Xuất khẩu cao su nước ta sang Trung Quốc chủ yếu là hình thức mậu biên, thanh tốn trực tiếp bằng hàng hóa, hoặc tiền nhân dân tệ Trung Quốc (chiếm tới 59% tổng lượng mủ xuất sang Trung Quốc). Những năm qua, do thiếu kinh nghiệm buôn bán quốc tế, Việt Nam chưa có chính sách hữu hiệu điều chỉnh việc mua bán ở thị trường này. Việc xuất khẩu cao su mậu biên còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu và phương thức thanh toán của các thương nhân Trung Quốc và chính sách của chính phủ Trung Quốc.
Việc xuất khẩu cao su sang Trung Quốc ngày càng gặp nhiều rủi ro, chủ yếu đến từ những thay đổi chính sách biên mậu của nước này. Từ đầu tháng 3 xuất khẩu cao su tiểu ngạch chỉ được phép qua cửa khẩu Móng Cái hoặc Lục Lầm, việc mua bán phải qua ngân hàng. Việc điều chỉnh này làm xuất khẩu cao su ngưng trệ.
Trung bình mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ tới 2,5 triệu tấn mủ cao su thiên nhiên chiếm 26 % nhu cầu thế giới, nhưng nước này chỉ sản xuất được 500.000 tấn, còn lại hai triệu tấn phải nhập khẩu. Chính vì vậy, dù biết khó khăn, rủi ro khi bán cao su mậu biên, nhưng với lợi thế thị trường tiêu thụ rộng lớn cận kề, được giảm 50% thuế suất, nên Trung Quốc là thị trường không thể thay thế trong cơ cấu thị phần xuất khẩu của cao su Việt Nam.
Chính sách biên mậu hiện nay của Trung Quốc cùng các ưu đãi thuế sẽ không tồn tại được lâu, khi Trung Quốc buộc phải tuân thủ các cam kết của WTO và khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc. Về lâu dài, để đảm bảo lợi ích, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su sang Trung Quốc cần xác lập phương thức mua bán, thanh toán linh hoạt trên cơ sở Luật thương mại và thông lệ quốc tế.