Huy động vàng trong dân

Một phần của tài liệu Biến động thị trường vàng ở Việt Nam và vai trò quản lý độc quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Trang 72 - 74)

2. Giải pháp

2.1.Huy động vàng trong dân

Thực hiện nghị định 24, NHNN đã nắm giữ độc quyền về xuất nhập khẩu vàng, là trung gian giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng thế giới. Tính đến hết năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu với 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn vàng để tăng lượng cung vàng trên thị trường. Trong đó, khoảng gần một nửa số vàng đã bán ra là phục vụ cho các TCTD dùng để tất toán trạng thái, phần còn lại được đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân. Với nhu cầu quá lớn của thị trường cùng với số lượng vàng dự trữ ngoại hối ít, NHNN đã phải nhập khẩu một khối lượng lớn vàng để hoàn thành các phiên đấu thầu. Dễ dàng thấy, việc nhập khẩu vàng như vậy trong thời gian dài có thể gây ra những biến động không tốt cho tỷ giá. Mặc dù các TCTD đã hoàn thành việc tất toán vàng vào ngày 30/06/3013 nhu cầu về vàng tạm thời được ổn định nhưng DTNH về vàng cần được bổ sung để có thể đáp ứng cầu vàng trong những năm tới. Hơn nữa, NHNN không thể chỉ nhập khẩu vàng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường bởi chi phí cao và rủi ro lớn, NHNN sẽ phải chịu lỗ nhiều. Trong khi đó, lượng vàng còn nằm trong dân cư còn rất nhiều, cần được đưa ra thị trường để phục vụ cho nền kinh tế. Số vàng đó có thể trở thành tài sản bảo đảm để vay nguồn vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp NHNN giảm áp lực vay nợ nước ngoài, tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối và có thêm nguồn lực để điều tiết thị trường vàng.

Con số chính xác của số lượng vàng trong dân vẫn chưa thể xác định, bởi 2 lí do. Một, lượng vàng nhập lậu về Việt Nam hàng năm rất lớn qua nhiều cửa ngõ khác nhau, vàng khối/miếng được xé nhỏ lẻ hoặc chế tác thành trang sức thẩm lậu qua biên giới, khó có thể thống kê. Hai, người dân Việt Nam luôn có tâm lý tích trữ vàng, khối lượng vàng hiện có trong dân từ nhiều năm qua không ai có thể thống kê chính xác. Theo ước tính của Hiệp hội Vàng thế giới, số lượng vàng vật chất nằm trong dân khoảng 400-500 tấn. Nếu theo giá vàng trên thị trường thì lượng vàng nằm trong dân có giá trị dao động từ 16-18 tỷ USD tương đương 16% GDP, xấp xỉ lượng dự trữ ngoại tệ thời kỳ trung bình trước đây. Tỷ lệ này quá lớn so với các nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới cũng chưa tới 3%. Theo công ty Cổ

67

phần Sài Gòn Kim Hoàng ACB-SJC ước tính, người dân đang tích trữ khoảng 500 tấn vàng; lượng vàng nhập về Việt Nam hàng năm đạt khoảng 60 tấn/năm; lượng vàng khai thác từ các mỏ vàng trong nước đạt 1 - 2 tấn/năm. Còn theo Hiệp hội Kinh doanh vàng ước tính, lượng vàng trong dân hiện vào khoảng 300 - 400 tấn, tương đương hơn 20 tỷ USD. Như vậy có thể thấy rằng, người dân đang nắm giữ một số lượng vàng khổng lồ mà việc huy động số vàng đó là rất cần thiết với nền kinh tế hiện tại.

