Quá trình tán sỏi ngoài cơ thể có thể định vị sỏi bằng Xquang hoặc siêu âm. Mỗi phương pháp định vị đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng, do
đó các nhà niệu khoa và các nhà sản xuất máy tán sỏi phải lựa chọn sao cho người bệnh ít bị tổn thương nhất mà định vị lại chính xác tiêu điểm F2, để luôn đạt hiệu quả phát huy sức công phá của sóng xung, giảm thiểu tổn thương mô mềm xung quanh sỏi và cơ quan lân cận. Khi sử dụng cường độ tán càng mạnh việc định vị sỏi cần có độ chính xác càng cao.
Định vị bằng siêu âm có ưu điểm: cho phép định vị chính xác, có thể theo dõi việc định vị sỏi trong suốt quá trình tán, cho phép phát hiện được sỏi không cản quang, không độc hại và giá thành hạ. Nhược điểm của phương pháp định vị này là nhà niệu khoa phải có khả năng làm được siêu âm mới thực hiện được, những trường hợp bị che khuất bởi xương như: xương chậu, mỏm ngang cột sống, tán ở tư thế nằm sấp với một số sỏi niệu quản đoạn dưới còn gặp khó khăn.
Định vị bằng Xquang có ưu điểm: cho phép nhìn thấy sỏi cản quang rõ trên hệ tiết niệu, trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng kết hợp thuốc cản quang để xác định sỏi rõ hơn, với những sỏi ít cản quang. Nhưng nó có nhược điểm là không định vị được những viên sỏi không cản quang nếu không dùng thuốc cản quang. Trong quá trình phát tia X, cả thầy thuốc và bệnh nhân đều chịu sự độc hại không mong muốn, giá thành cao hơn sử dụng siêu âm.
Nghiên cứu của Nguyễn Bửu Triều [27] cho thấy khi phối hợp cả 2 phương pháp Xquang và siêu âm có tác dụng làm tăng tính chính xác khi định vị những viên sỏi nhỏ và sỏi cản quang ít, sỏi không cản quang hoặc sỏi bị che lấp bởi xương sườn hay mỏm ngang cột sống. Trong nghiên cứu chúng tôi sử dụng máy HK-ESWL-V là máy tán sỏi ngoài cơ thể thế hệ 3, sử dụng định vị sỏi bằng phương pháp Xquang. Có 19 trường hợp sỏi cản quang yếu nhưng vẫn định vị được, không trường hợp nào phải sử dụng thuốc cản quang. Trong quá trình tán sỏi, chúng tôi thường định vị lại sỏi cứ
sau 400-500 xung hoặc theo dõi nếu thấy bệnh nhân có sự dịch chuyển tư thế để phát huy cao nhất hiệu quả của sóng xung trúng đích công phá sỏi.
Khi sỏi bị phá vỡ, theo dõi trên màn hình thấy sỏi có dấu hiệu biến dạng, hình ảnh mờ đi, to ra hoặc dài ra, mất ranh giới, bờ sỏi không rõ, có khi mất hẳn hình ảnh của sỏi trên màn hình.