Mối quan hệ biện chứng giữa văn hoá và văn học

Một phần của tài liệu văn hoá và con người miền núi qua tập truyện tiếng đàn môi sau bờ rào đá của đỗ bích thúy (Trang 35 - 39)

Khái niệm “văn hóa” là một khái niệm rất quan trọng, có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa. Từ điển bách khoa Xô Viết định nghĩa: “Văn hóa là một tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần được con người sáng tạo ra và phát triển theo lịch sử, khác với các đối tượng của tự nhiên” [13].

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa” [6]. Trong Hội nghị quốc tế do UNESCO chủ trì từ 26-7 đến 6-8-1982 tại Mêhicô “Tuyên bố về những chính sách văn hóa” đã đưa ra định nghĩa chính thức về văn hóa: “Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và những tín ngưỡng” [19]. Từ những định nghĩa khác nhau về văn hóa ta có thể nhận thấy sự gắn kết đầy biện chứng giữa văn hóa và văn học. Văn học là một thành tố của văn hóa, “sáng tác văn học trước hết là một hành động văn hóa. Tác phẩm văn học, sự kiện văn học là một loại chứng tích văn hóa” [18]. Văn học tiếp nhận các giá trị của nền văn hóa bao chứa nó và do đó được tiếp sức bởi toàn bộ các giá trị phong phú của một nền văn hóa. Khi văn học thoát ly khỏi cái cội rễ của nó là văn hóa, văn học sẽ trở nên chông chênh, thiếu sức sống.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Văn học là một hình thái ý thức xã hội, nhà văn thông qua việc sáng tạo tác phẩm để gửi gắm những tư tưởng, suy ngẫm về các vấn đề trong hiện thực đời sống. Trong khi đó, văn hóa tiềm ẩn rất sâu xa và dưới muôn dạng thức khác nhau của đời sống ấy và nhiệm vụ của văn học là biểu đạt được những giá trị văn hóa đó một cách tinh tế và phong phú nhất. Văn học nằm trong văn hóa và chịu sự quy định, chi phối của toàn bộ nền văn hóa của một dân tộc và do đó, luôn mang tính lịch sử, tính thời đại nhất định. Chính vì lẽ đó mà khi xem xét bất cứ nền văn học nào, giai đoạn văn học nào, trào lưu văn học nào cũng cần phải xem xét trong mối liên hệ với bối cảnh văn hóa. Về vấn đề này, nhà nghiên cứu người Nga Bakhtin trong bài Một số vấn đề

cần lưu ý khi nghiên cứu văn học quá khứ đã viết: “Trước hết, khoa nghiên

cứu văn học phải gắn bó chặt chẽ với lịch sử văn hóa. Văn học là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời đại trong đó nó tồn tại. Không được tách nó khỏi các bộ phận khác của văn hóa, cũng như không được, như người ta vẫn làm, là trực tiếp gắn bó các nhân tố xã hội, kinh tế, vượt qua đầu văn hóa, những nhân tố xã hội kinh tế tác động tới toàn bộ văn hóa nói chung và chỉ thông qua văn hóa, cùng với văn hóa, mới tác động được tới văn học” [1] Mối dây liên hệ giữa văn hóa và văn học không phải lúc nào cũng tường tận nhưng ở tận cùng gốc rễ, chúng có ràng buộc hết sức bền vững và văn học luôn mang trong mình sứ mệnh biểu đạt tinh tế nhất mọi khía cạnh nảy sinh trong đời sống con người. Trong Luận văn tạp thuyết, Vũ Duy Thanh viết: “Có người hỏi cái kỳ diệu của văn là ở chỗ nào? Tôi trả lời: Khó nói quá. Muốn hiểu cái kỳ diệu phải tìm nơi tâm ta, tìm nơi tâm ta phải chất chính nơi thánh hiền, chất chính nơi thánh hiền phải truy cứu tới cùng nơi trời đất, truy cứu tới cùng nơi trời đất phải đi sâu nơi sự vật” [11]. Tuy không định danh rõ là văn hóa theo như cách gọi hiện đại, nhưng học giả

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

thời trung đại Vũ Duy Thanh đã chỉ ra chính giá trị cốt lõi nhất của văn chương, đó là văn chương phải bắt nguồn từ chính chủ thể sáng tạo hay cũng chính là con người, văn chương phải bắt nguồn từ trời đất, vạn vật và chỉ khi con người am hiểu chính môi trường văn hóa đang sinh tồn thì văn chương mới đạt đến độ diệu kỳ là vậy. Hay như trong Thư gửi Ngô Huy Phan, học giả Nguyễn Văn Siêu đã có một tuyên ngôn về văn chương còn được truyền tụng mãi tới ngày nay: (Văn chương) “Có loại đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người” [11]. Trở lại với ý chúng tôi đã nêu ở trên khi cho rằng, văn hóa chỉ ra đời khi có sự xuất hiện của con người, chuyện văn chương trước hết và sau chót cũng chỉ là chuyện người, chuyện đời được soi chiếu, biểu đạt trong những kiểu, những loại hình văn hóa khác nhau mà thôi.

