Giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Báo cáo nghiên cứu Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam (Trang 76 - 81)

ĐỂ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

2.3.3. Giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam

Như đã đề cập ở trên, các chương trình, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DNXH cần được thực hiện thông qua các tổ chức trung gian, nhằm đạt hiệu quả cao hơn nhờ thông qua tính cạnh tranh, tránh xung đột lợi ích và tham nhũng. Các DNXH cũng có cơ hội phản ánh trực tiếp, khách quan cho cơ quan QLNN về chất lượng thẩm định và cung cấp dịch vụ của các tổ chức trung gian này. Hiện các tổ chức trung gian này ở Việt Nam là CSIP và Spark.

Cần phải nói thêm rằng, các tổ chức trung gian cũng có mục tiêu sứ mệnh trong việc phát triển DNXH. Họ được tài trợ từ các tổ chức NGO quốc tế và nhà đầu tư xã hội. Do đó, bản thân họ cũng có mạng lưới các DNXH của riêng mình. Điều đó sẽ làm cho các chương trình hỗ trợ DNXH của nhà nước cũng như của họ trở nên cạnh tranh hơn, và người hưởng lợi chính là các DNXH.

Để khuyến khích, thúc đẩy DNXH tại Việt Nam lớn mạnh cả về số lượng và quy mô, một số giải pháp chính sách sau đây có thể được xem xét thực hiện:

i. Đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau, từ các phương tiện đại chúng cho đến những người ủng hộ, để truyền tải, phổ biến và giải thích khái niệm và các vấn đề liên quan đến DNXH;

ii. Trao giải thưởng, vinh danh các DNhXH thành công và phát triển DNXH ở quy mô lớn;

iii. Tổ chức các Cuộc thi tìm kiếm sáng kiến DNXH để tìm ra những DNhXH và dự án tiềm năng, được tài trợ vốn khởi nghiệp trong thời gian đầu;

iv. Hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các DNXH để mở rộng quy mô tác động xã hội, thông qua một quá trình tuyển chọn, phân loại, theo dõi và đánh giá sát sao.

a. Đáng chú ý công cụ tài chính ở đây có thể là các khoản tài trợ không hoàn lại hoặc cho vay với lãi suất thấp, nhưng chỉ thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định (từ 3-5 năm) để tăng cường tính tự vững, tránh sự ỷ lại của DNXH.

b. Việc hỗ trợ tài chính phải gắn chặt với tính hiệu quả của các tác động xã hội. Ví dụ: hỗ trợ 50% lương của người mỗi người khuyết tật được DNXH tạo việc làm, giảm dần trong 5 năm; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà, sinh hoạt phí cơ bản cho giáo viên tham gia dự án dạy nghề cho trẻ em đường phố, người mãn hạn tù của các DNXH.

v. Để phát triển nguồn tài chính bền vững hỗ trợ DNXH, cần phải thành lập Quỹ phát triển DNXH. Quỹ sẽ được tài trợ bằng ngân sách Nhà nước (NSNN) trên cơ sở trích một tỷ lệ nhất định (ví dụ: 10%) từ các khoản thu Thuế tiêu thụ đặc biệt. Không chỉ giới hạn bởi nguồn NSNN, Quỹ còn mở rộng khả năng hợp tác, nhận tài trợ từ các tổ chức thiện nguyện và nhà đầu tư xã hội trong và ngoài nước.

vi. Miễn, giảm thuế cho các DNXH trong một số lĩnh vực Nhà nước cần khuyến khích. Có ý kiến cho rằng vì DNXH đã giúp hoặc thực hiện thay vai trò của Nhà nước trong một số lĩnh vực phúc lợi xã hội, vốn lẽ ra Nhà nước phải sử dụng nguồn thu từ thuế để thực hiện trách nhiệm của mình, cho nên sẽ hợp lý hơn nếu Nhà nước không thu thuế của các DNXH này.

