Đới nghịch đảo kiến tạo

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CẤU TRÚC ĐỊA CHẤT, ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG DẦU KHÍ KHU VỰC LÔ C VÀ THIẾT KẾ GIẾNG KHOAN (Trang 27 - 28)

Trong khu vực nghiên cứu đới nghịch đảo Mioxen nằm ở phía Đông- Đông Bắc, chiếm khoảng 1/3 diện tích lô. Giới hạn bởi 2 đứt gãy chính là đứt gãy Sông Chảy ở Tây Nam và Sông Lôở Đông Bắc xem [hình 3.4 ]. Trước quá trình nghịch đảo khu vực nằm trong một địa hào sâu, chiều sâu móng đạt khoảng 8 km nhưng sau khi bị nghịch đảo khoảng từ Mioxen trung đến cuối Mioxen thượng hệ thống đứt gãy nghịch sinh ra,cả khu vực được nâng lên trở thành lục địa, trầm tích Mioxen vì

thế mà bị bào mòn, cắt xén rất mạnh tạo nên mặt bất chỉnh hợp phân chia hệ tầng Mioxen trung làm 2 phần. Thời gian tạm ngừng trầm tích kéo dài một vài triệu năm.

Trong đới nghịch đảo này có rất nhiều cấu trúc nhỏ, đó là các đới nâng, sụt nhỏ sinh ra trong quá trình nghịch đảo kiến tạo, các cấu trúc này giới hạn bởi các đứt gãy nghịch và nằm kề áp vào các đứt gãyđó. Đây đang là một đối tượng tìm kiếm thăm dò dầu khí hết sức quan trọng nhưng do các cấu tạo được hình thành muộn hơn pha tạo dầu chính và lại bị bào mòn cắt xén quá mạnh nên khả năng tích tụ dầu khí bị hạn chế .Vì thế đây có thể xem là rủi ro thứ nhất của các bẫy dầu khí loại này. Rủi ro thứ hai liên quan đến chất lượng chứa, vì trước đó trầm tích Mioxen đã nằm rất sâu trong địa hào cổ nên đất đá đã từng bị nén ép chặt bởi áp suất tĩnh, cho dù sau khi bị nghịch đảo, mặt cắt được nâng lên nhưng đất đá này vẫn giữ độ rỗng nguyên sinh thấp có từ trước, rồi lại chịu thêm các biến đổi thứ sinh nên độ rỗng lại càng kém. Phương hướng tìm kiếm thăm dò cho các cấu tạo loại này là chọn các cấu tạo bình ổn về mặt kiến tạo, ít bị bào mòn và có thời gian bào mòn ngắn nhất trong Mioxen.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU CẤU TRÚC ĐỊA CHẤT, ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG DẦU KHÍ KHU VỰC LÔ C VÀ THIẾT KẾ GIẾNG KHOAN (Trang 27 - 28)