6. Cấu trúc của luận án
3.1.1. Không gian công cộng
Không gian công cộng còn gọi là không gian xã hội hoành tráng đối lập với không gian đời tư chật hẹp. Trong văn học cổ trung đại Lào, không gian nghệ thuật xuất hiện chủ yếu là không gian ước lệ, tượng trưng như một khuôn mẫu có sẵn, là bối cảnh cho sự xuất hiện của nhân vật. Văn xuôi hiện đại Lào ra đời muộn nhưng nó đã bắt ngay vào hiện thực của cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân các bộ tộc Lào, không gian nghệ thuật tượng trưng ước lệ kiểu văn học truyền thống được thay thế bằng không gian công cộng rộng lớn. Từ đó, con người được trưởng thành trong môi trường tập thể, có số phận gắn bó với dân tộc và lịch sử. Trong cái không gian Nhân dân rộng lớn ấy, “không có và không thể có cái gì thầm kín, nội tại, không có gì là bí mật riêng tư, không có gì hướng vào bản thân, không có gì đáng gọi là cô đơn cả. Con người ở đây mở ra mọi phía, nó hoàn toàn hiện ra bề ngoài, trong con người đó, không có gì là dành riêng cho một mình mình, không có gì là không chịu
kiểm soát, xem xét công cộng về mặt nhà nước. Ở đây, tất cả và toàn bộ là công cộng” (Bakhtin) [dẫn theo 126, tr.175].
Để tạo ra những miền không gian hoành tráng trong tác phẩm, Suvănthon đã giãn nở kích thước không gian đến tối đa, không gian trải ra trên phạm vi rộng lớn, không chỉ theo suốt đất nước mà còn vượt qua những biên giới quốc gia. Không gian trong Hồi tưởng lại kéo dài từ Viêng Chăn Lào đến Việt Nam. Không gian trong Tiểu đoàn Hai kéo dài từ Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, Viêng Chăn Lào đến Hà Nội – Việt Nam. Không gian trong Hai bên bờ sông kéo dài từ Viêng Chăn Lào đến U Đon, Kung thép Thái Lan… Không gian ấy thường được thể hiện ở những nơi tụ họp đông người như vùng căn cứ, vùng giải phóng, doanh trại quân đội, quảng trường, cơ quan, làng xã, bệnh viện, trường học, rừng núi, con đường … Trong những miền không gian rộng lớn ấy, những con người cùng chung chí hướng đã sống và chiến đấu vì lí tưởng cao đẹp của cộng đồng, của dân tộc (Hồi tưởng lại, Hai chị em, Tiểu đoàn Hai); ở đó còn là cuộc sống lao động, cải tạo, sản xuất, cùng làm cùng hưởng của quần chúng nhân dân với những người thanh niên ưu tú như trong tiểu thuyết Hai bên bờ sông, Người con gái của Đảng.
Tạo ra những miền không gian hoành tráng, nhà văn muốn các nhân vật tiểu thuyết có môi trường thuận lợi để hoạt động. Tính chất anh hùng không cho phép họ tự giam mình trong một không gian chật hẹp, tù đọng. Người có chí lớn thì phải làm việc lớn, muốn làm việc lớn thì phải từng trải. Không gian do đó luôn được mở rộng theo bước chân nhân vật, trong đó không gian tuyến trở nên phổ biến trong nhiều tiểu thuyết của Suvănthon vì “loại không gian này phù hợp với tính chất anh hùng, nhằm ca ngợi những chiến công kỳ vĩ, nhân vật truyền thuyết và sử thi không ngừng mở rộng không gian của mình” [140, tr.80]. Đó là một trong những lí do làm cho hình tượng “con đường” trở nên quen thuộc và được lặp lại nhiều trong tiểu thuyết của ông và mỗi con đường đều gắn với một nhiệm vụ đặc biệt của người chiến sĩ, cũng
có khi con đường trở thành biểu tượng, mở ra một tương lai mới của nhân vật. Trong tiểu thuyết Tiểu đoàn Hai, hình ảnh con đường gắn với những cuộc hành quân đi làm nhiệm vụ của anh em Tiểu đoàn Hai, đó là cuộc hành quân vượt vòng vây ra khỏi Cánh đồng Chum về căn cứ địa cách mạng, cuộc hành quân giải cứu các vị lãnh tụ tại nhà tù Phôn Khêng và cuộc hành quân quay trở lại giải phóng Cánh đồng Chum. Trong tiểu thuyết Hai chị em, hình ảnh con đường gắn với quá trình nhân vật Bun Mi, nhân vật Vông Phăn tự giải cứu bản thân thoát khỏi sự kiểm soát, giam cầm của kẻ thù. Còn trong tiểu thuyết Hai bên bờ sông, hình ảnh con đường lại được mở ra khi vợ chồng Nác và Ma Ly quyết định tham gia đội cải tạo. Điều đặc biệt, trong mỗi “con đường” khác nhau ấy, các nhân vật đều phải trải qua vô vàn những khó khăn thử thách. Điều này xuất phát từ ý đồ nghệ thuật của nhà văn trong việc phản ánh hiện thực và con người trong chiến tranh. Qua đó, ý thức cộng đồng, tình đoàn kết đấu tranh, ý chí quyết tâm và lòng quả cảm của các chiến sĩ Pathet Lào cũng được khắc họa rõ nét.
