Quan hệ sản xuất

Một phần của tài liệu BÁO cáo KHÍA CẠNH của CÔNG NGHIỆP hóa HIỆN đại hóa HIỆN NAY (Trang 25 - 29)

7. Kết cấu của luận văn

1.1.2. Quan hệ sản xuất

Đối với chủ nghĩa duy vật lịch sử, thì “quan hệ sản xuất” là một trong những khái niệm cơ bản, góp phần phản ánh cấu trúc và lôgíc vận động của các hình thái kinh tế - xã hội. Quan hệ sản xuất là quan hệ tất yếu khách quan giữa con người với con người trong quá trình sản xuất của cải vật chất. C.Mác đã sử dụng khái niệm quan hệ sản xuất để biểu thị mặt thứ hai của “quan hệ song trùng” với tư cách là hình thái xã hội của sản xuất. Quan hệ sản xuất được xem là yếu tố nội tại của sản xuất, bao trùm và xuyên suốt toàn bộ quá trình tái sản xuất và toàn bộ nền sản xuất xã hội.

Trong quá trình sản xuất, con người dù muốn hay không cũng buộc phải duy trì và thực hiện những quan hệ kinh tế mang tính tất yếu, khách quan. Việc thiết lập các mối quan hệ trong sản xuất tự nó đã là vấn đề mang tính qui luật. Trong tác phẩm Lao động làm thuê và tư bản viết năm 1849, C.Mác nhấn mạnh: “Trong sản xuất, người ta không chỉ quan hệ với giới tự nhiên. Người ta không thể sản xuất nếu không kết hợp với nhau theo một cách nào đó để hoạt động chung và để trao đổi hoạt động với nhau. Muốn sản xuất được, người ta phải có những mối liên hệ và quan hệ nhất định với nhau; và quan hệ của họ với giới tự nhiên, tức là việc sản xuất, chỉ diễn ra trong khuôn khổ những mối liên hệ và quan hệ xã hội đó” [31, tr.552]. Nói khác đi, các quan hệ mà C.Mác đề cập đến đó là quan hệ sản xuất, mà lúc đầu còn được gọi với một tên khác là “các hình thức giao tiếp”.

Quan hệ sản xuất bao gồm ba mặt cơ bản hợp thành là: quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất; quan hệ trong tổ chức và quản lý sản xuất, quan hệ trong phân phối sản phẩm lao động. Ba mặt quan hệ đó trong quá trình sản xuất xã hội luôn gắn bó khăng khít với nhau, tạo thành một hệ thống mang tính ổn định tương đối so với sự

vận động và phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất. Trong một phương thức sản xuất, mỗi mặt quan hệ của hệ thống quan hệ sản xuất có vai trò, ý nghĩa riêng biệt và xác định khi nó tác động tới nền sản xuất xã hội nói riêng và toàn bộ tiến trình lịch sử nói chung. Khía cạnh triết học của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi cần xác định rõ ràng vị trí, vai trò của ba mặt hợp thành quan hệ sản xuất, để có chính sách ưu tiên trong xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tính chất của quan hệ sản xuất được thể hiện thông các quan hệ cơ bản của nó. Trước hết, tính chất đó được quy định bởi quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất - biểu hiện thành chế độ sở hữu - đặc trưng cơ bản của phương thức sản xuất. Trong hệ thống các quan hệ sản xuất, quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất giữ vị trí là quan hệ xuất phát, cơ bản, trung tâm và luôn luôn có vai trò quyết định đối với tất cả các quan hệ xã hội khác. Chính quan hệ sở hữu - quan hệ giữa tập đoàn người này với tập đoàn người khác trong việc chiếm hữu các tư liệu sản xuất đã quy định địa vị của từng tập đoàn trong hệ thống sản xuất xã hội. Với địa vị của mình trong hệ thống sản xuất của xã hội, các tập đoàn người lại quy định cách thức trao đổi hoạt động với nhau và cách thức tổ chức quản lý quá trình sản xuất. Cũng chính quan hệ sở hữu là cái quyết định cách thức phân phối sản phẩm cho các tập đoàn người theo địa vị của họ trong hệ thống sản xuất xã hội. Tóm lại, quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất quyết định mục đích của sản xuất và toàn bộ cơ chế điều tiết của nền sản xuất xã hội, quy định quy mô và phương thức thực hiện lợi ích kinh tế trong quá trình sản xuất, quyết định lợi ích vật chất của các thành viên trong xã hội.

Do đó, muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, đòi hỏi Thừa Thiên Huế nhận thức đúng đắn khía cạnh triết học của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ở đây đó là vai trò quyết định của quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất đối với quá trình sản xuất xã hội, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quyền sở hữu, tổ chức và hưởng thụ của các tổ chức và cá nhân trong xã hội.

Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã được chứng kiến sự tồn tại hai loại sở hữu cơ bản đối với tư liệu sản xuất đó là: sở hữu tư nhân và sở hữu công cộng. Trong đó sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất là loại hình sở hữu mà tư liệu sản xuất thuộc về mọi thành viên của cộng đồng. Theo đó, tất cả các thành viên của

cộng đồng đều bình đẳng với nhau trong tổ chức quản lý lao động cũng như trong phân phối sản phẩm. Và do tư liệu sản xuất là tài sản chung cho nên các quan hệ xã hội trong sản xuất vật chất và trong đời sống xã hội nói chung, trở thành quan hệ hợp tác, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.

