Chính sách đất đai

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong quá trình hội nhập (Trang 55 - 57)

Trong khi nhiều DN nhà nước được giao đất và sử dụng không có hiệu quả, đất đai bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích, thì các DNNVV lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng kinh doanh với chi phí rất lớn. Ngay cả khi DN có mặt bằng sản xuất thì việc lo đủ các thủ tục cần thiết để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để có thể thế chấp, cầm cố cũng đòi hỏi phải tốn nhiêu công sức và tiền bạc. Điều này đã góp phần hạn chế nguồn vốn đầu tư vốn đã hạn hẹp của DN.

Nhằm giải quyết vấn đề về mặt bằng cho sản xuất - kinh doanh cho các DN nói chung và các DNNVV nói riêng, Luật Đất đai 2003 và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ số 180/2004/NĐ-CP, 181/2004/NĐ-CP, 188/2004/NĐ-CP... đã quy định một số vấn đề cụ thể. Nhưng đến nay, việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai 2003 và các Nghị định hướng dẫn đều đang được triển khai và cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua thuê của Nhà nước và qua giao dịch mua bán. Con đường thuê đất của Nhà nước rất dài và tốn kém. Thủ tục cấp quyền sử dụng đất bình quân ở Hà Nội là 325 ngày, TP Hồ Chí Minh 418 ngày, Đà Nẵng 309 ngày, Bình Dương 64 ngày, Huế 82 ngày.

Chuyên môn hóa sử dụng đất cũng làm tăng chi phí và thời gian để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các chi phí giải tỏa đền bù, chuyển quyền sử dụng đất đang là gánh nặng chi phí đối với DNNVV. Vấn đề giải tỏa, đền bù không hợp lý, di dời dân cư không đúng tiến độ hay thực hiện không nghiêm làm đình trệ tiến trình đầu tư và cản trở hoạt động của DN.

Khảo sát tại một số tỉnh thành có tốc độ phát triển công nghiệp cao như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Đồng Nai... cho thấy, tuy đã và đang xây dựng thêm các Khu công nghiệp và các Cụm công nghiệp nhưng tốc độ xây dựng và đưa vào sử dụng còn chậm, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu của DNNVV về mặt bằng sản xuất.

Việc thành lập các CCN, KCN nhỏ và vừa là một trong những giải pháp về mặt bằng sản xuất cho các DNNVV. Cho đến nay, tại 36 tỉnh thành đã quy hoạch và xây dựng khoảng trên 200 CCN, KCN nhỏ và vừa. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu với việc xây dựng đồng loạt xây dựng 18 KCN, CCN diện tích lên đến 800 ha, nhưng cũng chỉ có khoảng 130 DNNVV được thuê đất xây dựng nhà xưởng - một con số quá nhỏ bé so với nhu cầu.

Qua tổng hợp ý kiến, kiến nghị từ quá trình thực hiện các thủ tục để có mặt bằng sản xuất, kinh doanh của các DNNVV cho thấy, đến nay việc tiếp cận thông tin, lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy, trụ sở, cửa hàng cũng như việc tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua cơ chế thoả thuận để có đất sản xuất,

kinh doanh của các DNNVV còn nhiều trở ngại khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng ở nhiều địa phương không có hoặc có thì không chắc chắn; quy hoạch còn chung chung nên việc bố trí mặt bằng cho các DN chưa được quan tâm; thậm chí không công khai quy hoạch dẫn đến tình trạng DN thiếu thông tin, khó khăn tiếp cận với đất. Một nguyên nhân nữa cũng cần nhắc đến là chúng ta chưa có một hệ thống đăng ký đất đai thống nhất trên toàn quốc, do đó việc đăng ký đất đai còn nhiều khó khăn; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là ở các khu đô thị rất phức tạp. Ngoài ra, trong quá trình tiến hành bồi thường để có mặt bằng sản xuất, kinh doanh các DNNVV đều rơi vào tình trạng tự thoả thuận với dân nên họ chịu rất nhiều thiệt thòi, tốn kém về thời gian và tiền bạc, nhưng không phải sự thoả thuận nào cũng thành công, nên nhiều DN phải bỏ dở công trình. Ngoài ra các DN còn phải chịu sự đối xử không công bằng trong việc chuyển quyền sử dụng đất do chính sách ưu đãi tiền thuê đất được áp dụng chủ yếu cho các DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, so với trước đây, việc trợ giúp mặt bằng cho các DNNVV cũng đã có nhiều cải thiện. Nhiều địa phương đã quy định thời gian thuê đất dài đến 50 năm, áp dụng mức thấp nhất trong khung giá thuê đất. Công tác công khai quy hoạch đã được một số địa phương thực hiện tốt, tạo thuận lợi cho DN chủ động trong xây dựng dự án sản xuất kinh doanh nhất là trong các lĩnh vực: nuôi trồng thuỷ sản, xuất khẩu, khách sạn - du lịch.

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong quá trình hội nhập (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)