Chính sách cho vay là nền tảng để quản trị hoạt động cho vay có hiệu quả. Chính sách cho vay đặt ra mục tiêu, định hướng cho hoạt động tín dụng của Ngân hàng. Nếu chính sách được xây dựng khoa học, thông suốt từ trên xuống dưới sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng duy trì tiêu chuẩn cho vay của mình, tránh rủi ro và đánh giá đúng về cơ hội kinh doanh.
Một chính sách cho vay tốt phải đưa ra được định hướng cho cán bộ tín dụng là khoản vay nào nên cho vay, áp dụng loại sản phẩm nào, với những điều kiện như thế nào. Chính sách cho vay tốt sẽ nâng cao chất lượng khoản vay. Đặc biệt ở những nước đang phát triển như Việt Nam, chính sách cho vay lại càng quan trọng hơn vì ngân hàng phải thích ứng với môi trường kinh tế biến đổi tục.
Đối với hoạt động cho vay DNXL, chính sách cho vay phải thể hiện được các nội dung cơ bản sau:
* Về định hướng chính sách khách hàng:
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tập trung đối tượng khách hàng là DNXL hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có tiềm năng phát triển và có uy tín trong quan hệ tín dụng để xem xét, hỗ trợ tư vấn, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhằm tạo mối quan hệ bền vững.
Đối với các doanh nghiệp, nhất là các Tổng công ty có tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, yếu kém, nợ tồn đọng lớn, kéo dài, cần có biện pháp tích cực để thu hồi nợ cũ, nợ quá hạn, các khoản cho vay mới phải được xem xét trên cơ sở có hiệu quả, có khả năng trả nợ, đáp ứng đủ các điều kiện tín dụng và không làm tăng tổng dư nợ tại hệ thống BIDV. Việc cho vay sẽ thực hiện theo đầu mối lớn (tại các chi nhánh của BIDV có dư nợ lớn) để kiểm soát được tín dụng nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả vốn vay.
* Về các giới hạn cho vay:
- Quy định mức giới hạn tỷ trọng dư nợ đối với DNXL trong tổng dư nợ nhằm tránh việc tập trung quá nhiều vốn vào một lĩnh vực sẽ dẫn đến rủi ro trong hoạt động cho vay. Trên cơ sở phân tích, dự báo khả năng tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng, tình hình cân đối vốn cho xây dựng cơ bản, đặc biệt là vốn ngân sách nhà nước từ đó đưa ra được giới hạn tín dụng đối với hoạt động xây lắp, tránh tình trạng tăng trưởng quá nóng gây mất an toàn trong hệ thống.
- Quy định tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn đối với DNXL để vừa đảm bảo an toàn hoạt động cho vay, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, cân đối được nguồn tài chính để trả nợ. Tuy đặc thù sản xuất kinh doanh của DNXL làm cho vốn vay chủ yếu tập trung ở dư nợ cho vay ngắn hạn song việc đầu tư trung dài hạn cũng là vô cùng cần thiết đối với các DNXL nhằm nâng cao năng lực thi công.
- Quy định tỷ trọng dư nợ có tài sản bảo đảm. Lĩnh vực cho vay xây lắp là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ mất vốn cao. Vì vậy việc tăng cường bổ sung biện pháp bảo đảm tiền vay là cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng đồng thời nâng cao trách nhiệm của khách hàng đối với vốn vay.
* Về điều kiện vay vốn của khách hàng:
- Tỷ lệ vốn tự có, tự huy động tham gia vào từng phương án kinh doanh/dự án: DNXL thường có tình hình tài chính không mạnh, nguồn vốn chủ yếu là vốn vay và
vốn chiếm dụng, điều này tiền ẩn rủi ro, nguy cơ mất khả năng thanh toán. Vì vậy, đối với từng phương án SXKD/dự án vay vốn của DNXL cần yêu cầu tỷ lệ vốn tự có, tự huy động chiếm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của phương án/Tổng giá trị của các Hợp đồng thi công xây lắp.
- DNXL phải có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và năng lực công nghệ, nhân công đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của đơn vị thi công xây lắp, phù hợp khả năng thi công, xây lắp có nhu cầu vay vốn lưu động.
- Khách hàng cam kết chuyển tiền thanh toán của Hợp đồng tối thiểu tương ứng tỷ lệ vốn vay về tài khoản tiền gửi của khách hàng tại Chi nhánh.
- Có phương án kinh doanh theo Hợp đồng thi công xây lắp được Chi nhánh đánh giá là khả thi, hiệu quả và có khả năng trả nợ.
Chính sách cho vay phải được quán triệt tới từng cán bộ trong toàn hệ thống, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người trong hoạt động tác nghiệp, đảm bảo đúng định hướng tín dụng đã đề ra. Đồng thời chính sách cho vay cần được thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế hoạt động của từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển.