TỔNG QUAN VỀ NGUỒN ĐIỆN PHÂN TÁN
3.4.5. Thay đổi vùng tác động của rơle bảo vệ
Nếu DG được kết nối ở giữa máy cắt và điểm sự cố thì sẽ làm thu hẹp vùng tác động của rơle, làm tăng thời gian tác động loại trừ sự cố. Xét trong trường hợp trên hình 3.5 khi có DG3 và sự cố xảy ra tại điểm N2, khi đó dòng điện qua bảo vẹ rơle sẽ nhỏ hơn khi chưa có DG3, làm co vùng tác động của bảo vệ. Điều đó làm tăng nguy cơ sự cố tổng trở cao không được phát hiện và do đó, bảo vệ dự phòng sẽ tác động để loại trừ sự cố.
Một vấn đề khác nữa cũng cần phải quan tâm khi kết nối DG vào lưới, ảnh hưởng tới bảo vệ trên lưới là bảo vệ chống vận hành cô lập (Anti-islanding protection). Trong khi cô lập, một phần của lưới vẫn được cấp điện từ nguồn DG mà không kết nối với lưới điện chính. Bên cạnh các vấn đề liên quan về chất lượng điện năng, vấn đề an toàn của lưới điện yêu cầu việc ngắt kết nối DG cần phải nhanh và tin cậy. Do đó, tình trạng vận hành cô lập không mong muốn phải luôn được phát hiện bởi DG. Bảo vệ cô lập được xem là gặp vấn đề trong trường hợp các máy phát đồng bộ công suất lớn. Trong trường hợp phụ tải của phần lưới bị cô lập phù hợp với công suất phát tạm thời của DG thì tình trạng vận hành cô lập có thể không bị phát hiện. Thông thường, tình trạng cô lập được cho là có thể phát hiện được bằng các rơle điện áp và tần số đặt ở đầu cực khối DG. Các phương pháp dựa trên chẳng hạn như ROCOF (mức độ thay đổi tần số) hoặc véctơ xung được phát triển để đảm bảo việc phát hiện tình trạng cô lập là tin cậy. Các phương pháp này tin cậy hơn các phương pháp rơle tần số và điện áp phẳng, nhưng chúng vẫn còn tồn tại vùng không phát hiện.