Thời gian từ khi khởi phát đến khi nhập viện

Một phần của tài liệu nghiên cứu hình thái lâm sàng, hình ảnh nội soi và đánh giá kết quả điều trị viêm thanh thiệt cấp (Trang 61 - 64)

Thời gian trung bình là 2.5 ± 1.9 ngày. Tỷ lệ đến khám trong ngày đầu khá cao (38.9%). Không có trường hợp đến sau 7 ngày.

Kết quả này khá tương đồng với một nghiên cứu tại Israel từ năm 1986 đến 2000, trong đó khoảng thời gian xuất hiện triệu chứng đến khi đi viện từ 8

đến 168 giờ (trung bình 2.7 ngày), chủ yếu là từ 1 đến 4 ngày . Trong nghiên cứu ở Melbourn – Úc, tỷ lệ đến viện sớm trong vòng 24 giờ cao hơn kết quả của chúng tôi, lên tới 59%, 29% trong vòng 1 – 3 ngày, chỉ có 11% đến viện sau 4 ngày xuất hiện triệu chứng . Còn theo nghiên cứu của tác giả Chang ở Đài Loan, thời gian đến viện trung bình lâu hơn (3.2 ngày), trong đó đến trong ngày đầu chỉ là 17.4% .

Lý giải về điều này, có thể có những nguyên nhân sau. Thứ nhất là sự phát triển của hệ thống y tế và ý thức của người bệnh. Khi hệ thống chăm sóc sức khỏe phát triển tốt và người dân có ý thức cao, họ sẽ đi khám bệnh sớm hơn, ngay từ những triệu chứng đầu tiên. Thứ hai là do quá trình và mức độ diễn biến của bệnh. VTTC là bệnh có diễn biến cấp tính. Khi các triệu chứng diễn biến nhanh chóng dẫn đến nặng cũng sẽ làm bệnh nhân phải đi khám và nhập viện sớm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian từ khi có triệu chứng đầu tiên đến khi nhập viện ngắn (hay các triệu chứng diễn biến nhanh) là một yếu tố nguy cơ gây khó thở và cần can thiệp kiểm soát đường thở .

Khi so sánh thời gian đến viện giữa 2 nhóm có và không can thiệp ngoại khoa (mở khí quản), chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt. Thời gian từ khi có triệu chứng ban đầu đến khi nhập viện ở nhóm phải can thiệp ngoại khoa ngắn hơn so với nhóm còn lại (1.1 so với 2.6 ngày). Tuy nhiên, có thể do cỡ mẫu nhỏ nên khi kiểm định chưa thấy sự khác biệt có ý nghĩa. Điều này gợi ý chúng ta cần có những nghiên cứu tiếp theo về các vấn đề này.

4.1.2.4. Triệu chứng toàn thân

Sốt: Tỷ lệ bệnh nhân sốt trong nghiên cứu là 19.4%, thường sốt không cao (37.1 đến 38.6oC, trung bình là 37.8oC). Kết quả này tương tự với kết quả nghiên cứu ở Đài Loan . Khi tìm hiểu thêm, chúng tôi thấy tỷ lệ sốt là tương đối khác nhau giữa các nghiên cứu trên thế giới, từ 9% theo tác giả Yoon ở

Triều Tiên đến 56.7% theo tác giả Vincent Pino Rivero ở Tây Ban Nha . Dù vậy, các nghiên cứu đều đồng nhất quan điểm rằng đây không phải là yếu tố có ý nghĩa tiên lượng khó thở hay cần can thiệp kiểm soát đường thở.

Khó thở: Số bệnh nhân khó thở trong nghiên cứu khá cao (12/36 trường hợp, chiếm 33.3%). So với triệu chứng cơ năng (55.6% trường hợp có khó thở), thì tỷ lệ khó thở khi thăm khám thấp hơn. Những trường hợp khác có thể do thanh thiệt và sụn phễu phù nề làm bệnh nhân có cảm giác vướng họng và đau nên cảm thấy khó thở chứ không phải khó thở thực sự.

4.1.2.5. Triệu chứng cơ năng

Triệu chứng cơ năng của VTTC trong nghiên cứu khá phong phú. Chúng tôi tổng hợp được tất cả các triệu chứng đã được đề cập trong y văn, chủ yếu là nuốt khó và đau (88.9%), nuốt vướng (69.4%), đau họng (63.9%), giọng ngậm hạt thị (58.3%). Khàn tiếng và ho không phải là các triệu chứng nổi bật, chỉ chiếm 25 và 11.1%).

Kết quả này tương đồng với hầu hết các nghiên cứu khác trên thế giới. Tất cả đều nhận thấy rằng đau họng và nuốt đau là những triệu chứng cơ năng nổi bật , , , . Trong số đó, có những nghiên cứu còn cho thấy hai triệu chứng này gặp ở 100% số bệnh nhân VTTC . Như vậy có thể khẳng định rằng, mặc dù không đặc hiệu do có thể gặp trong nhiều bệnh cảnh khác, đau họng và nuốt đau là những biểu hiện cơ năng trung thành của VTTC.

Trong VTTC, do tổn thương thường chỉ giới hạn ở thượng thanh môn,thanh môn và đường hô hấp dưới không tổn thương nên khàn tiếng và ho chỉ gặp với tỷ lệ nhỏ. Trong đó, có một số trường hợp bệnh nhân có tổn thương từ trước như polyp dây thanh (1 trường hợp) hay viêm thanh quản kết hợp (6 trường hợp). Đây cũng là đặc điểm để phân biệt giữa VTTC và bệnh

Croup. Ở bệnh Croup thì ho nhiều với tiếng ho ông ổng là dấu hiệu đặc trưng có độ nhạy và độ đặc hiệu cao .

4.1.2.6. Mức độ khó thở

Trong 12 trường hợp bệnh nhân khó thở trong nghiên cứu, chủ yếu bệnh nhân có khó thở thanh quản độ I (8/12 ca), có 4 trường hợp độ II điển hình với thở rít và co kéo cơ hô hấp. Không có bệnh nhân nào khó thở độ III.

4.1.2.7. Tổn thương của họng, hạ họng qua khám nội soi

Theo y văn thế giới, VTTC là bệnh nhiễm khuẩn xâm nhập tại chỗ vùng thượng thanh môn, gồm sụn nắp, sụn phễu, nẹp phễu thanh thiệt và băng thanh thất. Các cấu trúc họng miệng ít khi bị ảnh hưởng . Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, đa phần bệnh nhân có xung huyết và ứ đọng xuất tiết ở hạ họng, xoang lê (88.9 và 80.6%). Biều hiện phù nề hạ họng, xoang lê cũng hay gặp (52.8%).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ứ đọng xuất tiết ở hạ họng và xoang lê là biểu hiện rất thường gặp . Triệu chứng này có độ nhạy và đặc hiệu cao trong VTTC (0.79 và 0.94), có thể coi là dấu hiệu chẩn đoán phân biệt giữa VTTC và Croup . Nguyên nhân có thể giải thích do sự kết hợp giữa yếu tố viêm gây kích thích tăng tiết và bệnh nhân không nuốt được do nuốt đau đã dẫn đến tăng ứ đọng dịch xuất tiết.

Một phần của tài liệu nghiên cứu hình thái lâm sàng, hình ảnh nội soi và đánh giá kết quả điều trị viêm thanh thiệt cấp (Trang 61 - 64)