân sử dụng các nhóm kháng sinh khác nhau là tương đương nhau. Và cũng không có sự phân biệt trong lựa chọn kháng sinh giữa bệnh nhân có và không can thiệp ngoại khoa. Nghiên cứu của tác giả Chang năm 2005 cũng cho kết quả tương tự .

4.2.2.2. Sử dụng thuốc giảm viêm, giảm phù nề và các thuốc khác

Hiện nay trên thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi và chưa thống nhất về hiệu quả cũng như việc có nên sử dụng corticoid khi điều trị VTTC hay không. Mặc dù chưa thấy có bằng chứng thuyết phục về vai trò của corticoid, đa phần trong các nghiên cứu vẫn ủng hộ quan điểm là sử dụng corticoid giúp giảm phù nề đường thở, dẫn đến cải thiện độ rộng của đường thở, có thể làm giảm thời gian điều trị tích cực, thời gian nằm viện, cũng như khả năng phải đặt nội khí quản .

Do đó, tỷ lệ bệnh nhân được sử dụng corticoid trong các nghiên cứu đều tương đối cao. Theo tác giả Rivron là 100% , theo tác giả Riffat năm 2009 thì tỷ lệ này là 61% , còn theo nghiên cứu của tác giả Mayo Smith là 64% . Tương tự như các nghiên cứu này, trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị corticoid tiêm tĩnh mạch gần như là tuyệt đối (35 trường hợp, chiếm 97.2%).

Thêm vào đó, có tới 75% có sử dụng corticoid khí dung phối hợp. Khí dung corticoid được coi là biện pháp hỗ trợ chống viêm tại chỗ tốt, đặc biệt là trong những trường hợp không nên hay phải hạn chế sử dụng corticoid theo đường toàn thân như bệnh nhân có tăng huyết áp, đái tháo đường hay các bệnh lý khác. Chúng tôi nhận thấy thời gian nằm viện ở nhóm có khí dung corticoid thấp hơn nhóm không khí dung (5.7 so với 7.3 ngày). Tuy nhiên, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p=0.32).

Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi, có một số bệnh nhân được dùng thuốc giảm tiết acid dịch vị (Nexium) để giảm nguy cơ trào ngược nhưng không nhiều (5/36).

4.2.3. Kết quả điều trị

4.2.3.1. Kết quả điều trị

Trong nghiên cứu này, 97.2% bệnh nhân khỏi, ra viện và không có di chứng, kể cả các trường hợp phải mở khí quản. Có 1 trường hợp tử vong là do bệnh lý viêm gan cấp phối hợp. Trong y văn thế giới, trước đây, tỷ lệ tử vong do VTTC ở người lớn được báo cáo rất dao động, từ 0 đến 50% theo những nghiên cứu khác nhau . Trong đó, theo nhiều báo cáo là khoảng 7% . Tuy nhiên, ở các nghiên cứu trong những năm gần đây, hầu như đều không thấy có bệnh nhân tử vong . Các kết quả này cho thấy nhờ sự tiến bộ trong các phương pháp chẩn đoán và điều trị, diễn biến và tiên lượng bệnh nhân VTTC đã tốt hơn rất nhiều.

Do một số hạn chế nhất định, trong nghiên cứu này, chúng tôi không đánh giá chi tiết được diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị, nhưng theo nghiên cứu của tác giả Wong ở Úc, thông thường các triệu chứng sẽ rút sau 36 đến 48 giờ điều trị .

Thời gian nằm viện kéo dài từ 3 đến 17 ngày, trung bình là 6.1 ± 2.8 ngày. Đa phần bệnh nhân nằm viện từ 4 đến 7 ngày (69.4%). Theo nghiên cứu ở Tây Ban Nha, thời gian nằm viện trung bình là 3 – 4 ngày . Theo nghiên cứu ở Iceland là 5 ngày. Còn theo nghiên cứu ở Đài Loan là 6.8 ngày . Như vậy, kết quả của chúng tôi tương tự với các nghiên cứu khác trên thế giới.

Thời gian lưu canuyl MKQ trung bình là 10 ngày.

Một phần của tài liệu nghiên cứu hình thái lâm sàng, hình ảnh nội soi và đánh giá kết quả điều trị viêm thanh thiệt cấp (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w