Trong giai đoạn hiện nay, khi kinh tế đất nước ngày càng phát triển, nước ta đã bước vào thời kỳ hội nhập với thế giới thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được đặt ra như một nhiệm vụ sống còn của toàn dân tộc. Từ thực tiễn đó, văn học có vai trò hết sức quan trọng trong sứ mệnh là nền tảng của văn hóa- được coi là động lực trực tiếp cho quá trình phát triển xã hội. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, 1993 đã khẳng định tầm quan trọng của văn hóa và văn học nghệ thuật: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”; “Văn học nghệ thuật là một bộ phận trọng yếu của nền văn hóa dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân về chân – thiện – mỹ”. Văn hóa cô đọng trong muôn mặt khác nhau của hiện thực cuộc sống, có những giá trị văn hóa vật thể và những giá trị văn hóa phi vật thể và mỗi loại hình nghệ thuật lại có cách biểu đạt văn hóa theo lối riêng của mình. Nếu âm nhạc thể hiện những giá trị văn hóa thông qua tiết tấu, giai điệu, làn điệu; kiến trúc biểu đạt văn

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

hóa qua những phong cách, bài trí, bố cục thì văn học lại có cách thể hiện văn hóa theo phương pháp riêng của mình thông qua ngôn ngữ, hình tượng, cấu trúc. Chính trong những tìm tòi về khả năng biểu đạt, khai thác giá trị văn hóa thì quá trình tác động trở lại của văn học tới văn hóa diễn ra.

Đầu tiên, văn học phản ánh văn hóa nhưng không phải phản ánh toàn bộ mà là phản ánh có chọn lọc. Văn học luôn tìm kiếm những giá trị nhân văn, những giá trị tốt đẹp của con người và phê phán những điều tiêu cực, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa chung của dân tộc. Văn học đã chủ động lựa chọn các giá trị văn hóa, do đó làm giàu thêm văn hóa, bồi đắp thêm vào văn hóa những giá trị mới thông qua việc: làm rõ vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, nhấn mạnh và làm sâu đậm thêm những nét văn hóa tốt đẹp đó, làm mới thêm những nét văn hóa dân tộc dựa trên chính những nét mới mẻ của chất liệu hiện thực và sự mới mẻ trong cách nhìn, cách tiếp cận, chiêm ngưỡng hiện thực. Không chỉ chọn lọc và bảo lưu, phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp, văn học còn góp phần sản sinh ra các giá trị văn hóa mới, các giá trị tinh thần mới, đôi khi còn vượt khỏi những hạn chế về mặt thời đại. Những tác phẩm văn học đích thực có sức lay động lòng người mạnh mẽ, nâng cao vốn văn hóa cho con người, làm thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan, hướng con người tới những giá trị tinh thần tốt đẹp hơn, cao thượng hơn. Nhờ những tác phẩm của phong trào Thơ Mới mà con người đã biết tôn trọng và đề cao những cảm xúc của cái “tôi” cá nhân, điều mà trước đó vốn bị gạt đi hoặc xem nhẹ: Nhờ có những tác phẩm văn học nước ngoài ở những trào lưu văn học khác nhau được dịch và giới thiệu ở Việt Nam, chúng ta có được một cánh cửa nhìn ra thế giới với rất nhiều góc độ văn hóa khác nhau như vấn đề lý tưởng, quan niệm, lối sống, v..v.Từ đó, bao thế hệ người Việt đã dần tích lũy được những điều vốn trước đây còn xa lạ nay trở nên hiện hữu trong cuộc sống, trong tư duy như sự thay đổi trong quan niệm về vị thế

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

và vai trò của người phụ nữ, sự tự do trong tình yêu, hôn nhân.v.v. Như với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã góp vào kho tàng văn học dân tộc với rất nhiều hình tượng để đời. Hay như trong tác phẩm của Nam Cao, hình ảnh nhân vật Chí Phèo – Thị Nở đã trở thành trầm tích văn hóa Việt trong việc nhìn nhận giá trị con người. Như vậy, rất nhiều hình tượng văn học đã đi vào cuộc sống và trở thành giá trị văn hóa thân thuộc với nhân dân; đó hẳn nhiên là thành công của người nghệ sỹ nhưng mặt khác, nó cũng biểu hiện quan hệ tác động độc lập của văn học tới văn hóa.

Một phần của tài liệu văn hoá và con người miền núi qua tập truyện tiếng đàn môi sau bờ rào đá của đỗ bích thúy (Trang 35 - 39)