7. Kết cấu luận văn
3.2.2. Trong vai trò biểu cảm
Giá trị biểu cảm của từ là khả năng diễn đạt thái độ đánh giá, tình cảm của người nói với sự việc, hay thuộc tính do từ biểu thị và cũng là khả năng khơi dậy ở người nghe thái độ đánh giá, một tình cảm tương ứng.
Theo Đỗ Hữu Châu “ tác dụng đầu tiên về ngữ nghĩa của phương thức láy do sự lặp lại, tăng thêm một số lần có biểu đạt ý nghĩa của hình vị cơ sở là tác dụng trạng thái hóa, tình trạng hóa với những sắc thái đi kèm: cảm giác hóa, hình tượng hóa và cảm thụ hóa cái mà hình vị cơ sở biểu thị” [ 10, 192] Với những đơn vị gốc thể hiện các tính chất, đặc điểm, trạng thái cụ thể dưới tác động của phương thức láy sẽ mang thêm những cảm thụ chủ quan của người nói. Khi nói “ nhỏ nhặt” hay “ nhỏ nhen” thì người nghe hoàn toàn nhận biết được thái độ của người nói đánh giá theo hướng tiêu cực. Nói cách khác, từ láy trở thành phương tiện đắc lực giúp người nói bộc lộ thái độ, cách đánh giá, tình cảm về các trạng thái, tình trạng, đối tượng đang được nói tới.
Thơ ca là lãnh địa của tư tưởng, tình cảm. Thơ là dòng chảy của cảm xúc trước cuộc sống muôn màu. “ Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng chí, tiếng nói đồng tình” ( Tố Hữu ). Tiếng nói tâm tình đầy cảm xúc đã được chuyển tải phần nào qua những từ láy được các tác giả chọn lựa:
“Cả không gian hồn hậu rất thơm tho
Gió đưa mùi hương, dìu dịu phất phơ…”
( Đi giữa đường thơm )
Thế nào là “không gian hồn hậu” ? “ Hồn hậu” là tính từ chỉ nghĩa “ hiền từ, chỉ muốn điều tốt lành cho người khác” [23, 164] đã mang thái độ đánh giá tích cực. Thơm -> thơm tho, dịu -> dìu dịu, 2 câu thơ gom chứa bao sự bình yên, dịu êm của cảnh và hồn người.
“Tôi luồn tay nhỏ hứng không gian
Với gió xa xôi lạnh lẽo ngàn”
( Mưa )
Cùng là tính chất “ lạnh” nhưng khi nhà thơ sử dụng từ láy “lạnh lẽo” thì câu thơ không đơn thuần chỉ tả mưa. “Lạnh lẽo” vừa chỉ “ lạnh do nhiệt độ thấp của thời tiết” nhưng cũng là “ cảm giác do thiếu hẳn hơi ấm của con người” “ thiếu thân mật, không có chút tình cảm trong quan hệ đối xử “ – tức đã có sự đánh giá tâm trạng cô đơn, buồn của nhân vật trữ tình dưới mưa.
Vẫn là tính chất “lạnh” nhưng khi nhà thơ sử dụng “lạnh lùng”, sắc thái biểu cảm đã đổi khác so với “lành lạnh”:
“Một mình nằm tựa đêm nghe
Lạnh lùng gió lọt vào khe cửa buồng”
( Đông – Tố Hữu)
“Lạnh lùng” đã chuyển hẳn sang biểu hiện tính chất là cảm giác lạnh do thiếu hơi ấm, làm tác động đến tâm hồn, tình cảm, “ tỏ ra thiếu hẳn tình cảm, thiếu thân mật vồn vã trong quan hệ tiếp xúc với người, việc”. Miêu tả gió nhưng dùng từ “lạnh lùng” cộng hưởng cùng cụm từ “ một mình” ở câu trên cho ta cảm nhận rất rõ cả cái lạnh của gió đông lẫn cái lạnh trống vắng của người tù trẻ tuổi.
