- Siêu âm doppler động mạch chi dưới
n
4.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
* Tuổi (Biểu đồ 3.1).
Tuổi trung bình chung của bệnh nhân nghiên cứu là 70,6 ± 6,58 tuổi. Đa số ở độ tuổi từ 60-79, trong đó nhóm tuổi từ 60 -69 chiếm tỷ lệ cao nhất (45,4%), ở đây chúng tôi thấy nhóm tuổi từ 80 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ gần 10% mặc dù là thấp nhất nhưng lại cho thấy tuổi thọ của người đái tháo đường ngày càng được tăng cao, đây lại là những đối tượng rất cần được quan tâm vì dễ có nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng nhất. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự như các kết quả nghiên cứu của một số tác giả trong nước như: Vũ Thị Thanh Huyền và cộng sự (2012) [47] tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi 60- 69, Lê Thị Phương và cộng sự (2011) [30] tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi 60 - 69, Nguyễn Minh Sang và cộng sự (2007) [48] nhóm bệnh
nhân từ 60 -75 tuổi có tỷ lệ cao nhất, nhóm trên 75 tuổi có tỷ lệ thấp nhất. Tuy nhiên chúng tôi thấy tuổi trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn của Lê Thị Phương và Nguyễn Minh Sang, điều này là phù hợp vì đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là người cao tuổi. Kết quả của chúng tôi cũng tương tự như một số nghiên cứu của nước ngoài: Nghiên cứu 11 nước châu Á cho thấy tại Trung Quốc nhóm tuổi 70 -79, Nhật Bản và Ấn Độ nhóm tuổi từ 60 – 69 có tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ cao nhất. Tại Ấn Độ tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ cao nhất ở nhóm tuổi 60 – 69, giảm dần sau tuổi 70. Kết quả nghiên cứu DECODA ở các nước châu Âu, tỷ lệ nhóm tuổi mắc ĐTĐ cao cũng tương tự như các nước châu Á [49].
* Giới (Biểu đồ 3.2).
Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ nữ cao hơn nam: Nữ chiếm 60,1%, nam 39,9%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự như nghiên cứu của một số tác giả trong nước như: Trần Thị Thanh Huyền (2011) [50] nữ 58,9%, nam 41,1%; Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Tiến Dũng (2013) [9] nữ 62,9%, nam 37,1%. Kết quả của chúng tôi cũng tương tự như một số nghiên cứu của nước ngoài: Ngamukos C, Bunnag p (2006) [32], nữ 63,8%, nam 36,2%; Theo một nghiên cứu tại Iran ở bệnh nhân ĐTĐ trên 60 tuổi thì tỷ lệ nữ chiếm 51,5%, nam 48,5% [51].
* Thời gian mắc bệnh (Biểu đồ 3.3):
ĐTĐ typ 2 là bệnh mạn tính đa số tiến triển âm thầm nhiều năm không có triệu chứng vì vậy không xác định được chính xác thời gian mắc bệnh. Cho nên chúng tôi lấy thời gian phát hiện bệnh để tính thời gian mắc bệnh của bệnh nhân.
Trong nghiên cứu của chúng tôi bệnh nhân có thời gian mắc bệnh trung bình là 9,22 ± 5,37 năm, trong đó nhóm bệnh nhân có thời gian mắc bệnh từ
10 năm trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất (44,8%), tiếp theo là nhóm có thời gian mắc bệnh từ 5 đến dưới 10 năm chiếm 33,7% và 21,5% là nhóm bệnh nhân có thời gian mắc bệnh dưới 5 năm.Thời gian mắc bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi thấy cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Minh Sang và cộng sự (2007) [48] thời gian mắc bệnh dưới 5 năm 37,5%, từ 5 đến dưới 10 năm 27,9%, từ 10 năm trở lên 34,6%. Điều này là phù hợp do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là người cao tuổi nên thời gian bị bệnh thường là lâu năm đồng thời chứng tỏ tuổi thọ của người bệnh đái tháo đường ngày càng được tăng cao và đây cũng chính là một trong những yếu tố nguy cơ làm cho các biến chứng mạn tính xuất hiện ngày càng tăng. Thời gian mắc bệnh trung bình của bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi thấy thấp hơn so với nghiên cứu của tác giả Ngamukos C, Bunnag p (2006) [32], ở Thái Lan (12,8 ± 8,2), có sự khác biệt này có thể do cỡ mẫu của chúng tôi nhỏ hơn.
