4.4.1. Các khó khăn
Trong các hệ thống truyền dẫn tốc độ bit cao, cả méo tuyến tính và phi tuyến đều làm giới hạn chất lượng hệ thống. Tán sắc màu là nhân tố chính dẫn đến méo tuyến tính, còn méo phi tuyến là các tác động Kerr như tự điều pha SPM, và điều chế pha chéo XPM, …Bằng việc dùng các bộ cân bằng thì dung sai (tolerence) đối với các loại méo này được tăng cường đáng kể [20]. Như đã đề cập trong Chương 3, đối với các hệ thống truyền dẫn tốc độ cao, như trong trường hợp mô phỏng của đề
tài là 100Gb/s, kỹ thuật tách sóng trực tiếp là một giải pháp khả thi.
Các khó khăn tồn tại đối với việc sử dụng kỹ thuật xử lý tín hiệu số như các bộ cân bằng trong miền điện có thể chỉ ra như sau:
− Tốc độ bit 100Gb/s là vượt quá khả năng đáp ứng của các bộ thu quang hiện tại vì bộ thu nhanh nhất hiện tại chỉ thu được các xung quang có độ rộng tương đương 64GHz [33].
− Do luật lấy bình phương của photodiode, kênh truyền có tính chất tuyến tính trong miền quang chuyển sang mang tính phi tuyến trong miền điện đồng thời pha của tín hiệu quang bị mất. Điều này làm cho hoạt động của các bộ
cân bằng điện trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
− Ở tốc độ cao, việc lấy mẫu (sampling) của các bộ lấy mẫu trở nên khó thực hiện.
Giải pháp đề nghị của đề tài là:
− Dùng phương pháp điều chế DQPSK để giúp giảm băng thông xuống còn phân nửa (50Gsymbols/s) như đã được trình bày trong chương 2.
− Cải thiện chất lượng truyền dẫn bằng việc dùng các bộ cân bằng DFE với số
lượng làm chậm (unit tap delay) tối thiểu. Đồng thời, kỹ thuật xử lý song song với 4 bộ cân bằng có unit tap delay trên cũng được sử dụng.
Mục 4.4.2 và 4.4.3 sau đây sẽ lần lượt trình bày các bộ cân bằng DFE với unit tap delay và kỹ thuật xử lý song song dùng các bộ cân bằng này.