Để áp dụng được phương pháp chấm điểm tín dụng và xếp hạng doanh nghiệp ngân hàng cần phải xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng: các bước của quy trình chấm điểm tín dụng, hệ thống các chỉ tiêu dùng để chấm điểm và cách cho điểm các chỉ tiêu đó đều phải phù hợp với thực tiễn và những quy định do Nhà Nước ban hành. Một hệ thống cơ chế chính sách thông suốt, đồng bộ sẽ giúp thực hiện công tác chấm điểm tín dụng được áp dụng rỗng rãi và đồng bộ.
Quy định pháp luật về doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp:
- Mỗi loại hình doanh nghiệp có một đặc điểm riêng khác nhau. Chính vì vậy, các tiêu chuẩn xếp hạng tín dụng cũng có sự khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp này. Nhìn chung, các quy định về doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng được quy định cụ thể, rõ ràng theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp việc phân loại doanh nghiệp theo từng loại hình trở nên dễ dàng hơn.
- Quy định về phân ngành kinh tế và phân loại ngành nghề đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Phân ngành kinh tế và phân loại ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp là cơ sở cho việc xác định quy mô doanh nghiệp và điều kiện phân tích, so sánh các chỉ tiêu tài chính giữa các doanh nghiệp với nhau.
Tại Việt Nam hiện nay, theo quyết định số 75/CP ngày 27/10/1993 của Chính phủ, ngành nghề kinh tế của Việt Nam được phân thành 20 ngành kinh tế cấp I. Căn cứ vào các ngành kinh tế cấp 1, Tổng cục Thống kê có Quyết định số 143 TCKT/PPCĐ ngày 22/12/1993 quy định phân ngành chi tiết từ cấp I đến IV. Còn theo thông tư liên tịch Bộ Lao động. Thương binh xã hội và Bộ tài chinh số 17/1998/TTLT – BLĐTBXH – BTC ngày 31/12/1998 thì các ngành kinh tế của Việt Nam được chia thành 50 ngành kinh doanh để phân tích xếp hạng doanh nghiệp. Các quy định về phân ngành kinh tế và phân loại ngành nghề của doanh nghiệp như trên là cơ sở để mỗi ngân hàng phân chia nhóm ngành nghề doanh nghiệp phù hợp với
tình hình thực tế trong quá trình triển khai công tác xếp hạng tín dụng.
- Các quy định và hướng dẫn trực tiếp của nhà nước liên quan đến xếp hạng tín dụng.
Các quy định và hướng dẫn này vừa là đòi hỏi bắt buộc của nhà nước đối với việc sử dụng xếp hạng tín dụng như một công cụ quản lý rủi ro tại các ngân hàng thương mại, vừa mang nội dung hỗ trợ về kỹ thuật đối với phân tích xếp hạng doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại. Quyết định 493/2005/QĐ – NHNN ngày 22/04/2005 của Ngân hàng nhà nước có quy định trong vòng 03 năm kể từ khi quyết định có hiệu lực thì tổ chức tín dụng phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để hỗ trợ cho việc phân loại nợ, quản lý chất lượng tín dụng phù hợp với phạm vi hoạt động, tình hình thực tế của tổ chức tín dụng. Ngày 21/06/2006, Ngân hàng nhà nước mới có quyết định số 1253/QĐ – NHNN thay Quyết định 473/QĐ – NHNN ngày 28/04/2004 – phê duyệt đề án phân tích, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp. Theo đó, Ngân hàng nhà nước cho phép Trung tâm Thông tin tín dụng thực hiện chính thức nghiệp vụ phân tích, xếp hạng tín dụng doanh nghiệp nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý rủi ro tín dụng trong hệ thống ngân hàng và đánh giá năng lực của các doanh nghiệp.