II Kinh phí đầu tư xây dựng 106đ 1.136
4.2.2. Xây dựng mô hình quản lý lưu vực sông
Sông Bưởi là phụ lưu cấp I của sông Mã. Từ trước tới nay hệ thống sông Mã chưa có một tổ chức quản lý lưu vực sông riêng như những hệ thống sông Hồng, sông Đồng Nai,...v.v.
Quản lý tài nguyên nước gồm khai thác và bảo vệ như đã quy định trong Luật tài nguyên nước được thực hiện trong phạm vi lưu vực sông. Tuy vậy, lưu vực sông Bưởi có diện tích nằm trên hai tỉnh. Hiện nay, quản lý tài nguyên nước được thực hiện trong phạm vi địa giới hành chính mỗi tỉnh. Mỗi tỉnh có một quy hoạch thuỷ lợi riêng được lập theo các giai đoạn kế hoạch 5 năm, 10 năm,…v.v. Do vậy kế hoạch phát triển của lưu vực sông Bưởi chỉ là một phần giữa các lưu vực sông khác trong một tỉnh và phục vụ mục đích phát triển kinh tế của mỗi tỉnh. Điều này sẽ dẫn đến việc khai thác nguồn nước trong lưu vực sông Bưởi có những khác nhau thậm chí có thể dẫn đến xung đột nếu như thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa hai tỉnh về bảo vệ, duy trì nguồn sinh thuỷ và kế hoạch sử dụng, cân đối hợp lý giữa lượng có và cần về nguồn nước theo thời gian.
Để giải quyết những mâu thuẫn có thể nảy sinh, trong tương lai cần thành lập Hội đồng quản lý lưu vực sông Mã với các chức năng, nhiệm vụ sau:
- Xây dựng chiến lược, chính sách trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Mã;
- Lập quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông và các quy hoạch chuyên ngành;
- Đánh giá và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch đối với các ngành sử dụng nước trên toàn lưu vực;
- Giám sát các dự án điều tra cơ bản, các dự án bảo vệ, khai thác sử dụng và phòng chống các tác hại do nước gây ra;
- Tham gia vào quá trình quản lý vận hành các công trình lớn, phục vụ nhiều mục tiêu cho nhiều ngành trong lưu vực và ra ngoài lưu vực (nếu có);
- Giải quyết các tranh chấp về nguồn nước trong lưu vực.