vii. Cần thực hiện việc chuẩn hóa, xếp loại, đánh giá các DNXH theo một hệ tiêu chí nhất quán, cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch. Đây là khâu quan trọng, nhưng cũng là khó nhất đối với cơ quan Nhà nước, bởi vì không có tiêu chí thống nhất sẽ dẫn đến bất bình đẳng, lách luật, xung đột lợi ích; nhưng tác động xã hội và động cơ không-vì-lợi nhuận sẽ rất khó để có thể đo lường. Đáng lưu ý, các tiêu chí cần được thiết kế một cách sát với thực tiễn của DNXH. Một hệ thống tiêu chí quá cao sẽ có thể làm mất đi động lực đối với DNXH và do đó sẽ cản trở việc khuyến khích, thu hút các DNXH mới. Nên xây dựng các công thức lượng hóa được cho một số loại tác động xã hội mà DNXH tạo ra, so sánh giữa chi phí đầu tư, chi phí cơ hội và hiệu quả thu được. Việc áp dụng kiểm toán tài chính và kiểm toán xã hội cũng nên được áp dụng rộng rãi hơn.

viii. Hỗ trợ về nâng cao năng lực, đào tạo các kỹ năng quản lý doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, tiếp thị cho các DNXH;

ix. Cần phát triển và chú trọng vai trò của các tổ chức trung gian, khuyến khích nhà đầu tư xã hội; có thể thành lập Hiệp hội các DNXH tại Việt Nam; tham vấn sâu sắc các tổ chức này trong quá trình làm chính sách liên quan đến DNXH;

x. Cần thực hiện đấu thầu công khai, cạnh tranh để các DNXH có thể tham gia cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công ích, như xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế cộng đồng, sinh kế bền vững...

xi. Có thể ban hành các chính sách quy định các cơ quan nhà nước, tổ chức thuộc khu vực công phải ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ của DNXH khi thực hiện mua sắm công hoặc thuê ngoài;

xii. Các DNXH cần được khuyến khích và tạo điều kiện tiếp cận về thông tin, cơ sở hạ tầng của Nhà nước, hoặc sử dụng ở mức phí ưu đãi;

xiii. Xây dựng mặt bằng cho các DNXH thuê với giá rẻ để làm văn phòng, nơi đào tạo, thực tập, bán hàng... xiv. Thực hiện các chương trình nhà ở xã hội theo mô hình DNXH;

xv. Phát triển các loại hình Hợp tác xã, Tài chính vi mô theo hướng đảm bảo dân chủ, công bằng trong tổ chức quản lý và phân phối lợi nhuận cho cộng đồng;

xvi. Phát triển mạng lưới, tạo điều kiện kết nối giữa các DNXH, giữa DNXH và các tổ chức trung gian, nhà đầu tư xã hội trong và ngoài nước. Các DNXH được tạo điều kiện tham gia các đoàn công tác nước ngoài cấp cao, tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, đăng ký danh bạ, thông tin dữ liệu xúc tiến quảng bá thương mại ở nước ngoài;

xvii. Phát triển các chương trình đào tạo về DNXH ở cấp đại học và cao học về DNXH. Triển khai mô hình Vườn ươm DNXH tại các trường đại học. Phổ biến kiến thức về DNXH các phong trào sinh viên để giới trẻ mơ ước khởi nghiệp bằng DNXH.

KẾT LUẬN

Trên thực tế, Nhà nước đã tích cực thực hiện chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục và y tế từ khoảng 10 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy có sự chuyển biến trong nhận thức của Nhà nước về yêu cầu chia sẻ một số lĩnh vực từng được coi là trách nhiệm ‘độc quyền’ của Nhà nước cho các chủ thể ngoài nhà nước, chủ yếu gồm doanh nghiệp tư nhân và cơ sở ngoài công lập. Tuy nhiên, có thể thấy chúng ta chưa có một phương pháp luận toàn diện cho chính sách xã hội hóa. Hệ quả là, ở rất nhiều nơi, xã hội hóa đã biến thành thị trường hóa cao độ; dẫn đến tình trạng cạnh tranh hỗn loạn, thiếu một hệ thống quản lý và quy chuẩn có hiệu quả, chất lượng dịch vụ kém và suy giảm lòng tin của xã hội đối với cả vai trò của Nhà nước cũng như thị trường.

