Để đào tạo ra được những luật gia giỏi có trình độ cao phục vụ tốt cho việc hội nhập quốc tế của Việt Nam, các giảng viên trong các cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, lấy người học làm trung tâm. Tất cả đội ngũ cán bộ, giảng viên cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người học có được một môi trường sư phạm tốt nhất.
Cần thay đổi phương pháp độc thoại là phương pháp giảng dạy chủ yếu hiện nay ở các cơ sở đào tạo cán bộ pháp luật bằng những phương pháp giảng dạy mới, có hiệu quả hơn, thí dụ như: phương pháp gợi mở nêu vấn đề, phương pháp đối thoại giữa giảng viên và người học, phương pháp sử dụng các thiết bị Power Point, phương pháp chia thành nhóm nghiên cứu...Giảng viên không nên áp đặt hoặc buộc các học viên phải luôn luôn tuân theo các quan điểm, ý nghĩ hay hành động của người giảng viên, mà cần để cho người học được tự do thể hiện nhận xét, đánh giá, quan điểm về các vấn đề trong hoạt động của nhà trường.
Với những phương pháp mới này, người giảng viên không phải lên lớp nhiều giờ, không tốn nhiều công sức... mà vẫn đảm bảo cho người học nắm vững vấn đề cần nghiên cứu, phát huy được tính chủ động, tự chủ, tự giác trong học tập của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
+ Sử dụng các phương pháp đào tạo nghề hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp
Phương pháp đào tạo là một trong các yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo. Các cơ sở đạo tạo cán bộ pháp lý, nhất là Học viện Tư pháp, cần tiếp tục duy trì và hoàn thiện các phương pháp giảng dạy tích cực hiện đang được áp dụng. Về việc hoàn thiện phương pháp đào tạo nghề, xin có một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất: Việc sử dụng phương pháp đào tạo phải linh hoạt, phù hợp với tính chất của từng nội dung trong chương trình đào tạo. Đối với các bài giảng lý thuyết (kể cả lý thuyết về kỹ năng) thì phương pháp chủ đạo nên được sử dụng là phương pháp thuyết trình. Phương pháp này có ưu điểm là đồng thời truyền đạt lượng thông tin lớn cho nhiều học viên để đảm bảo tính thống nhất trong nội dung bài giảng, nhằm tạo mặt bằng kiến thức lý thuyết cho các học viên. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp thuyết trình cũng phải tính tới các đặc thù của hoạt động đào tạo nghề. Các nội dung của bài học phải được minh hoạ bằng các tình huống thực tiễn sinh động. Giáo viên lên lớp cần trao đổi với học viên để cải thiện không khí lớp học, tránh tình trạng học viên hoàn toàn thụ động khi lên lớp.
Thứ hai: Cải thiện phương pháp giải quyết tình huống bằng cách xây dựng quy trình tiến hành các giờ học tình huống và tập huấn cho đội ngũ giáo viên để họ có thể làm chủ phương pháp đào tạo này. Tăng cường phương pháp thảo luận theo nhóm để rèn luyện phương pháp làm việc tập thể đồng thời phát huy tính tự chịu trách nhiệm của cá nhân.
Thứ ba: Kết hợp quá trình đào tạo trên lớp với quá trình tự đào tạo ở nhà bằng cách giao các nhiệm vụ cụ thể mà học viên phải giải quyết ngoài giờ lên lớp với cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá hữu hiệu. Các nhiệm vụ mà học viên phải thực hiện ngoài giờ
lên lớp có thể là: Viết tiểu luận theo đề tài có sẵn hoặc theo đề tài học viên tự lựa chọn; viết thu hoạch nghiên cứu hồ sơ tình huống; soạn thảo các văn bản tố tụng; soạn thảo thư tư vấn hay hợp đồng cho khách hàng...
Thứ tư: Tăng cường hiệu quả của các giờ học diễn án. Chương trình đào tạo thống nhất các chức danh tư pháp cần gia tăng các giờ học diễn án đóng vai. Lịch diễn án, hồ sơ diễn án và các vai diễn cụ thể của học viên phải được công bố từ đầu khoá học theo nguyên tắc mọi học viên đều phải tham gia diễn án dưới các vai khác nhau, phù hợp với nghề nghiệp mà học viên theo học. Các buổi diễn án của học viên cần được quay băng VIDEO để chiếu lại cho học viên xem và rút kinh nghiệm. Các học viên không trực tiếp tham gia diễn án cần viết bản thu hoạch diễn án trong đó có nhận xét về từng vai diễn và đề xuất ý kiến cá nhân về đuờng lối giải quyết vụ việc theo các diễn biến tại phiên toà giả định.