Thước đo nhân cách con người trong chiến tranh là sự từng trải, đi nhiều và mỗi thanh niên đích thực thời chiến đều mang trong lòng một ước mơ đi xa. Nỗi băn khoăn lo lắng nhất của Khăm Mặn là sợ ban chỉ huy cử đi học bởi anh nghĩ “đi học cũng tốt, nhưng tình hình nhiệm vụ lúc này thì không thể yên tâm ngồi học được” [178, tr.27]. Đối với nhân vật Xô Pha, ước muốn lớn nhất của chị là được “quay trở lại hoạt động ở vùng Cánh đồng Chum” [178, tr.27], còn nhân vật Phim Pha lại luôn tự nhủ rằng, thanh niên “giống như cánh chim đại bàng không sợ gian khó, gió mưa, bão táp”. Không gian lí tưởng cho các chiến sĩ anh hùng là ở ngoài tiền tuyến, còn ở hậu phương, không gian lí tưởng của các anh hùng lao động là ở những nơi khó khăn nguy hiểm.
Nếu không gian tuyến giúp nhà văn có khả năng mở rộng đến tối đa đường biên không gian theo chiều dài hoặc chiều thẳng đứng, thì không gian mặt
phẳng lại có thể giúp nhà văn mở rộng đến tối đa đường biên không gian theo chiều rộng. Vì vậy không gian mặt phẳng cũng là một dạng thức không gian công cộng được Suvănthon lựa chọn phản ánh trong tác phẩm của mình. Hình ảnh dòng sông Mê Kông trong tiểu thuyết Hai bên bờ sông là mặt phẳng phản chiếu hai sự sống đối lập nhau: bờ sông bên kia trên đất Thái, cuộc sống hỗn loạn, chỉ thấy đánh đập, bắt bớ, trộm cướp, đĩ điếm ... còn bờ sông bên này trên đất Lào, một cuộc sống mới đang bắt đầu, cảnh vật con người được hồi sinh, tinh thần tự giác và ý thức làm chủ, tạo nên không khí lao động, cải tạo nhộn nhịp, tấp nập. Dòng sông Mê Kông ấy còn là mặt phẳng cần thiết để nhân vật “di tản”, mở rộng phạm vi cuộc sống, tạo nên những biến đổi trong cuộc đời số phận. Nghe theo lời kêu gọi của chính quyền Mỹ và tay sai, vợ chồng đại úy Nac – Ma Ly và Sẻng Đưởn đã quyết định từ bỏ quê hương vượt biên sang vùng đất hứa Thái Lan, nhưng chính hiện thực cuộc sống đầy hỗn loạn và thái độ đối xử tệ bạc của chính quyền ở Thái Lan, khiến cho các nhân vật nhận thấy rằng: mảnh đất gắn bó máu thịt với mình, không nơi nào khác chính là bờ sông trên đất Lào. Và không có sự lựa chọn nào khác, một lần nữa, các nhân vật phải quyết định “di tản” qua miền không gian rộng lớn ấy. Ma Ly khẳng định “sẽ vượt biên sang Lào”, mặc dù “sông Mê Kông nước đầy bờ”, lại có con nhỏ nhưng chị vẫn kiên quyết “sẽ cõng nó” [180, tr.99]. Cũng trên dòng sông Mê Kông khi quay trở về đất Lào, chị đã “quay nhìn bên bờ Thái hai ba lần”, không phải vì lưu luyến mà vì trên mảnh đất ấy, chồng chị vẫn không biết sống chết thế nào “chị ân hận vì đã bỏ nhà bỏ cửa ra đi, coi như mình đã đưa chồng đi đến chỗ chết” [180, 101]. Như vậy, dòng sông Mê Kông không chỉ là mặt phẳng để các nhân vật “di tản” qua lại mà nó còn là môi trường để các nhân vật trải nghiệm cuộc sống.