Trong buổi chia tay giữa cách mạng và Việt Bắc, lời người ở lại dặn dò da diết:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”
Một câu thơ ngắn tám chữ mà đã nói được bao điều. Tâm trạng lưu luyến, níu kéo không nỡ rời xa mảnh đất đã thành một phần tâm hồn mình được gửi cả trong ba từ láy : tha thiết, bâng khuâng, bồn chồn. Cảnh rừng Việt Bắc hiện lên với hình ảnh “ hắt hiu lau xám” hoang sơ, bình dị và nghèo nhưng trái ngược lại, tình cảm của đất và người nơi đây dành cho cách mạng lại sâu sắc, bền vững. Tất cả nhờ 2 từ láy “ hắt hiu”, “ đậm đà” giàu sức biểu cảm:
“ Người đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son”
Nhìn chung, từ láy có sức biểu cảm lớn. Mỗi từ láy luôn thường trực trong nội hàm ngữ nghĩa của mình nội dung cảm xúc. Đó là thái độ nhìn nhận, cách đánh giá của người nói với đối tượng được nói đến (tích cực hay tiêu cực, đồng tình hay phản đối). Mức độ biểu cảm ở từng từ khác nhau song biểu cảm là nội dung khá đặc thù của từ láy, có khả năng gieo vào lòng người đọc những cung bậc cảm xúc mới lạ.
Sau nhiều cách xa, naytrở lại thăm quê mẹ nuôi xưa, bao xao động diễn ra trong lòng nhà thơ:
“Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa Một buổi trưa nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát”
( Quê mẹ)
Cảnh gợi tình hay tình ùa ra thấm vào cảnh? Âm điệu câu thơ nhịp nhàng, 3 từ láy sử dụng liên tiếp tạo ra tiếng gọi cảm xúc da diết. Những từ láy phụ âm đầu như “xôn xao”. “đu đưa”. “ngân nga” đã cộng hưởng thành một hòa âm xao động mà êm ái du dương.
Cũng từ láy “ xôn xao” ấy, Nguyễn Đình Thi giúp người đọc cảm nhận được nỗi vui sướng và bất ngờ, hạnh phúc và tin tưởng vào tương lai vẫn nảy nở giữa chiến tranh khốc liệt:
“ Ô lạ khắp mặt đồi đen trụi
Hoa nghệ xôn xao nở tím hồng”
Khi miêu tả đất nước tươi đẹp, Tố Hữu dùng từ láy để tạo những nốt nhạc luyến láy đặc biệt:
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát
Chuyến phà dào dạt, bến nước Bình ca…
“ Ngào ngạt”, “dào dạt” đều là những tính từ ở mức độ cao, âm chính là nguyên âm /a/ là âm bổng, độ mở lớn đem lại cảm giác vui tươi, hứng khởi. 2 từ láy này lại đứng vào vị trí tạo vần: ngào ngạt – tiếng hát – dào dạt – giống như dòng chảy bất tận, mãnh liệt của niềm vui.
Miêu tả tiếng hát của cô gái trong “ Ba thơ Hắc Hải”, Nguyễn Đình Thi cũng sử dụng nhiều từ láy gợi cảm giác:
“Tiếng hát ngọt ngào như suối chảy
Dịu dàng như lời mẹ dỗ con
Bâng khuâng thương nhớ buồn tê tái
Như mắt người chinh phụ héo hon”
“ Ngọt ngào” tức “ ngọt, gây cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu” [23, 331]. “ Dịu dàng” tức “ nhẹ nhàng và mềm mại trong cách nói năng, cư xử, gây cảm giác êm ái, dễ chịu khi tiếp xúc” [ 23, 105]
“ Bâng khuâng” – “ở trạng thái có nhiều cảm giác khác nhau pha trộn luyến tiếc, nhớ thương, lo lắng mà đến tự mình cũng không phân định rõ ràng”[ 23, 31]
Không phải là âm thanh cao, thấp, nhịp điệu nhanh, chậm mà là một tiếng hát đa thanh đa âm, có sức truyền cảm mạnh mẽ, đủ sức lay động tận phần sâu kín nhất trong tâm hồn người, thôi thúc họ hành động.
Những từ láy có khả năng biểu hiện cảm xúc cao như: bâng khuâng, bồi hồi, bồn chồn, tha thiết,ngẩn ngơ,…được các tác giả sử dụng với tần suất cao. Chính việc sử dụng đậm đặc những từ láy này đã dẫn tới khả năng khu biệt mảng đề tài thuần trữ tình hay thuần tự sự.