4.2.3.1 Tỷ lệ các thê lâm sàng trong rối loạn sự thích ứng
Trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ gặp ba thể rối loạn sự thích ứng là rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm ngắn chiếm tỷ lệ cao nhất 45%, rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài chiếm tỷ lệ 30%, rối loạn sự thích ứng với phản ứng lo âu trầm cảm chiếm tỷ 25%. Kết quả này phù hợp với nhiều tác giả trên thế giới nghiên cứu rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm là thường gặp nhất [2][46][49]. Trong nghiên cứu của Greenberg (1995) tỷ lệ rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm ở người trưởng thành là 64%; nghiên cứu dịch tễ ở Đức tỷ lệ rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm chiếm tỷ lệ cao nhất. Depland và cộng sự [31] nhận thấy tỷ lệ rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm chiếm tỷ lệ 28%, với phản ứng lo âu chiếm tỷ lệ 19%, phản ứng hỗn hợp lo âu trầm cảm chiếm tỷ lệ 29%, và các phản ứng khác chiếm 24%.
Trong phản ứng rối loạn sự thích ứng với phản ứng cảm xúc buồn phiền, lo lắng, cảm giác đau khổ, mất phương hướng cho tương lai phía trước là thường gặp. Sự không có mặt đầy đủ các thể rối loạn sự thích ứng trong nghiên cứu của chúng tôi có thể do nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trong nhóm bệnh nhân điều trị nội trú, trong thời gian nghiên cứu ngắn nên chỉ gặp những thể bệnh có tỷ lệ mắc lớn. Những nghiên cứu sau với quy mô lớn hơn, có thể phản ánh rõ ràng, đầy đủ các thể bệnh trong rối loạn sự thích ứng hơn.
4.3.2.2 Đặc điểm triệu chứng trong rối loạn sự thích ứng
Đặc điểm triệu chứng tâm thần của trầm cảm trong rối loạn sự thích ứng.
Triệu chứng giảm khí sắc, giảm năng lượng gặp ở 100% bệnh nhân. Đây là hai triệu chứng chính của trầm cảm, tỷ lệ gặp cao trong các rối loạn trầm cảm điển hình khác. Nhưng có sự khác biệt khi so sánh với các rối loạn trầm cảm điển hình khác điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần, đó là các triệu chứng của rối loạn trầm cảm điển hình thường là mức độ vừa hoặc nặng [51][52]. Trong rối loạn sự thích ứng, các triệu chứng xuất hiện chủ yếu ở mức độ nhẹ, vừa. Các triệu chứng nặng như có ý tưởng bị tội, ý tưởng muốn chết, tự hủy hoại xuất hiện với tỷ lệ ít hơn (52,5% ; 32,5%). Ở thể rối loạn sự thích ứng với phản ứng lo âu trầm cảm, các triệu chứng nặng xuất hiện ít với 3 trường hợp có ý tưởng bị tội và không có trường hợp nào có ý tưởng muốn chết, tự hủy hoại. Trong thể rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm ngắn, triệu chứng giảm khí sắc, giảm năng lượng, giảm chú ý, giảm tự tin, chỉ xuất hiện mức độ nhẹ và vừa. Trong rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài, các triệu chứng tâm thần của trầm cảm xuất hiện ở mức độ vừa chiếm tỷ lệ cao nhất trong cả ba thể.
Đặc điểm triệu chứng cơ thể của trầm cảm trong rối loạn sự thích ứng.
Triệu chứng mất quan tâm thích thú có tỷ lệ cao 95%, rối loạn ăn uống chủ yếu là chán ăn chiếm tỷ lệ 90%, rối loạn giấc ngủ tỷ lệ 100% (thức dậy sớm hơn 2 giờ so với trước đây 42,5% ; khó đi vào giấc ngủ 10% ; giấc ngủ chập chờn 47,5%). Kết quả này phù hợp với các triệu chứng cơ thể xuất hiện ở các trầm cảm điển hình khác chủ yếu là các triệu chứng về rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, mất quan tâm thích thú [52]. Triệu chứng chậm chạp tâm thần vận động xuất hiện với tỷ lệ cao trong các rối loạn trầm cảm điển hình điều trị nội trú nhưng tỷ lệ ít gặp hơn trong rối loạn sự thích ứng. Trong rối loạn sự thích ứng với phản ứng lo âu trầm cảm, các triệu chứng cơ thể
trầm cảm xuất hiện ít và chủ yếu ở mức độ nhẹ. Rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài các triệu chứng cơ thể trầm cảm xuất hiện đa dạng và chủ yếu ở mức độ vừa. Trong rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm ngắn, triệu chứng ăn uống không ngon, sút cân, giảm tình dục có tỷ lệ xuất hiện cao hơn các thể khác và chủ yếu là mức độ vừa.