Ngoài không gian tuyến, không gian mặt phẳng, nhà văn còn sử dụng không gian điểm. Trong tiểu thuyết của Suvănthon, không gian luôn được mở rộng hết biên độ nhưng bao giờ cũng xuất phát từ một không gian điểm nhất
định, là nơi để triển khai ra các miền không gian khác nhau, tạo nên một không gian công cộng hoành tráng. Không gian điểm trong Tiểu đoàn Hai là Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng.Trong không gian công cộng ấy, những chiến sĩ Pathet Lào được trưởng thành trong môi trường tập thể, trong niềm tin yêu và sự che chở đùm bọc của bà con dân bản. Họ luôn đoàn kết sát cánh bên nhau, vừa tăng gia sản xuất vừa lên kế hoạch tác chiến nhằm phá tan âm mưu bao vây của địch, số phận của mỗi người luôn gắn với số phận của cả tiểu đoàn và gắn với số phận của cả dân tộc. Cũng từ Cánh đồng Chum, anh em Tiểu đoàn Hai đã phá vòng vây của địch, hành quân về khu căn cứ cách mạng, mở rộng các hoạt động đấu tranh ở thủ đô Viêng Chăn và sau đó “một năm bảy tháng mười ba ngày” lại quay trở lại giải phóng Cánh đồng Chum. Không gian Cánh đồng Chum trở thành một chủ đề lớn của tác phẩm, trong không gian ấy, có sự bao vây, đe dọa của quân địch, có chiến đấu, hi sinh, mất mát nhưng cũng có tình yêu và hòa bình. Các nhân vật liên tục vận động qua các miền không gian khác nhau nhưng cuối cùng vẫn hội tụ ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng.
Có thể xem không gian công cộng là một một thủ pháp nghệ thuật để dung chứa những nhân vật có tầm vóc lớn lao. Theo M.Kundera, nếu thu hẹp dần không gian sẽ làm cho nhân vật bị tha hóa. Nhân vật bị giam giữa bốn bức tường chật hẹp và nó sẽ tìm cách vượt ra ngoài bằng con đường mộng mị. “Không gian tâm lí” của nó sẽ có sắc màu nhợt nhạt, mang đậm tính chủ quan và thiếu đi tính chân thực lịch sử. Kiểu không gian đó hoàn toàn phù hợp với các tiểu thuyết lãng mạn nhưng sẽ không thích hợp cho những tiểu thuyết viết về hiện thực đấu tranh cách mạng mang âm hưởng sử thi như các tiểu thuyết của nhà văn Suvănthon.
Một trong những giá trị trong tiểu thuyết của Suvănthon là sự phong phú và chân thực của hiện thực được phản ánh. Tạo ra những miền không gian hoành tráng, nhà văn đã dung chứa trong đó toàn bộ cuộc sống của dân tộc
Lào vào những thời điểm đáng nhớ của lịch sử. Hêgel cho rằng, các sử thi cổ đại thực sự độc đáo đều cho ta “một bức tranh của tinh thần dân tộc như nó biểu hiện trong luân lí của cuộc sống gia đình, trong chiến tranh và trong hòa bình, trong các nhu cầu, các nghệ thuật, các phong tục, các hứng thú, tóm lại, nó cấp cho ta một bức tranh toàn vẹn về các giai đoạn ở đấy có ý thức và phẩm chất của ý thức” [dẫn theo 52, tr.50]. Khi viết tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình, L.Tônxtôi cũng có tham vọng “Tôi muốn bao quát tất cả”. Cũng như các nhà tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, Suvănthon quan niệm, cần phải có một không gian hoành tráng để dung chứa được hết hiện thực lịch sử vĩ đại của dân tộc đồng thời để lưu giữ nó cho muôn đời sau. Và thực tế, sự miêu tả một không gian hoành tráng trong tác phẩm đã trở thành một hướng đi phổ biến trong các tiểu thuyết của nhà văn bao gồm tất cả các tiểu thuyết viết trước, trong và sau chiến tranh.