* Chỉ số khối cơ thể (Bảng 3.1):
Chỉ số BMI trung bình của đối tượng nghiên cứu là 23,51 ±2,82. Trong đó nhóm bệnh nhân có chỉ số BMI ≥ 23 chiếm tỷ lệ cao nhất 55,8%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương Thùy và cộng sự (2012) [52] cho thấy chỉ số BMI của bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi là 23,8 ± 3,2, trong đó nhóm thừa cân và béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất 66%. Ling xu và cộng sự (2007) [53] cho thấy chỉ số BMI trung bình của bệnh nhân cao tuổi đái tháo đường là 25,64 ± 3,1, cao hơn nhiều so với nghiên cứu của chúng tôi, có sự khác biệt này có thể do tỷ lệ béo phì của người Trung Quốc nhiều hơn.
* Tình trạng kiểm soát đường máu (Bảng 3.2, 3.3):
Tăng glucose máu là một trong những yếu tố chính trong bệnh sinh bệnh lý thận đái tháo đường,kiểm soát đường máu là mục tiêu quan trọng nhất của việc điều trị bệnh nhằm giảm thiểu các biến chứng của bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Chúng tôi đánh giá kết quả kiểm soát đường máu theo khuyến cáo mục tiêu điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi [43],[44].
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nồng độ đường máu lúc đói trung bình của bệnh nhân là 7,34 ± 2,29 mmol/l. Tỷ lệ bệnh nhân đạt mục tiêu điều trị tức đường máu lúc đói < 7 mmol/l chiếm 54% cao hơn so với nhóm kiểm soát kém 46%.Tỷ lệ này của chúng tôi cao hơn của Ngô Thị Mai Xuân (2007), nhóm kiểm soát tốt đường máu chiếm 34%, nhóm kiểm soát đường máu kém chiếm 66% [54]. Kết quả nồng độ trung bình đường máu lúc đói của chúng tôi cũng thấp hơn của Ling xu và cộng sự với đường máu lúc đói trung bình là 8,3 ± 3,1 [53]. Sở dĩ có sự khác biệt này có thể do nhóm bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi được khám quản lý theo dõi định kỳ hàng tháng, có sự kiểm soát đường máu được tốt hơn, ý thức tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng ngày càng tốt hơn.
Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả điều trị là nồng độ HbA1C trong máu. Kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nồng độ HbA1C trung bình là 7,02 ± 1,42 (%). nhóm có HbA1C < 7% đạt tỷ lệ 55,8% cao hơn nhóm kiểm soát chưa tốt chiếm 44,2%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự như của một số tác giả: Phạm Thị Hồng Hoa (2010) [55] nhóm có HbA1C < 7% đạt tỷ lệ 56,5%; Trần Thị Thanh Huyền (2011) [50] nhóm có HbA1C < 7% đạt tỷ lệ 66,7%, có sự tương đồng này có thể do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi đều được khám quản lý định kỳ hàng
tháng hơn nữa lại tại bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân tuân thủ điều trị. Tuy nhiên kết quả của chúng tôi thấý nhóm bệnh nhân kiểm soát được đường huyết chiếm tỷ lệ cao hơn so với một số tác giả khác như: NguyếnThu Hương, Nguyễn Tiến Dũng (2013) [9] cho thấy nhóm có nồng độ HbA1C < 7% chỉ đạt tỷ lệ 36,8%; Ngamukos C, Bunnag p (2006) [32], ở Thái Lan cho thấy nhóm bệnh nhân có nồng độ HbA1C < 7% chỉ đạt tỷ lệ 25%; Một nhgiên cứu tại Mỹ tỷ lệ bệnh nhân có HbA1C < 7% là 34%, còn nếu ở nhóm tuổi 65 -75 thì tỷ lệ HbA1c > 9% là 18,8% [56]. Chương trình kiểm soát bệnh nhân đái tháo đường của Greenland thì tỷ lệ bệnh nhân HbA1c < 7% chiếm 46% [57]. Chương trình của Bồ đào Nha tỷ lệ này là 51,7% [58]. Có sự khác biệt này do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là bệnh nhân điều trị ngoại trú được khám quản lý theo dõi định kỳ hàng tháng, bệnh nhân được tư vấn thường xuyên nên tuân thủ điều trị. Đây là một trong những yếu tố quyết định đến việc hạn chế biến chứng ở bệnh nhân đái tháo đường. Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy giảm chỉ số HbA1c sẽ giảm được tỷ lệ biến chứng mạch máu nhỏ và mạch máu lớn. Trong đó nghiên cứu UKPDS35 kết quả cho thấy HbA1c trung bình giảm được 1% thì sẽ giảm được 21% tử vong liên quan với đái tháo đường, giảm 15% nhồi máu cơ tim, giảm 37% biến chứng vi mạch. Nguy cơ thấp nhất ở những bệnh nhân có giá trị HbA1c ở giới hạn bình thường (<6%) [59].
