6. Cấu trúc của luận án
2.2. Đặc trưng nghệ thuật tổ chức sự kiện
Suvănthon
Trong tác phẩm tự sự, sự kiện, biến cố, hành động là những thành phần thiết yếu của tác phẩm, nó là đơn vị nhỏ hơn cốt truyện nhưng đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc cốt truyện. Aristote là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên quan tâm đến cốt truyện. Ông chia cốt truyện thành ba phần: phần đầu (giới thiệu hành động chính), phần giữa (kết thúc sự kiện trước và gợi dẫn sự kiện tiếp theo) và phần kết. Như vậy, theo quan điểm của Aristote, mỗi phần trong cốt truyện đều được cấu thành bởi một hoặc một chuỗi sự kiện, hành động.
Cấu trúc cốt truyện một tác phẩm tự sự được tiến hành thông qua quá trình tổ hợp nhân vật. Thực tế, sự tổ hợp nhân vật sẽ không thể thực hiện được nếu không có hệ thống các sự kiện tương ứng. “Sự kiện là những biến đổi, tác động, sự cố, có ý nghĩa quan trọng đối với nhân vật, làm cho nhân vật và quan hệ của chúng không giữ nguyên hiện trạng mà phải biến đổi theo” [79, tr.302]. Sự kiện một mặt phản ánh các quan hệ, xung đột xã hội của các nhân vật, mặt khác lại có chức năng kết cấu, làm cho các nhân vật gần nhau hoặc xa nhau, đối lập nhau. Nó vừa phản ánh sự vận động của đời sống, vừa tạo nên sự vận động trong tác phẩm. Sự kiện buộc nhân vật bộc lộ những gì thuộc bản chất của nó, và tự nó hợp thành lịch sử phát triển của nhân vật. Sự kiện mở ra những khả năng phát triển khác nhau cho các nhân vật mà người đọc hứng thú chờ đợi. Sự kiện trong một tác phẩm tự sự sẽ làm nên bộ xương của tác phẩm, giúp tác phẩm đứng được. Cách xử lí sự kiện, biến cố, hành động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trình tự của cốt truyện, nó quy định vị trí của các bộ phận trong tác phẩm và kiến lập nên một trật tự mới. Sự kiện, biến cố, hành động chính là sự thăng hoa của cốt truyện. Vì vậy, nghiên cứu cốt truyện chính là nghiên cứu nghệ thuật tổ chức sự kiện của nhà văn trong tác phẩm và
ngược lại, điều đó góp phần làm rõ được những vấn đề cơ bản của tác phẩm và cái nhìn của nhà văn đối với đời sống.
Xuất phát từ ý đồ nghệ thuật và đặc trưng thi pháp của nhà văn, chuỗi sự kiện trong mỗi tác phẩm có thể được tổ chức theo những loại hình khác nhau. Sự kiện có thể được tổ chức theo trình tự trước sau của thời gian (kết cấu tuyến tính). Lối kết cấu này, đối với những “tác phẩm có giá trị nghệ thuật thực sự, sẽ giúp cho người đọc luôn thấy được sự mới mẻ qua từng chi tiết” [12, tr.117]. Một cách kết cấu quan trọng vốn được sử dụng nhiều trong văn học thế kỷ XX là sự kiện được tổ chức theo hình thức đảo lộn trật tự thời gian “nhằm chuyển sự chú ý của người đọc từ sự việc sang nội tình bên trong của nhân vật” [12, tr117]. Cách tổ chức sự kiện được các nhà tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa quan tâm là cách tổ chức sự kiện dựa trên những biến cố lịch sử có thật. Đối lập với cách tổ chức sự kiện trên là cách tổ chức sự kiện dựa vào kết quả hư cấu của nhà văn. Ngoài ra còn có cách tổ chức sự kiện dựa trên tiểu sử của bản thân nhà văn (tác phẩm thuộc loại tự truyện)
Trong nền tiểu thuyết Lào hiện đại, cùng với nhà văn Khămliêng Phôsêna - tác giả của tiểu thuyết Sỉ nọi (Bé Sỉ) và tiểu thuyết Tình yêu, và nhà văn Chănthi Đưởnsạvẳn – tác giả của tiểu thuyết Con đường sống thì Suvănthon Bupphanuvông cũng được xem là một trong ba nhà văn tiêu biểu, là những người có công xây dựng và phát triển của thể loại tiểu thuyết ở Lào. Tuy vậy, ở mỗi nhà văn lại hình thành cho mình một phong cách rất riêng. Nếu như nét nổi bật trong phong cách của Khămliêng Phônsêna là thiên về miêu tả tính cách, ít miêu tả biến cố, sự kiện lịch sử, trong tác phẩm của ông, sự kiện chỉ là bối cảnh lịch sử xã hội của tính cách điển hình. Và nét nổi bật trong phong cách của Chănthithì Đưởnsạvẳn là thiên về tự thuật, kể lại cuộc đời của chính mình. Thì nét nổi bật trong phong cách của Suvănthon là thiên về miêu tả sự kiện qua những biến cố lịch sử có thật theo trật tự tuyến tính.
Đây cũng là một trong những yếu tố làm nên đặc trưng nghệ thuật trong tiểu thuyết của ông.