Ở một khía cạnh khác, sự chuyển biến về nhận thức còn được ghi nhận trong cải cách hành chính khu vực công. Nhà nước khuyến khích Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, Tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi thành Doanh nghiệp KH&CN, cởi mở thị trường cung ứng các dịch vụ công cho sự tham gia của khu vực tư nhân, cơ sở ngoài công lập dưới hình thức đấu thầu cạnh tranh nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Điều đó, cho thấy Nhà nước đã tán đồng với xu hướng áp dụng mô hình kinh doanh, nguyên tắc thị trường cho việc thực hiện các chức năng xã hội của mình. Mặc dù vậy, còn nhiều lĩnh vực chưa được xã hội hóa, hoặc không thể xã hội hóa theo cách cũ (bởi không hấp dẫn khu vực tư nhân về lợi nhuận). Đó là giải quyết việc làm cho các đối tượng yếu thế, bị lề hóa trong xã hội; ngoài ra còn rất nhiều vấn đề nan giải khác như hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tái hòa nhập người mãn hạn tù, người nhiễm HIV/AIDs, bảo vệ môi trường sinh thái... Việc triển khai các chính sách chuyển đối một số đơn vị sự nghiệp, tổ chức KH&CN hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ công ích hầu như chưa có tiến bộ đáng kể trong thực tiễn.

Rõ ràng, chỉ dựa vào hai khu vực nhà nước và tư nhân là không đủ để lấp đầy các nhu cầu và giải quyết những vấn đề của xã hội. Đó là chưa kể đến tình trạng khó khăn kinh tế, yêu cầu tái cơ cấu, giảm nợ công, tài khóa thắt chặt hiện nay của Nhà nước, trong khi xu hướng vốn tài trợ cho Việt Nam ngày càng giảm dần. Trong bối cảnh này, chúng ta thấy vai trò của các tổ chức xã hội, phát triển cộng đồng nói chung và đặc biệt sự nổi lên của mô hình DNXH rất phù hợp để có thể bù đắp cho khoảng trống đó.

DNXH là một mô hình hỗn hợp, sử dụng hoạt động kinh doanh để đạt được các mục tiêu xã hội. Họ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Trên thực tế, các DNXH là những tác nhân thúc đẩy đổi mới, sáng kiến cho xã hội. Họ đi vào những thị trường ngách chưa ai đi, thậm chí sáng tạo nên sản phẩm mới, tạo lập một thị trường mới, hoặc đáp ứng nhu cầu của những nhóm đối tượng thường bị bỏ quên trong xã hội, hay giải quyết những vấn đề xã hội- môi trường nảy sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Các DNhXH là những doanh nhân có mối quan tâm xã hội cao; đặc biệt họ phải vượt lên rất nhiều khó khăn, trở ngại để có thể duy trì được mô hình DNXH dung hòa giữa các mục tiêu xã hội bền vững và thử thách khắc nghiệt của thị trường.

Có thể nói, đây chính là một ‘miếng ghép’ còn thiếu trong một bức tranh đã có chỗ đứng của các khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, và các tổ chức NGO. Đây chính là một đối tác ‘win-win’, hỗ trợ đắc lực cho Nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội. Mỗi khu vực nói trên có ưu thế riêng và vai trò đặc thù của mình, tuy nhiên, DNXH có thể được xem như một giải pháp hay công cụ để bổ trợ cho những điểm yếu của các khu vực còn lại như việc phát huy các sáng kiến xã hội, huy động nguồn lực tiềm tàng cả về trí tuệ và vật chất trong dân, tính hiệu quả, bền vững của giải pháp xã hội... Đã đến lúc, Nhà nước cần có một sự công nhận chính thức dành cho mô hình DNXH và vai trò của các DNhXH. Các cơ chế, chính sách cần được xây dựng để tạo lập khung khổ pháp lý ổn định cho hoạt động của các DNXH, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến xã hội được dễ dàng triển khai hơn trong thực tế, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ tinh thần doanh nhân xã hội ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Báo cáo nghiên cứu Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam (Trang 76 - 81)