6. Cấu trúc của luận án
3.2.3. Thời gian thử thách và hi vọng
Phản ánh hiện thực đời sống trong những năm tháng chiến tranh với nhiều khó khăn gian khổ, thời gian trong tiểu thuyết của Suvănthon không chỉ đơn thuần là thời gian sự kiện, thời gian với ý nghĩa đối sánh quy kết, mà còn là thời gian thử thách lòng người.
Trước hết, thời gian có ý nghĩa thử thách lòng dũng cảm, tài mưu trí của người chiến sĩ, đó là kiểu thời gian có nhiều tai ương, nguy hiểm, gây sức ép mạnh, buộc nhân vật phải hành động. Thời gian chính quyền phái hữu bày binh bố trận bao vây, đe dọa hòng ép anh em Tiểu đoàn Hai ở Cánh đồng Chum phải chấp thuận yêu cầu gắn quân hàm, là khoảng thời gian thử thách không chỉ đối với mỗi người lính Tiểu đoàn Hai mà với toàn thể Trung ương, Mặt trận Lào. Để có thời gian chuẩn bị cho cuộc rút quân bí mật trong đêm, anh em Tiểu đoàn Hai đã tìm mọi cách trì hoãn kế hoạch tấn công của kẻ thù, những sự kiện liên tiếp như: anh em Tiểu đoàn Hai đi lấy gạo bị sa lầy, Tiểu đoàn Hai họp bàn kế hoạch rút quân, cuộc gặp gỡ giữa đại diện Tiểu đoàn Hai và lực lượng phái hữu về việc gắn quân hàm, anh em Tiểu đoàn Hai bất bình khi nghe loa đài của phái hữu đọc danh sách những người đồng ý gắn quân
hàm ... thể hiện cách xử trí thông minh, khéo léo, và tài tình của chiến sĩ bộ đội Pathet Lào.
Trong tiểu thuyết của Suvănthon, các nhân vật chính, nhân vật trung tâm luôn phải đối mặt với nhiều thử thách, phải trải qua những giây phút căng thẳng: Cuộc chiến ở Xala Cốctan với sự tấn công liên tiếp những xe tăng, đại bác, súng cối và pháo lớn từ phía kẻ thù khiến “mạch máu ở hai bên thái dương Khăm Mặn căng lên giật giật” [178, tr.188]. Trong cuộc chiến giáp lá cà với quân địch của chị em bộ đội du kích tại khu rừng thông sau núi Phu Kêng, Vông Phăn bỗng thấy tim mình đập mạnh, “thần kinh căng thẳng” khi biết rằng lực lượng quân địch đông gấp nhiều lần [173, tr.60]. Thời gian thử thách không chỉ diễn ra nơi chiến trường ác liệt mà trong một số tác phẩm, thời gian tù đày, thời gian các nhân vật phải chiến đấu với sự đê tiện của lực lượng phái hữu cũng chính là thời gian thử thách đối với nhân vật. Nhân vật Sổm Phon trong Tiểu đoàn Hai, nhân vật Bun Mi, nhân vật Vông Phăn trong
Hai chị em, nhân vật Nác trong Hai bên bờ sông … đều trải qua những giây phút bị kẻ thù tra tấn dã man, đối mặt với không gian đen tối, chết chóc của nhà tù, trong đó, nhiều nhân vật nữ còn trải qua những cuộc chiến đấu bảo vệ bản thân. “Lúc này, thần kinh cô căng thẳng vô cùng. Nhìn ra cửa, thấy đóng chặt cả, không chạy ra được. Phải chiến đấu, nhưng chiến đấu bằng cách nào đây? … Cô vắt óc nghĩ cách để thoát khỏi” [175, tr.25]. Tuy vậy, thời gian trong tiểu thuyết của Suvănthon luôn mở rộng để đón các nhân vật vượt qua thử thách, trở về với bến bờ ước mơ. Các nhân vật, sau những giây phút chiến đấu đầy cam go, quyết liệt, cuối cùng cũng vượt qua một cách vẻ vang. “Đại đội trưởng Khăm Mặn cùng với các chiến sĩ đại đội Một đã đánh tan hoàn toàn đội hình đại đội lính đánh thuê Đông Bắc Thái Lan” [178, tr.192].
