Triệu chứng lâm sàng

Một phần của tài liệu nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả phẫu thuật u biểu mô lành tính tuyến mang tai từ năm 2009 -2013 (Trang 47 - 50)

- Tiến triển của liệt mặt:

Chương 4 BÀN LUẬN

4.1.2. Triệu chứng lâm sàng

Hầu hết bệnh nhân đến viện vì xuất hiện khối u vùng tuyến mang tai, có một số bệnh nhân đến viện ngoài triệu chứng khối u vùng mang tai còn có các triệu chứng đi kèm. Chúng tôi chỉ gặp 3 trệu chứng đi kèm khối u là đau tại u, tê bì vùng mang tai và ù tai, mỗi loại gặp 1 trường hợp chiếm tỷ lệ 1,1%. Kết quả này của chúng tôi cũng tương tự nghiên cứu tác giả Hàn Thị Vân Thanh trên 150 bệnh nhân u tuyến mang tai cho thấy 100% bệnh nhân u tuyến mang tai lành tính đều có biểu hiện đầu tiên là khối u vùng mang tai [20]. Theo nghiên cứu của Trần Thanh Cường, 98,2% bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên là u vùng mang tai, chỉ có 4,5% bệnh nhân ung thư tuyến mang tai là có triệu trứng đầu tiên là khối u kèm hạch cổ [40]. Theo y văn thế giới cũng ghi nhận, thường gặp bệnh xuất hiện đầu tiên với khối u vùng mang tai, hạch cổ là dấu hiệu gợi ý u ác tính, mặc dù vậy di căn hạch vùng cổ ít gặp ở các khối u ác tính tuyến mang tai và thường gặp ở giai đoạn muộn [1][2][5] [16][19]. Trong nghiên cứu của chúng tôi, gặp 01 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đau kèm theo khối u vùng mang tai chiếm tỷ lệ 1,1%, Tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng đau theo tác giả Hàn Thị Vân Thanh là 3,8% [20]. Đối với u tuyến mang tai, triệu chứng đau và liệt VII ngoại biên là hai dấu hiệu quan trọng hướng tới chẩn đoán tính chất ác tính của khối u. Theo Zbar tỷ lệ đau gặp ở 46,1% trong số bệnh nhân ung thư trong khi đó tỷ lệ này ở u lành là 17,8% [41]. Tỷ lệ đau trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn nhiều so với tác giả có thể là do trong nghiên cứu này phần lớn bệnh nhân của chúng tôi là hồi cứu trên hồ sơ bệnh án, mặc khác triệu chứng đau là triệu chứng chủ quan của người bệnh nên việc khai thác thông tin có phần nào bị hạn chế. Chúng tôi không gặp trường hợp nào bị liệt VII ngoại biên trước mổ, chỉ gặp 1 bệnh nhân có biểu hiện tê bì vùng mang tai chiếm 1,1%. Liệt mặt rất hiếm gặp trong khối u lành tính tuyến mang tai, dấu hiệu này thường gặp hơn trong các

khối u ác tính do tình trạng xâm lấn chèn ép vào dây thần kinh mặt của khối u. Năm 1972, Eneroth tổng kết 2261 trường hợp u tuyến mang tai có gặp 46 trường hợp liệt mặt thì tất cả các trường hợp này đều là ác tính [49]. Parot đưa ra một số tiêu chuẩn hướng đến chẩn đoán khối u ác tính trong đó có dấu hiệu liệt mặt [52]. Tác giả Cross báo cáo một trường hợp u lành tính gây liệt mặt do hiện tương viêm mô tuyến xung quanh khối u chèn ép vào dây thần kinh VII [50]. Blenvis mô tả hai trường hợp liệt mặt và khi phẫu thuật phát hiện khối u là u hỗn hợp xâm lấn vào lỗ châm chũm [51].

Thời gian xuất hiện triệu chứng đầu tiên cho đến khi vào viện trong nghiên cứu của chúng tôi thường gặp trong khoảng 1-5 năm chiếm 54,7%, sau đó là khoảng thời gian dưới 1 năm chiếm 32,6%, bệnh nhân đến vện sau 5 năm chiếm 12,7%, thời gian trung bình là 34 tháng. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 1 bệnh nhân đến viện sau 12 năm khi khối u đã thực sự gây khó chịu cho người bệnh, đây cũng là bệnh nhân có thời gian từ khi phát hiện bệnh đến khi vào viện muộn nhất, điều đó cho thấy một thực tế là triệu chứng lâm sàng của u tuyến mang tai thường ngèo nàn, tiến triển chậm, phù hợp với những điều đã được ghi nhận trong y văn [1][5][7][8]. Theo tác giả Zbar, thời gian trung bình có triệu chứng của u lành là 40,8 tháng và u ác là 15,6 tháng [41]. Trong nghiên cứu của chúng tôi thời gian phát hiện bệnh trung bình là 34 tháng, thấp hơn thời gian trung bình có triệu chứng của tác giả là 40,8 tháng, điều đó cũng giải thích cho việc các triệu chứng đi kèm khối u vùng mang tai là rất ít chỉ gặp mỗi loại chỉ chiếm 1,1%. Tuy vậy, kết quả trong nghiên cứu này, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng đến khi vào viện thấp hơn nhiều so với nghiên cứu trước đó của Hàn Thị Vân Thanh (2001) là 62,6 tháng với các khối u lành tính. Theo tác giả, tỷ lệ bệnh nhân đến viên dưới 1 năm, 1-5 năm và sau 5 năm lần lượt là 20%; 47,6% và 32,4%, còn tỷ lệ này của chúng tôi lần lượt là 32,6%; 54,7% và 12,7% [20], qua đó

cho thấy bệnh nhân đã có sự quan tâm hơn về bệnh tật và đã đến viện sớm hơn so với trước đó.

