Các biến chứng không đặc trưng

Một phần của tài liệu nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả phẫu thuật u biểu mô lành tính tuyến mang tai từ năm 2009 -2013 (Trang 58 - 60)

- Tiến triển của liệt mặt:

4.2.3.Các biến chứng không đặc trưng

Chương 4 BÀN LUẬN

4.2.3.Các biến chứng không đặc trưng

Theo y văn các biến chứng không đặc trưng sau phẫu thuật tuyến mang tai bao gồm chảy máu, tụ máu sau mổ, nhiễm trùng vết mổ, hoại tử vạt da, sẹo lồi. Trong nghiên cứu của chúng tôi không gặp các biến chứng trên. Tác giả Trần Quang Long qua nghiên cứu 32 trường hợp phẫu thuật u tuyến mang tai gặp 1 trường hợp chảy máu sau mổ mức độ nhẹ và 1 trường hợp sẹo lồi xuất hiện ở tháng thứ hai sau mổ, tỷ lệ biến chứng không đặc trưng là 6,2% [21].Tác giả Vũ Trung Lương không gặp biến chứng không đặc trưng sau mổ u tuyến mang tai lành tính [36]. Tác giả Hàn Thị Vân Thanh tổng kết trên 106 bệnh nhân phẫu thuật u tuyến mang lành tính tai gặp 1 trường hợp nhiễm trùng vết mổ chiếm 0,9% và 7 trường hợp rò tuyến chiếm 6,6% ngoài ra không gặp các biến chứng khác [20]. Bova và Saylor đánh giá kết quả phẫu thuật trên 170 bệnh nhân u tuyến mang tai gặp 2,3% nhiễm trùng vết mổ và 3,5% tụ máu sau mổ [67].

4.2.4. Liệt mặt ngoại biên sau phẫu thuật

Biến chứng liệt mặt ngoại biên sau mổ là biến chứng được quan tâm hàng đầu trong tất cả các loại phẫu thuật tuyến mang tai, tỷ lệ liệt mặt cùng với tái phát là hai tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá kết quả phẫu thuật. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ liệt mặt chung sau mổ chiếm 26,3%. Trong đó liệt mặt tạm thời gặp ở 19 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 20%, liệt mặt vĩnh viễn là 6 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 6,3%. Tỷ lệ liệt mặt sau mổ u tuyến mang tai lành tính theo Vũ Trung Lương là 29%, theo Hàn Thị Vân Thanh là 24,7%, theo Trần Quang Long là 12,5% [20][21][36]. Như vậy tỷ lệ liệt mặt sau mổ của chúng tôi thấp hơn so với tác giả Hàn Thị Vân Thanh và Vũ Trung Lương, nhưng cao hơn của tác giả Trần Quang Long.

Tác giả Gaillard nghiên cứu trên 131 bệnh nhân u tuyến mang tai được phẫu thuật cắt thùy nông và cắt toàn bộ tuyến thấy tỷ lệ liệt mặt ở ngày thứ nhất sau mổ là 42,7%, một tháng sau mổ là 30,7% và 0% ở thời điểm 6 tháng sau mổ [68]. Tỷ lệ liệt mặt tạm thời và liệt mặt vĩnh viễn sau phẫu thuật u tuyến mang tai theo tác giả Owen lần lượt là 38% và 9% [69]. Như vậy kết quả tỷ lệ liệt mặt tạm thời sau mổ của chúng tôi thấp hơn so với các tác giả trên nhưng tỷ lệ liệt mặt vĩnh viễn của chúng tôi cao hơn. Điều này có thể giải thích là do tỷ lệ phẫu thuật lấy u trong nghiên cứu của chúng tôi cao, do vậy mức độ sang chấn dây VII trong quá trình phẫu thuật ít hơn dẫn đến tỷ lệ liệt mặt tạm thời sau mổ thấp hơn, các trường hợp liệt mặt vĩnh viễn sau mổ đều là tổn thương dây VII ngoài chủ ý của phẫu thuật viên. Trong nghiên cứu của chúng tôi không gặp trường hợp nào phải cắt đoạn dây VII theo yêu cầu bệnh tích. Tác giả Dulgueron, tổng kết nguyên nhân liệt mặt vĩnh viễn của 8 trường hợp sau phẫu thuật u tuyến mang tai thấy có 1 trường hợp cắt thân dây VII do sự thâm nhiễm của ung thư biểu mô tuyến, 1 trường hợp cắt nhánh bờ hàm dưới, 6 trường hợp còn lại là các nhánh nhỏ khác bị cắt đoạn do động tác phẫu tích [48].

Kết quả ở bảng 3.11 cho thấy có sự liên quan giữa tình trạng liệt mặt sau mổ với phương pháp phẫu thuật, tỷ lệ liệt mặt tạm thời sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến, cắt thùy và lấy u lần lượt là 46,7%; 17,6% và 14,3%, tỷ lệ liệt mặt vĩnh viễn gặp cao nhất ở phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến, tiếp theo là cắt thùy nông và gặp ít nhất ở phẫu thuật lấy u với tỷ lệ tương ứng là 13,3%; 11,8% và 3,3%. Sự khác biệt về tỷ lệ liệt mặt sau mổ có ý nghĩa thống kê với P= 0,0015. Chúng tôi không thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ liệt mặt sau mổ với kích thước khối u (P=0,331) và mô bệnh học khối u (P= 0.928). Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ của liệt mặt sau mổ các tác giả Dulgueron, Witt, O'Brien đều cho nhận xét có mối liên quan giữa tình trạng

liệt mặt sau mổ với phương pháp phẫu thuật và kích thước khối u [48][66] [70]. Tuy vậy Gaillard C [68] chỉ thấy có sự liên quan giữa tình trạng liệt mặt sau mổ với phương pháp phẫu thuật (P< 0,001) và típ mô bệnh học khối u (P=0,004) mà không thấy có sự liên quan với kích thước u tuổi bệnh nhân và thời gian tiến hành phẫu thuật.

Quan sát tiến triển của liệt mặt sau mổ chúng tôi thấy thời gian phục hồi trung bình là 3,8 ± 2,2 tháng, trong đó 94,8 % bệnh nhân phục hồi trước 6 tháng, tỷ lệ phục hồi sau 2-4 tháng cao nhất chiếm 47,4%. Theo tác giả Võ Đăng Hùng thời gian hồi phục liệt mặt trung bình là 3,35 tháng, 96,5% bệnh nhân hồi phục liệt mặt trong vòng 6 tháng theo dõi, có 1 trường hợp sau 6 tháng vẫn còn bị liệt (chiếm tỷ lệ 3,4%) [71]. Theo tác giả Christophe Gaillard thấy thời gian phục hồi liệt mặt trung bình là 3,2±2,2 tháng, có 28,6% bệnh nhân phục hồi sau 1 tháng và 100% bệnh nhân phục hồi sau 6 tháng [68]. Tác giả Oliver Laccourreye thấy 60% bệnh nhân liệt mặt sau mổ phục hồi sau trong vòng 6 tháng, số còn lại phục hồi trong thời gian 6 đến 18 tháng [47].

Một phần của tài liệu nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả phẫu thuật u biểu mô lành tính tuyến mang tai từ năm 2009 -2013 (Trang 58 - 60)