Đặc điểm triệu chứng lo âu trong rối loạn sự thích ứng
Trong rối loạn sự thích ứng với phản ứng lo âu trầm cảm, gặp 100% các triệu chứng kích thích thần kinh thực vật, các triệu chứng căng thẳng; 90% các triệu chứng liên quan đến vùng ngực bụng; 70% các triệu chứng liên quan đến trạng thái tâm thần; 50% các triệu chứng toàn thân.
Tỷ lệ có triệu chứng lo âu đi kèm với rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm cao. Trong rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm ngắn triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, triệu chứng liên quan ngực bụng chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm kéo dài triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật và triệu chứng liên quan ngực bụng, toàn thân có tỷ lệ cao nhất. Nhưng các triệu chứng lo âu đi kèm chỉ xuất hiện lẻ tẻ không tập hợp thành hội chứng lo âu.
Tỷ lệ các triệu chứng trong nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt với kết quả của Presicci A (2010) [50] nghiên cứu trên nhóm đối tượng thanh thiếu niên, nhận thấy khí sắc trầm 59%, mất thích thú chiếm tỷ lệ 22%; mệt mỏi giảm năng lượng 4%; giảm tự trọng 26%; chậm chạp tâm thần vận động 11%; giảm chú ý 48%, rối loạn ăn uống 22%, rối loạn giấc ngủ 48%. Có sự khác biệt với nghiên cứu của chúng tôi có thể do trong đối tượng nghiên cứu của chúng tôi chủ yếu là người trưởng thành.
Các triệu chứng của rối loạn sự thích ứng không có những đặc trưng điền hình. Điều này cũng phù hợp với các nhận định của nhiều tác giả đã có
các công trình nghiên cứu tìm sự khác biệt giữa đặc điểm của rối loạn sự thích ứng với các rối loạn tâm thần điển hình khác như trầm cảm điển hình, rối loạn lo âu, loạn khí sắc trên nhiều khía cạnh cả tâm lý xã hội và triệu chứng lâm sàng. Nhưng kết quả không rõ ràng. Nhiều nghiên cứu tìm các trắc nghiệm tâm lý đặc trưng cho các rối loạn sự thích ứng nhưng chưa đặt được kết quả như mong muốn [9][46][50][53].
Một vấn đề nữa được các tác giả đề cập đến trong chẩn đoán rối loạn sự thích ứng đó vấn đề đồng bệnh lý. Trong một nghiên cứu của Jager M, 142 trường hợp ban đầu được chẩn đoán là rối loạn sự thích ứng F43 theo tiêu chuẩn ICD 10, sau khi được tiến hành chẩn đoán lại bởi hai nhà tâm thần học nhận thấy có 64,1% chẩn đoán rối loạn sự thích ứng; 13,4% rối loạn cảm xúc; lạm dụng chất 8,5%; rối loạn liên quan stress khác 5,6%; rối loạn nhân cách 3,5%; rối loạn loạn thần 2,1%; chẩn đoán khác 2,8% [54]. Như vậy, rối loạn sự thích ứng còn nhiều khía cạnh cần nghiên cứu, phát triển để có thể phục vụ chẩn đoán, tiên lượng trên lâm sàng.
4.2.4 Tỷ lệ ý tưởng tự sát và toan tự sát trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu
Trong 40 đối tượng nghiên cứu có 13 đối tượng có ý tưởng tự sát chiếm tỷ lệ 32,5%, sự khác biệt giữa hai giới có ý nghĩa thống kê. Có 4 đối tượng đã có toan tự sát chiếm tỷ lệ 10%. Rối loạn sự thích ứng là chẩn đoán chiếm tỷ lệ 7,6% trong số ca tự sát [5]. Kết quả nhiều tác giả đã nhận thấy rối loạn sự thích ứng không chỉ liên quan đến ý tưởng tự sát, toan tự sát mà còn có mối liên quan đến tự sát hoàn thành [5][22][55].
Trong các nhóm chẩn đoán, rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm ngắn có tỷ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát cao nhất. Trong rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm ngắn, các triệu chứng thường xuất hiện cấp tính ngay sau khi có sang chấn tâm lý. Các triệu chứng đau khổ, mệt mỏi, mất
phương hướng tương lai, thường làm cho cá nhân cảm thấy bế tắc, bí bách. Thêm vào đó, các biểu hiện triệu chứng lâm sàng thường không nặng nề, rầm rộ như các rối loạn trầm cảm điển hình nên người nhà bệnh nhân không quan tâm đúng mức. Vì vậy, trong rối loạn sự thích ứng với phản ứng trầm cảm ngắn có tỷ lệ ý tưởng tự sát, toan tự sát cao nhất trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu.
4.3 NHẬN XÉT ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN SỰ THÍCH ỨNG TRONG NHÓM BỆNH NHÂN NGHIÊN CỨU