U TMT có thể gặp ở cả bên phải và bên trái và thường không có sự khác biệt giữa hai bên. Trong nghiên cứu của chung tôi tỷ lệ u bên phải và bên trái lần lượt là 47,4% và 52,6%. Tỷ lệ u bên phải và bên trái theo Hàn Thị Vân Thanh là như nhau (50% và 50%) [20]. Tác giả Trần Quang Long, nghiên cứu trên 32 bệnh nhân u tuyến mang tai (trong đó 28 trường hợp u lành và 4 trường hợp ung thư) gặp u bên phải cao hơn bên trái với tỷ lệ tương ứng là 62,5% và 37,5%. Trong nghiên cứu của chúng tôi không gặp trường hợp nào có khối u ở cả hai bên. Trên thế giới có một số tác giả báo cáo gặp u ở đồng thời cả hai bên tuyến, Christophe Gailard đã tiến hành phẫu thuật hai bên tuyến cho một bệnh nhân trong tổng số 78 trường hợp [37]. Tương tự Tác giả Ellingson thực hiện phẫu thuật cả hai bên cho 1/118 bệnh nhân u tuyến mang tai [46].

Kích thước u từ 20mm đến 39 mm gặp nhiều nhất với tỷ lệ là 74,7%, khối u có kích thước nhỏ hơn 20mm và từ 40 mm trở lên chiếm tỷ lệ tương đương nhau là 12,6% (Bảng 3.3). So với nghiên cứu của Hàn Thị Vân Thanh tại Bệnh viện K, kích thước u của chúng tôi thấp hơn của tác giả, tỷ lệ kích thước u từ 20-39 mm của tác giả là 46,2% còn của chúng tôi là 74,7%, kích thước u từ 40 mm trở lên của tác giả là 60% còn của chúng tôi là 12,6% [20]. Tỷ lệ kích thước u từ 20-40 mm theo Vũ Trung Lương là 67,8%, khối u lớn hơn 40 mm là 12,9%. Điều đó một lần nữa có thể khẳng định là bệnh nhân đã có sự quan tâm hơn đến sức khỏe và bệnh tật và đã đi khám sớm hơn so với các giai đoạn trước đó. Tuy vậy kết quả kích thước u của chúng tôi còn cao hơn so với báo cáo của một số tác giả trên thến giới. Tác giả Lacorreye thấy 87,3% trường

hợp kích thước khối u trên 2cm [47]. Dulguerow công bố 74% (52/70) bệnh nhân khối u có kích thước dưới 3 cm, 19% từ 3 cm đến 5 cm, 7% trên 5 cm [48].

Kết quả ở bảng 3.3 cho thấy: mật độ khối u chắc, ranh giới rõ, di động u dễ gặp ở phần lớn các trường hợp với tỷ lệ tương ứng là 78,9%; 91,6% và 79,3%. Những biểu hiên này cũng phù hợp với nghiên cứu của hầu hết các tác giả trước đó [1][30][36][41]. Khối u lành tính tuyến mang tai đa phần có mật độ chắc do khối u đặc là chủ yếu, khi u tạo nang hoặc là u nang sẽ có mật độ mềm. Tác giả Gignoux khẳng định rằng mật độ khối u không cho phép khẳng định bản chất mô bệnh học của nó [42].

Trong tổng số 95 bệnh nhân nghiên cứu, chúng tôi gặp 81/95 bệnh nhân có khối u thuộc thùy nông chiếm 85,3% và 14/95 bệnh nhân có u ở thùy sâu chiếm 14,7%. Như vậy phần lớn khối u thuộc thùy nông, tỷ lệ khối u thuộc thùy nông theo tác giả Vũ Trung Lương là 83,9% [36], còn theo Trần Quang Long là 68,8% [21]. Kết quả của chúng tôi cũng tương đồng với nhận xét của y văn thế giới đó là hơn 80% u tuyến mang tai thuộc thùy nông [1][3][4][6][8].

Trong nghiên cứu của chúng tôi có 5/95 bệnh nhân có nhiều u (lớn hơn 1 u) ở một bên tuyến mang tai chiếm tỷ lệ 5,3%. Bệnh nhân u tuyến mang tai phần lớn là có một khối, bệnh nhân có từ hai khối u trở lên là rất hiếm và thường gặp trong các trường hợp tái phát của u hỗn hợp [45]. Tỷ lệ bệnh nhân có nhiều u ở một bên tuyến theo tác giả Lacorrieye là 1,3%, theo Chevallier là 2,8%, Alajmo và cộng sự công bố 2% u tuyến đa hình thái có nhiều ổ trên một tuyến [43][44][45].

Một phần của tài liệu nhận xét đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả phẫu thuật u biểu mô lành tính tuyến mang tai từ năm 2009 -2013 (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(86 trang)
w