DOANH NGHIỆP XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM?

Một phần của tài liệu Báo cáo nghiên cứu Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam (Trang 48)

2.1. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

2.1.1. Vương quốc Anh

Vương Quốc Anh là nơi DNXH có lịch sử phát triển lâu đời. Trong hơn ba thế kỷ qua, rất nhiều mô hình DNXH đã được trải nghiệm tại nước Anh như: nhà ở xã hội, nhóm tự lực, dạy nghề và tạo việc làm, thương mại công bằng, hay như các hoạt động tạo thu nhập cho các tổ chức từ thiện, tài chính vi mô, và cung cấp dịch vụ công qua các hợp đồng với chính quyền... DNXH ở Anh cũng hoạt động dưới rất nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý đa dạng, bao gồm: các công ty vì lợi ích cộng đồng, công ty TNHH, CP, quỹ tín dụng, nhánh kinh doanh của các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận, doanh nghiệp do người làm thuê tự chủ, hợp tác xã, quĩ phát triển, liên hiệp nhà ở, công ty xã hội và các quỹ ủy thác...

Các loại hình DNXH nói trên có thể được phân thành 4 nhóm chính sau đây:

· Công ty vì Lợi ích Cộng đồng (Community Interest Company - CIC): đây là loại hình doanh nghiệp được thiết kế riêng cho mô hình DNXH (nhưng pháp luật không bắt buộc các DNXH phải lựa chọn loại hình này). · Các Hội ái hữu và Làng nghề (Industrial and Provident Society - IPS): chủ yếu bao gồm các HTX và các

dạng hợp tác vì lợi ích cộng đồng khác hoạt động trên nguyên tắc dân chủ và sở hữu tập thể.

· Công ty CP hoặc công ty TNHH (Company Limited by Shares or Guarantee): Đây là hình thức công ty phổ biến và nhiều DNXH cũng chọn loại hình này bởi tính linh hoạt của nó. Tuy nhiên, để xác định đây là DNXG, công ty phải thể hiện rõ mục tiêu vì lợi ích cộng đồng trong Điều lệ và phải cam kết tái đầu tư lợi nhuận cho các mục tiêu xã hội.

· Các tổ chức từ thiện, trong đó có hoạt động kinh doanh không vì lợi nhuận (Group structure with charity status): đây là hình thức DNXH phổ biến nhất ở Anh vì ngày càng nhiều tổ chức từ thiện chuyển đổi mô hình gây quỹ truyền thống nhằm đảm bảo tính bền vững. Ngoài ra, chính sách ưu đãi miễn giảm thuế đối với các tổ chức từ thiện phi lợi nhuận cũng đóng vai trò quan trọng để các DNXH lựa chọn loại hình này. Nhận thấy xu hướng và tiềm năng phát triển của DNXH tại nước Anh, từ cuối những năm 1990 một số nghiên cứu chuyên sâu và các tổ chức trung gian hỗ trợ DNXH đã bắt đầu được thành lập như tổ chức Đối tác Doanh nghiệp xã hội Anh (1997), hay Doanh nghiệp xã hội London (1998). Ban đầu, những tổ chức này được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa các HTX và các đơn vị hỗ trợ HTX. Sau đó, nó đã nhanh chóng phát triển thành các tổ chức hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các DNXH mới thành lập, mở rộng chương trình đào tạo DNXH vào trường đại học, và đẩy mạnh truyền thông về DNXH thông qua thành lập Tạp chí Doanh nghiệp xã hội. Đến nay đã có hàng trăm tổ chức trung gian hỗ trợ DNXH ở Anh9. Hiện nay Liên minh Doanh nghiệp xã hội Anh (Social Enterprise Coalition) là tổ chức có mạng lưới hoạt động rộng và có ảnh hưởng nhất trên lĩnh vực này.

Dưới sự thúc đẩy các DNXH và các tổ chức trung gian, nhà nước bắt đầu đưa ra một số chương trình hỗ trợ tài chính cho DNXH, trước tiên là để thúc đẩy tính bền vững cho các tổ chức tình nguyện thông qua các hoạt động kinh doanh. Đến năm 2002, chính phủ Anh lần đầu tiên đưa ra Chiến lược phát triển Doanh nghiệp xã hội và thành lập bộ phận Doanh nghiệp xã hội (SEnU) trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) để điều phối các hoạt động ở Anh và xứ Wales. Năm 2006, bộ phận này trở thành một phần của Văn phòng Khu vực thứ Ba (Office of the Third Sector), thuộc Văn phòng Nội các (Cabinet office). Năm 2010, Văn phòng Khu vực thứ Ba trở thành Văn phòng Xã hội Dân sự (Office for Civil Society) thuộc Văn phòng Nội các, chịu trách nhiệm cho các tổ chức tình nguyện, từ thiện và DNXH.

Theo con số thống kê của chính phủ Anh năm 2005, ở Anh có khoảng 55.000 DNXH với doanh thu lên tới 27 tỷ bảng, chiếm 5% tổng lao động của các doanh nghiệp, và mỗi năm đóng góp 8,4 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh10.

Một phần của tài liệu Báo cáo nghiên cứu Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam (Trang 48)