* Tình trạng rối loạn lipid máu (Biểu đồ 3.5):
Rối loạn chuyển hóa lipid đóng vai trò trung tâm trong các yếu tố nguy cơ của vữa xơ động mạch [60], đặc biệt là ở bệnh nhân đái tháo đường. Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy rối loạn tăng triglyceride máu chiếm tỷ lệ cao (46,6%), còn các thành phần khác như cholesterol, HDL-C, LDL-C tình trạng rối loạn chiếm tỷ lệ thấp hơn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự như nghiên cứu của Trần Thị Thanh Huyền (2011) [50], Phạm Thị Hồng Hoa (2010) [55]. Nhưng so với kết quả nghiên cứu của tác giả Ngamukos C, Bunnag p (2006) [32]
ở Thái Lan thì tình trạng rối loạn lipid máu chiếm tỷ lệ cao hơn của chúng tôi có sự khác biệt này có thể do các đối tượng nghiên cứu của chúng tôi đã được sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu.
* Huyết áp (Bảng 3.4):
Tăng huyết áp (THA) là bệnh rất thường gặp ở người cao tuổi, trung bình cứ hai người cao tuổi có một người bị THA [61], ở bệnh nhân đái tháo đường tỷ lệ THA còn cao hơn. Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy tỷ lệ bệnh nhân THA là 66,9%, không THA là 33,1%. Kết quả này của chúng tôi thấy tỷ lệ bệnh nhân THA cao hơn so với một số nghiên cứu khác như: Nguyễn Thị Thanh Nga, Hoàng Trung Vinh (2009) [29], tỷ lệ bệnh nhân THA là 64,8%; NguyễnThu Hương, Nguyễn Tiến Dũng (2013)[9] tỷ lệ bệnh nhân THA là 52,17%; Ngamukos C, Bunnag p (2006) [32] ở Thái Lan tỷ lệ bệnh nhân THA là 46%. Điều này là phù hợp vì đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là người cao tuổi.
* Hút thuốc lá (Bảng 3.4):
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và cũng là một yếu tố nguy cơ làm tăng bệnh lý cầu thận do đái tháo đường đã được công nhận [10], tỷ lệ hút thuốc lá thường cao ở người bệnh đái tháo đường cả typ 1 và typ 2 có bệnh thận [3] . Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy tỷ lệ bệnh nhân hút thuốc lá là 25,8%. Kết quả này của chúng tôi tương tự như nghiên cứu của một số tác giả như: Nguyễn Hoài Mãnh, Nguyễn Thị Nhạn (2010) [62] , tỷ lệ bệnh nhân hút thuốc lá ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 là 28,3%; Đào Thị Dừa, Nguyễn Tá Đông, Cao Văn Minh (2009) [63], tỷ lệ bệnh nhân hút thuốc lá ở bệnh nhân đái tháo đường là 22,1%.
* Bệnh võng mạc tiểu đường (Bảng 3.4):
Bệnh võng mạc tiểu đường là một trong những biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường được xếp chung vào “nhóm tổn thương vi mạch”. Sự kết hợp giữa bệnh thận do đái tháo đường và bệnh võng mạc đã được mô tả vào năm1954 và dường như bắt đầu ở mức microalbumin niệu [3]. Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh võng mạc tiểu đường là 27,4%, cao hơn kết quả của tác giả Lê Quang Toàn, Tạ Văn Bình và cộng sự (2006) [7], tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh võng mạc tiểu đường là 23,9%, có sự khác biệt này có thể do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là người cao tuổi, thời gian mắc bệnh lâu. Kết quả của chúng tôi lại thấy thấp hơn của tác giả Chetthakul T (2006) của Thái Lan tỷ lệ bệnh võng mạc tiểu đường ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 trên 60 tuổi là 36,8% [64], có sự khác biệt này có thể do đối tượng nghiên cứu của cúng tôi kiểm soát đường huyết được tốt hơn, hoặc do khác nhau về dân tộc, hoặc cũng có thể do cỡ mẫu của chúng tôi chưa đủ lớn.
* Tổn thương động mạch chi dưới qua hình ảnh siêu âm Doppler (Bảng 3.4): Bệnh động mạch chi dưới là một trong những biến chứng mạn tính của bệnh
đái tháo đường xếp trong nhóm biến chứng mạch máu lớn. Siêu âm Doppler mạch máu là kỹ thuật không xâm lấn có thể phát hiện nhanh các tổn thương mạch máu chi dưới với độ chính xác cao. Trong nghiên cứu của chúng tôi sử dụng kỹ thuật siêu âm Doppler mạch máu để phát hiện tổn thương động mạch chi dưới. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có tổn thương động mạch chi dưới là 45,2%. Kết quả này của chúng tôi thấy cao hơn nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Chức, Nguyễn Kim Lương (2010) [65] tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có tổn thương động mạch chi dưới là 34,1% có sự khác biệt này do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là người cao tuổi.
* Bệnh kèm theo (Biểu đồ 3.4):
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh kèm theo. Trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấy đa số bệnh nhân mắc trên hai bệnh kèm theo (67,5%).