Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Suvănthon

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn lào suvănthon bupphanuvông (Trang 100 - 102)

6. Cấu trúc của luận án

3.2. Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Suvănthon

Văn học là nghệ thuật của thời gian, thời gian trong tác phẩm văn học “là một nhân tố cấu trúc nghệ thuật của truyện” bởi vì “cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật”. Trong chuyên luận Thi pháp cổ điển Nga, Viện sĩ Đ.X. Likhachốp đã phát biểu quan niệm của mình về vấn đề thời gian trong tác phẩm: “Thời gian là đối tượng, là chủ đề, là công cụ miêu tả, là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ văn bản” [dẫn theo 68, tr.85]. Đây có thể coi là quan điểm tích cực đóng góp vào công việc nghiên cứu văn học.

Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian trong tác phẩm văn học có thể đảo ngược, quay về quá khứ, có thể hướng tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái chốc lát thành vô tận. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo, bằng sự lặp lại đều đặn các hình tượng đời sống được ý thức: Sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác ... tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm. Như vậy, thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ thuật. Khi nào ngòi bút nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh, khi nào dừng lại miêu tả chi tiết thì thời gian chậm lại.

Thời gian trong tác phẩm văn học có thể quy thành hai lĩnh vực lớn. Thứ nhất là thời gian được trần thuật, còn gọi là thời gian của cái được biểu đạt, thời gian của cái được kể (miêu tả), thời gian của “chuyện”. Nó bao gồm thời gian cốt truyện – tình tiết – nhân vật, thời gian bối cảnh và quan niệm của tác giả về thời gian, tức là bao hàm cả thời gian vật lí và thời gian tâm lí. Nói tóm lại, thời gian được trần thuật thuộc lĩnh vực nội dung tác phẩm, ta gọi nó là “hình tượng thời gian”. Hoặc nói như Anatoli Botsrop “Thời gian là một trong những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết” [163, tr.50]. Thứ hai là thời gian trần thuật, còn được gọi là thời gian của cái biểu đạt, thời gian của cái kể

lại, thời gian của “truyện”. Nó bao gồm trật tự kể, độ dài thời gian và tần số lặp lại. Nói cách khác đó là cách kể, nghệ thuật kể, và nó thuộc lĩnh vực hình thức tác phẩm.

Mỗi nền văn học khác nhau ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau và ở mỗi nhà văn khác nhau, lại có cách biểu hiện thời gian trong tác phẩm khác nhau. Bởi “Thời gian nghệ thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người trong từng thời kì lịch sử, từng giai đoạn phát triển, nó cũng thể hiện sự cảm thụ độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thế giới” [49, tr.273]. Thời gian trong văn học truyền thống thường là thời gian tuyến tính, còn thời gian trong văn học hiện đại đã thoát khỏi sự trói buộc của thời gian sự kiện. Tuy nhiên, cũng như không gian, việc lựa chọn và thể hiện thời gian trong tác phẩm văn học còn là kết quả của một quá trình tìm tòi, sáng tạo của nhà văn xuất phát từ yêu cầu của nội dung hiện thực mà tác phẩm phản ánh.

Chủ đề chính trong tiểu thuyết của Suvăthon là lịch sử dân tộc, bởi vậy thời gian lịch sử có vai trò quan trọng trong tác phẩm của ông. Ở mỗi tiểu thuyết, nhà văn đều sử dụng nhiều dạng thức biểu hiện khác nhau của thời gian lịch sử (thời gian lịch sử gắn với mỗi sự kiện lịch sử mang âm hưởng sử thi, thời gian trong mối quan hệ đối sánh, thời gian trong những tình huống thử thách) để qua đó khái quát thành những vấn đề của lịch sử và xã hội.

Một phần của tài liệu Đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn lào suvănthon bupphanuvông (Trang 100 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(150 trang)
w