Số người bệnh đi khám lại để xin đơn mới của nhóm không có đợt tiến triển (63,1%) gấp khoảng 1,5 lần so với nhóm có đợt tiến triển (41,8%). Ngược lại số người không đi khám lại (hoặc tự ý mua tiếp thuốc theo đơn hoặc tự ý ngưng thuốc) của nhóm có đợt tiến triển (58,2%) cao gấp 1,5 lần so với nhóm không có đợt tiến triển (36,9%). Số người bệnh đi khám xin lại đơn mới khi hết thuốc theo một đợt điều trị là 53,1%, số người bệnh còn tự ý mua thuốc hoặc giảm liều vẫn còn 46,9%. (Biểu đồ 2 )
Có thể lý giải điều này do quan niệm chung của đại bộ phận dân chúng còn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc uống thuốc theo đơn và theo từng giai đoạn của bệnh. Hoặc cũng có thể do y thức chủ quan của người bệnh thấy bệnh ổn định thì nghĩ bệnh đã khỏi hoàn toàn nên không tiếp tục dùng thuốc nữa. Hoặc cũng có thể là do điều kiện kinh tế còn thấp nên không đủ điều kiện mua thuốc uống đều đặn.
Như vậy cho dù số bệnh nhân biết về tính chất mạn tính, phải điều trị thường xuyên và lâu dài của bệnh rất cao, được các bác sỹ căn dặn hướng dẫn
nhiều lần nhưng số bệnh nhân tuân thủ được chế độ điều trị và dùng thuốc đều đặn còn chưa cao. Có rất nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan từ phía người bệnh mà dẫn đến sự khác nhau giữa kiến thức và thái độ thực hành. Các nguyên nhân khách quan như là: điều kiện kinh tế không đủ, điều kiện đi lại khó khăn, ở xa... . Các nguyên nhân chủ quan từ phía người bệnh như là: chỉ uống thuốc khi nào thấy có các biểu hiện ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt cũng như lao động, quan niệm bệnh không chữa khỏi được hoàn toàn nên uống thuốc cũng không có tác dụng hoặc do tâm lý sợ uống thuốc tây thích uống thuốc nam hoặc các thảo dược…. . Chính những điều này làm cho người bệnh dù biết bệnh lupus ban đỏ hệ thống là bệnh mạn tính, phải điều trị kéo dài nhưng bệnh nhân vẫn không tuân thủ điều trị.