Nhiều giải pháp được đưa ra để có thể huy động được vàng trong dân, trong đó có mua đứt bán đoạn và phát hành chứng chỉ vàng là hai biện pháp thiết thực và có thể đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi phương án đều có những điểm mạnh và bất lợi riêng. Với giải pháp đầu tiên, mua đứt bán đoạn vàng ở thời điểm hiện tại. Cơ chế thực hiện giải pháp này sẽ đơn giản, NHNN không có nghĩa vụ trả nợ và trả lãi hàng năm như khi đi vay, vậy nên sẽ không phải chịu áp lực đi vay. Tuy nhiên, việc mua vàng cũng gặp nhiều khó khăn. Như đã trình bày ở phần trên, tâm lý giữ vàng của người Việt thì đời nào cũng tồn tại. Khi tỷ giá không ổn định, thị trường bất động sản, chứng khoán vẫn trì trệ, vàng vẫn là kênh trú ẩn truyền thống của nhiều người dân. Bên cạnh đó, mức giá chênh lệch vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức tương đối cao, trên dưới 3 triệu đồng/lượng, NHNN sẽ phải bỏ ra một lượng tiền lớn mới có thể mua vàng. Với giải pháp thứ hai, phát hành chứng chỉ vàng, lượng vàng huy động sẽ lớn khi người dân tin tưởng vào NHNN và tính thanh khoản của chứng chỉ vàng. Giải pháp này sẽ đảm bảo an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, vàng thiếu tuổi, thiếu trọng lượng, không mất phí gia công dập ra vàng miếng. Lượng vàng huy động được bằng chứng chỉ sẽ có thời gian ổn định vì người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Do vậy, số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nền kinh tế sẽ được lợi vì nguồn vàng trong dân tập trung về ngân hàng, góp phần tăng dự trữ quốc gia và tiết kiệm được USD. Nhưng để có thể phát hành chứng chỉ, NHNN cần giải quyết được các vấn đề về chi phí, rủi ro thanh khoản, xây dựng hệ thống quy trình, thủ tục chặt chẽ, nhưng cũng phải

68

đơn giản cho người dân cùng với các quy định kèm theo như cho vay, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp trên thị trường thứ cấp, thị trường mở.

Theo ý kiến của nhóm nghiên cứu, để giải quyết nhu cầu cấp thiết về vàng trên thị trường trong ngắn hạn, NHNN nên thực hiện mua lại vàng trong dân. Các thủ tục mua bán cần được quy định một cách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu bởi các thủ tục hành chính của Việt Nam còn rất rườm rà nên nếu việc mua bán không diễn ra thuận lợi thì người dân sẽ rất dễ có tâm lý ngại thực hiện. Bên cạnh đó, giá mua lại vàng cũng cần được đưa ra sát với kì vọng của người dân, có thể tương đương hoặc cao hơn so với giá thế giới, nếu không người dân cũng không tích cực bán vàng mà sẽ tiếp tục cất trữ chờ giá vàng tăng. Không chỉ vậy, NHNN cần tăng cường các biện pháp về truyền thông, công bố các số liệu và tình hình của thị trường nhằm kêu gọi người dân bán vàng để có thể huy động tối đa lượng vàng. Đồng thời, thực hiện mua bán vàng cùng với thực hiện giải pháp giảm chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới nhằm giúp cho lượng tiền chịu lỗ mà NHNN bỏ ra huy động là nhỏ nhất. Tuy rằng NHNN sẽ phải chịu lỗ trước tiên nhưng sẽ bình ổn được thị trường vàng. Trong thời gian dài hạn, NHNN cần triển khai việc phát hành chứng chỉ vàng. Khi kinh tế ổn định, sàn vàng được thành lập, việc mua bán vàng, chứng chỉ vàng trên thị trường thứ cấp diễn ra thuận lợi, người dân sẽ chủ động hơn trong việc mua chứng chỉ vàng. Khi đó, giao dịch chứng chỉ vàng sẽ sôi động bởi người dân vừa có khoản tiết kiêm, lại vừa có thể kiếm lời. Như vậy, vàng sẽ được lưu thông trong nền kinh tế thay vì bị “chết” ở trong dân.

Một phần của tài liệu Biến động thị trường vàng ở Việt Nam và vai trò quản lý độc quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Trang 72 - 74)