Đối lập với sở hữu cộng đồng, là sở hữu tư nhân - loại sở hữu mà tư liệu sản xuất nằm trong tay của một số ít người nên của cải xã hội lúc này không thuộc về số đông mà thuộc về số ít người đó. Số ít người đó có “quyền tự do chi phối sức lao động của người khác” [28, tr.86] và chiếm lấy hầu hết của cải xã hội. Các quan hệ xã hội, do vậy, trở thành bất bình đẳng, quan hệ thống trị và bị trị. Chế độ sở hữu tư nhân đã từng tồn tại trong các xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến và chủ nghĩa tư bản. Trong đó, chế độ sở hữu tư nhân tư bản là đỉnh cao của loại sở hữu này. Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, về sở hữu sẽ phát triển theo hướng tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau, nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Theo đó, sự tồn tại của sở hữu tư nhân là một tất yếu khách quan. Tương ứng với sở hữu tư nhân là thành phần kinh tế tư nhân. Đảng ta xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế” [15, tr.74].

Chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần thật sự khơi dậy tiềm năng của các thành phần kinh tế. Tính tích cực chủ động sáng tạo của của nhân dân được phát huy, sản xuất, kinh doanh phát triển và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Trong quan hệ sản xuất, quan hệ về mặt tổ chức, quản lý sản xuất nói lên địa vị và vai trò của các tập đoàn khác nhau, nói lên sự trao đổi giữa các tập đoàn xã hội với nhau. Tuy phụ thuộc vào quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, nhưng trong thực tế quan hệ trong tổ chức, quản lý sản xuất cũng có vai trò rất quan trọng, nó có khả năng thúc đẩy hoặc kìm hãm các quá trình sản xuất, bằng cách nắm bắt các nhân tố xác định của một nền sản xuất, điều khiển và tổ chức cách thức vận động của các nhân tố đó. Việc thực hiện tốt và sử dụng hợp lý các quan hệ tổ chức và quản lý sản xuất sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi giúp cho toàn bộ hệ thống quan hệ sản xuất vươn tới tối ưu. Và trong trường hợp ngược lại, các quan hệ tổ chức,

quản lý cũng có thể làm biến dạng quan hệ sở hữu, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thừa Thiên Huế cần phải tiếp tục hoàn thiện quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất theo hướng hiện đại và tiến bộ, sử dụng cơ chế thị trường, tích cực ứng dụng những thành tựu của khoa học quản lý hiện đại vào việc tổ chức, quản lý và điều hành sản xuất ở tầm vĩ mô để kích thích, giải phóng sức sản xuất, huy động tối đa mọi nguồn lực tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nên những bước đột phá cho Thừa Thiên Huế. Đây chính là khía cạnh triết học của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay.

Nói đến quan hệ sản xuất, chúng ta không thể không nói đến quan hệ về phân phối sản phẩm lao động, đó là cách thức phân phối kết quả sản xuất cho những quan hệ với quá trình đó, điều đó phụ thuộc vào quan hệ của họ đối với tư liệu sản xuất. Đây là một nhân tố có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự vận động và phát triển của toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Quan hệ này có khả năng kích thích trực tiếp vào lợi ích của người lao động, trước hết là lợi ích kinh tế, xét đến cùng đó là nguyên nhân sâu xa thôi thúc người ta hành động. Vì thế, nó đóng vai trò là “là chất xúc tác”, là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Mặc dù, quan hệ phân phối chịu sự quy định của quan hệ sở hữu và bản thân nó lại phụ thuộc vào quan hệ tổ chức, quản lý, song không vì thế mà mất đi vai trò của nó. Quan hệ phân phối góp phần thúc đẩy tốc độ và nhịp điệu của sự sản xuất, làm cho toàn bộ đời sống kinh tế -xã hội trở nên năng động hơn, nhưng ngược lại, nó cũng có khả năng kìm hãm sản xuất, kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Giải quyết tốt quan hệ phân phối cũng chính là làm rõ khía cạnh triết học của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thừa Thiên Huế trong điều kiện hiện nay. Theo đó, để thích ứng với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, thì đa dạng hóa các hình thức phân phối xem như là một sự cần thiết. Thực tế cho thấy, chúng ta đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức phân phối, từ chỗ phân phối theo cơ chế bao cấp sang cơ chế phân phối theo sản phẩm lao động kết hợp với các hình thức phân phối khác (phân phối lại) và thực hiện trao đổi mua bán sản phẩm dựa trên quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh và quy luật cung cầu. “Thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực

khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội” [15, tr.74].

Như vậy, quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức, quản lý và quan hệ phân phối có mối quan hệ khăng khít, gắn bó hữu cơ với nhau tạo thành một hệ thống tương đối ổn định. Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi, Thừa Thiên Huế cần nhận thức đúng đắn mối quan hệ của ba mặt hợp thành quan hệ sản xuất, chính là làm rõ khía cạnh triết học của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở phương diện quan hệ sản xuất.

Một phần của tài liệu BÁO cáo KHÍA CẠNH của CÔNG NGHIỆP hóa HIỆN đại hóa HIỆN NAY (Trang 25 - 29)