Cuộc chiến tranh giành độc lập vô cùng gian khổ và lâu dài là một thử thách lớn của lòng người. Thời gian, do đó trở thành thước đo tình yêu và lòng chung thủy của các đôi trai gái yêu nhau, thời gian càng lâu, phẩm chất
nhân vật càng ngời sáng bởi “hình tượng thời gian giống như một vị thần mang chức năng thử thách các phẩm chất của con người”. Trong tiểu thuyết của Suvănthon, thời gian thử thách đối với tình yêu không nghiệt ngã như nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh ở Việt Nam, cũng không có những giây phút chia tay và gặp gỡ trong nỗi day dứt suốt đời như trong tiểu thuyết Tình yêu của nhà văn Lào Khămliêng Phônsêna. Thời gian thử thách trong tiểu thuyết Suvănthon được biểu hiện qua những tình tiết, biến cố khiến hai người không thể gặp nhau hoặc hiểu lầm nhau, tình yêu giữa họ diễn biến âm thầm trong suy nghĩ của mỗi người về nhau, nhưng cuối cùng họ cũng được gặp nhau, hiểu nhau và đến với nhau. Thời gian thử thách có phần nhẹ nhàng, đơn giản nhưng nó hoàn toàn phù hợp với bản chất và lối sống của nhân dân các bộ tộc Lào, những con người sống bình dị, chân thành, không quen với lối sống phức tạp hay sự toan tính, hai lòng. Do đó, thời gian thử thách trong tiểu thuyết của Suvănthon không chỉ là sợi dây liên kết chuỗi sự kiện mà còn có vai trò khắc họa chân dung nhân vật.
3.3. Tiểu kết
Trong tiểu thuyết của Suvănthon, từng hành động, lời nói, ỹ nghĩ của nhân vật anh hùng trong quan hệ ứng xử với các nhân vật khác, hoặc trong các tình huống, biến cố lịch sử đều tạo thành những phân đoạn của thời gian, không gian nghệ thuật trong tổng thể thời gian, không gian rộng lớn vượt biên giới quốc gia.
Không gian trong tiểu thuyết của Suvănthon trải ra nhiều chiều trong mối quan hệ hữu cơ, ảnh hưởng qua lại với các nhân vật. Trong không gian nhiều chiều ấy, nhà văn không chỉ tái hiện cuộc sống chiến đấu và lao động sản xuất khẩn trương với nhiều khó khăn thách thức mà còn phản ánh được đời sống tâm tư, những biến động phức tạp trong xã hội Lào từ sau những năm năm mươi.
Với ba loại hình không gian: không gian công cộng, không gian chiến trường và không gian thiên nhiên, nhà văn đã tạo ra những đường nét khác nhau để tạo nên hình tượng người anh hùng – chiến sĩ mang vẻ đẹp toàn diện trong các tác phẩm.
Cũng như không gian, thời gian trong tiểu thuyết của Suvănthon luôn được mở rộng đến tối đa. Thời gian không chỉ gắn với những biến cố, sự kiện lịch sử mà còn là thời gian cá nhân, thời gian gắn với những biến đổi trong số phận của nhân vật. Do đó việc tìm hiểu những yếu tố thời gian trong tiểu thuyết của Suvănthon, chúng ta không chỉ có được những khái quát về các chặng đường lịch sử đã qua của một dân tộc mà còn thấy được những chuyển động cuộc sống của con người trong những năm tháng ấy. Nét tiêu biểu làm nên đặc trưng trong nghệ thuật tổ chức thời gian của Suvănthon chính là khả năng dồn nén sự kiện, nhiều sự kiện liên tiếp, nhiều biến cố trong cuộc đời nhân vật diễn ra liên tiếp trong một khoảng thời gian nhất định khiến người đọc có cảm giác mọi việc không thể ngưng đọng, không thể đảo ngược, không thể đứt đoạn, không thể tùy thuộc vào sự vô tư của thời gian vì mỗi thời khắc trôi qua hết sức gấp gáp, thiêng liêng. Cũng vì thế thời gian trong tiểu thuyết của Suvănthon chủ yếu vẫn là dòng thời gian xuôi chiều.
CHƯƠNG 4
ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC TRẦN THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT CỦA SUVĂNTHON
Nếu nhân vật, sự kiện, không gian, thời gian là những yếu tố cơ bản thuộc cấp độ hình tượng thì ngôn ngữ và các phương thức trần thuật lại là những yếu tố cơ bản thuộc cấp độ trần thuật của kết cấu tác phẩm. Trong mỗi tác phẩm văn học đều có sự tồn tại và đan xen giữa hai cấp độ, giữa các yếu tố trong mỗi cấp độ luôn có mối quan hệ tác động qua lại với nhau, đồng thời cũng có mối quan hệ tác động qua lại với các yếu tố thuộc cấp độ thứ hai, qua đó cùng thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Điều này làm cho tác phẩm trở thành một thể thống nhất. Trong tiểu thuyết của Suvănthon, những đặc trưng trong nghệ thuật tổ chức nhân vật, sự kiện, những đặc trưng không gian, thời gian nghệ thuật đều chịu sự tác động bởi đặc trưng về ngôn ngữ và các phương thức trần thuật, và ngược lại, đặc trưng thi pháp trong tổ chức nhân vât, sự kiện, không gian, thời gian cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn và sử dụng chất liệu ngôn từ trong tác phẩm. Vì vậy, để thấy được đặc trưng nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn, ngoài việc tìm hiểu các yếu tố thuộc cấp độ hình tượng, cần phải tìm hiểu cả những yếu tố thuộc cấp độ trần thuật.