Cần mạnh dạn đổi mới phương pháp học tập của sinh viên và học viên cao học. Những người học này cần chuyển từ phương pháp học tập, nghiên cứu thụ động (Thầy nói, trò ghi, thầy đọc sách thay cho người học) sang phương pháp các giảng viên chỉ gợi mở vấn đề, còn để cho sinh viên, học viên tự tìm và đọc các tài liệu mà giảng viên đã cung cấp. Sau đó, việc thầy và trò gặp nhau ở lớp được dùng chủ yếu cho việc trao đổi, giải đáp thắc mắc, tranh luận khoa học...
Trong nhiều môn học, các sinh viên, học viên cao học cần đọc sách, nghiên cứu tài liệu, giáo trình... về các chuyên đề sắp học từ trước, chuẩn bị trả lời các câu hỏi hoặc thay mặt cả nhóm trả lời các câu hỏi trước.
Giữa giảng viên và sinh viên hoặc học viên cao học cần có một sự trao đổi thường xuyên, liên tục, thẳng thắn về mọi vấn đề trong chương trình đào tạo. Sức sống của các buổi học phụ thuộc vào người học. Học đại học đồng nghĩa với việc người học tự học, tự nghiên cứu. Sinh viên, học viên là những người dễ dàng nắm bắt những cái mới, vì thế cần phải phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự làm giàu kiến thức của mình, cả về kiến thức chuyên ngành lẫn các kiến thức tự nhiên, xã hội...
Để có được kỹ năng giải quyết các vụ việc cụ thể, sinh viên, học viên cần được đi thực tế, tiếp cận nhiều hơn với các vụ việc cụ thể, giải quyết các tình huống có yếu tố nước ngoài.
Cần tăng cường các giờ thảo luận, diễn tập trên trường lớp. Chuyển dần các môn học luật tố tụng từ người thầy độc giảng lý thuyết sang thực tế diễn tập dưới hình thức mở các phiên tòa tập sự, tăng cường việc cho sinh viên tham dự các phiên tòa xét xử các vụ án cụ thể tại Tòa án.
Cần mạnh dạn thay thế việc điểm danh sinh viên, học viên cao học trong giảng đường (rất lạc hậu và mất thời gian) và xét lên lớp hàng năm bằng việc coi trọng việc tự học của sinh viên, học viên cao học; áp dụng việc đào tạo theo tín chỉ là phương thức đào tạo rất phổ biến hiện nay trên thế giới và ở một số trường đại học của Việt Nam.