Kết quả chụp XQ cổ nghiêng

Một phần của tài liệu nghiên cứu hình thái lâm sàng, hình ảnh nội soi và đánh giá kết quả điều trị viêm thanh thiệt cấp (Trang 66 - 68)

Trong 22 trường hợp được chụp XQ cổ nghiêng, 100% bệnh nhân có dày sụn nắp thanh thiệt, 95.5% dày nẹp phễu thanh thiệt. Đây là một tỷ lệ rất cao. Trường hợp nẹp phễu không dày trên XQ, trên lâm sàng tương ứng là bệnh nhân chỉ có tổn thương 1 phần của sụn nắp.

Có một trường hợp bệnh nhân có bệnh cảnh lâm sàng viêm phù nề toàn bộ họng, hạ họng, và vùng cổ rõ. Bệnh nhân này có khó thở và đã được mở khí quản từ tuyến dưới. Đây chính là trường hợp trên XQ có dày cả thanh môn, hạ thanh môn và họng, hạ họng.

Độ dày sụn nắp trung bình trên XQ cổ nghiêng là 14.3 ± 3.8mm. Kết quả này khá phù hợp với nghiên cứu tại Hàn Quốc của tác giả Yong (15.87 ± 3.6mm) . Theo nghiên cứu của tác giả này, độ dày sụn nắp trên XQ cổ

nghiêng ở bệnh nhân VTTC cao hơn hẳn nhóm chứng là người bình thường (15.87 so với 4.37mm, p < 0.05), và độ dày sụn nắp trên XQ cổ nghiêng > 7mm có độ nhạy và độ đặc hiệu 100% trong chẩn đoán VTTC . Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nhóm bệnh nhân có khó thở có độ dày sụn nắp trên XQ cổ nghiêng cao hơn hẳn nhóm còn lại (17.3 so với 13.2mm, p=0.02).

Tuy nhiên, theo những nghiên cứu khác, độ nhạy và độ đặc hiệu của phim XQ cổ nghiêng rất dao động, từ 38 đến 98% .

Trong nghiên cứu của chúng tôi, khi so sánh giữa 2 nhóm có độ dày sụn nắp trên XQ cổ nghiêng ≤ 14.3mm (giá trị trung bình trong nghiên cứu) và > 14.3mm, thấy thời gian từ lúc khởi triệu đến khi đến viện của 2 nhóm có sự khác biệt có ý nghĩa (3.6 và 1.6 ngày, p= 0.02). Các kết quả so sánh khác không có sự khác biệt có ý nghĩa.

Như vậy, theo chúng tôi, với những trường hợp không có điều kiện thăm khám nội soi, nếu phim chụp XQ cổ nghiêng có dày sụn nắp thanh thiệt cũng có tác dụng trong chẩn đoán VTTC. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố tiên lượng bệnh.

4.1.3.3. Xét nghiệm vi khuẩn

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 trường hợp được lấy dịch vùng thanh thiệt nuôi cấy vi khuẩn. Trong đó, 4 trường hợp dương tính với M. Catarrhalis, 1 trường hợp là S. pneumonia, và 1 trường hợp cho kết quả âm tính.

Trường hợp bệnh nhân có kết quả vi khuẩn là S.pneumonia, trên lâm sàng, chúng tôi nhận thấy có bệnh cảnh của viêm loét họng.

Theo các tác giả, vi khuẩn gây bệnh trong VTTC tương đối phong phú, bao gồm chủ yếu là phế cầu, tụ cầu và liên cầu tan máu nhóm B , một số loại nấm (ở cơ địa suy giảm miễn dịch), và một số virus. Theo tác giả Isakson, Streptococcus pneumoniae là vi khuẩn hay gặp nhất trong VTTC ở người lớn hiện nay . Tham khảo các nghiên cứu khác, chúng tôi không thấy nhắc đến nguồn gây bệnh là M. Catarrhalis. Đây là điểm khác biệt trong nghiên cứu này cho thấy đặc điểm khác biệt của VTTC ở Việt Nam so với các địa điểm khác trên thế giới.

Moraxella catarrhalis là song cầu khuẩn gram (-), ưa khí, có men oxidase, không di động, khó tính, có thể gây ra nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai giữa, mắt, hệ thần kinh trung ương, khớp. Nó dính vào tế bào vật chủ bằng TAA (chất vận chuyển dính). Hiện nay, vi khuẩn này đã kháng penicillin, ampicillin, amoxicillin, trimethoprim, trimethoprim – sulfamethoxazole, tetracycline, nhưng còn nhạy cảm với fluoroquinolone, hầu hết Cephalosporin thế hệ 2, 3, erythromycin, và amoxicillin – clavulanate.

Do số lượng các ca cấy dịch tìm vi khuẩn còn ít nên chúng tôi chưa có điều kiện tìm ra những đặc điểm riêng của VTTC do M. Catarralis. Đây cũng là điểm hạn chế trong nghiên cứu này mong muốn được khắc phục trong các nghiên cứu tiếp theo.

Một phần của tài liệu nghiên cứu hình thái lâm sàng, hình ảnh nội soi và đánh giá kết quả điều trị viêm thanh thiệt cấp (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w